Bảo vật quốc gia thứ 11 của Bình Định là cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn, cổ vật Champa

Chủ nhật, ngày 05/03/2023 10:30 AM (GMT+7)
Cuối tháng 1 năm , tỉnh Bình Định đón nhận thêm tin vui, khi hiện vật cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn (thành Hoàng Đế) ở xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia, nâng tổng số bảo vật quốc gia của Bình Định lên 11.
Bình luận 0

Việc cần làm hiện nay là “đánh thức” các bảo vật quốc gia để phát huy giá trị di sản văn hóa Champa ở Bình Định để phát triển du lịch.

Không chỉ có hệ thống di tích thành cổ Champa, tháp Chăm, tỉnh Bình Định còn lưu giữ nhiều cổ vật Champa. 

Theo Bảo tàng tỉnh Bình Định, trong số hơn 13.000 hiện vật đang lưu giữ, trưng bày tại bảo tàng có khoảng 5.000 hiện vật Champa phát hiện qua các cuộc khai quật khảo cổ các di tích và phế tích Champa ở Bình Định; trong đó, có 6 bảo vật quốc gia trưng bày tại đây, gồm: Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini (niên đại đầu thế kỷ XII, công nhận năm 2015), phù điêu thần Brahma (niên đại cuối thế kỷ XII, công nhận năm 2016), cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn (niên đại thế kỷ XII - XIV, công nhận năm 2017), phù điêu nữ thần Sarasvati (niên đại đầu thế kỷ XII, công nhận năm 2020), phù điêu Thần hộ pháp Mả Chùa (niên đại thế kỷ XII, công nhận năm 2021).

Lần đầu tiên đến Bình Định, vợ chồng bà Nguyễn Bích Hải và ông Finn Jakobsen (quốc tịch Đan Mạch, định cư ở Hà Nội) thích thú khi ngắm nhìn các hiện vật Champa đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. 

Bà Hải, chia sẻ: “Chồng tôi rất thích tìm hiểu lịch sử, văn hóa của Bình Định; đặc biệt là văn hóa Champa. Chúng tôi rất ấn tượng khi đến tham quan tháp Đôi, tận mắt ngắm nhìn các hiện vật Champa đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định”.

Bảo vật quốc gia thứ 11 đến từ tỉnh Bình Định là cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn, cổ vật Champa - Ảnh 2.

Du khách tham quan, tìm hiểu di sản văn hóa Champa, trong đó có các bảo vật quốc gia tại Bảo tàng tỉnh Bình Định. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Với “kho báu” di sản văn hóa Champa phong phú và đa dạng, tỉnh Bình Định có nhiều lợi thế để phát triển du lịch văn hóa. Một điều tự hào nữa là các bảo vật quốc gia phù điêu nữ thần Mahishasuramardini và phù điêu thần Brahma từng được xuất ngoại trưng bày tại Áo và Bỉ vào năm 2022. Ngoài 6 bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định, còn có 5 bảo vật quốc gia còn lại là cặp tượng Hộ pháp niên đại thế kỷ XII - XIII lưu giữ tại chùa Nhạn Sơn, xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn) công nhận năm 2020; tượng thần Shiva niên đại thế kỷ XV được lưu giữ tại chùa Linh Sơn, xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) công nhận năm 2018 và cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn công nhận tháng 1.2023.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, bày tỏ: “Di sản văn hóa Champa của Bình Định còn tương đối đậm đặc và phong phú nhưng chưa phát huy giá trị xứng tầm. Trong khi đó, Bảo tàng tỉnh Bình Định- nơi lưu giữ nhiều hiện vật Champa quý giá lại bị “mắc kẹt” vì không có đủ không gian trưng bày, luân chuyển hiện vật… Việc đánh thức giá trị “kho báu” di sản văn hóa Champa nên làm càng sớm càng tốt, tỉnh ta chưa xây dựng được bảo tàng chuyên đề văn hóa Champa, thì cần tạo được không gian trưng bày cho các hiện vật Champa”.

Ngành văn hóa và ngành du lịch cũng đã tham mưu UBND tỉnh nhiều kế hoạch phát triển du lịch văn hóa; trong đó, chú trọng khai thác giá trị di sản văn hóa Champa ở Bình Định, nhất các di tích tháp Chăm, các bảo vật quốc gia, cùng các hiện vật phù điêu, gốm, đồ gia dụng… thời kỳ Champa.

Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VH&TT, Bảo tàng tỉnh đang phối hợp với các ngành chức năng TX An Nhơn, các địa phương xây dựng phương án bảo vệ bảo vật quốc gia cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn, cũng như các bảo vật quốc gia khác. 

Trong năm nay, chúng tôi cũng sẽ tham mưu Sở VH&TT xây dựng mã QR, các clip giới thiệu, kết nối tour du lịch đến Bảo tàng tỉnh và các di tích Champa để quảng bá, khai thác giá trị di sản văn hóa Champa phát triển du lịch”.

Chia sẻ thêm về việc “đánh thức” giá trị di sản văn hóa Champa, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, cho rằng: “Ngay từ bây giờ, tỉnh phải quy hoạch được không gian bảo vệ và tôn tạo, rồi mới nói đến quảng bá để phát huy giá trị di sản văn hóa Champa tốt hơn. Bảo tàng tỉnh cũng là một điểm đến du lịch văn hóa, thì nên đầu tư một không gian làm nơi nghỉ chân phục vụ du khách khi đến tham quan bảo tàng có các dịch vụ phục vụ như giải khát, bán hàng lưu niệm…”.

Đoàn Ngọc Nhuận (Báo Bình Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem