Bất hợp lý và thiếu công bằng quanh chữ "phí"

Thứ hai, ngày 26/03/2012 20:08 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Về đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông của Bộ GTVT, nhiều ý kiến phân tích của các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng có quá nhiều điểm bất hợp lý và không công bằng.
Bình luận 0

Trước hết là sự bất hợp lý của cái gọi là phí hạn chế phương tiện giao thông. Thông thường người ta đóng phí là để thụ hưởng một loại dịch vụ theo nhu cầu. Nhưng ở đây, người dân phải đóng phí với số tiền lớn để tự hạn chế quyền được sử dụng phương tiện đi lại của mình. Bất hợp lý nữa là người mua xe đã đóng rất nhiều loại thuế và phí để sở hữu một chiếc xe, không thể bắt họ phải chịu thêm một loại phí vô cớ như vậy.

Còn không công bằng là ở chỗ Bộ GTVT đề xuất thu phí đổ đầu trên tất cả các ô tô cá nhân. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, chính quyền có nhiều cách để hạn chế ô tô vào trung tâm trong giờ cao điểm. Còn đối với đa số địa phương khác, nhất là các vùng nông thôn, ô tô không nhiều, không ùn tắc giao thông, nhưng lại bắt người dân phải đóng phí mỗi năm từ 20 – 50 triệu đồng/1 xe.

Ngoài sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, cách thu đổ đồng này còn không công bằng ngay đối với người ở trên cùng một địa bàn. Đối với các chủ sở hữu phương tiện, mỗi người có mục đích sử dụng khác nhau nên xe đưa vào tham gia giao thông cũng khác nhau. Có người chạy xe để kinh doanh dịch vụ, có người làm phương tiện đi lại hàng ngày, nhưng có người chỉ đi khi cần thiết, không thể đánh đồng như nhau.

Những người bảo vệ cho đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông nêu quan điểm rằng, người đi ô tô thuộc nhóm giàu có hoặc khá giả, cho nên việc thu phí không ảnh hưởng đến người nghèo. Nói như vậy tưởng như rất công bằng nhưng thực ra là bất công. Chẳng lẽ đối với người có thu nhập cao thì muốn thu tiền của họ như thế nào cũng được? Xin lưu ý rằng, vấn đề không phải là thu phí nhóm đối tượng nào, mà việc thu phí đó có phù hợp và công bằng hay không.

Trước nạn mãi lộ, dân gian biến tấu hai câu thơ trong bài “Quê hương” của Đỗ Trung Quân thành “Ô tô là chùm khế ngọt...”. Nhưng trước đề xuất của Bộ GTVT về tăng các loại phí, đặc biệt là phí hạn chế phương tiện giao thông, thì câu thơ “Ô tô là chùm khế ngọt…” được hiểu theo một ngữ cảnh khác. 600.000 chiếc phải chịu nộp phí là một khoản tiền rất lớn. Phí này vì mục đích hạn chế ùn tắc giao thông và kéo giảm tai nạn giao thông hay để tận thu tiền của dân?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem