“Bến không chồng”: Không chỉ là chuyện của xóm ế chồng...

Thanh Hà (thực hiện) Thứ ba, ngày 20/01/2015 08:11 AM (GMT+7)
Sau phim nhựa, “Bến không chồng” lại được chính đạo diễn Lưu Trọng Ninh viết kịch bản và đạo diễn phiên bản truyền hình dài 32 tập. Phim được đánh giá là 1 trong những phim về nông thôn có sự đầu tư kỹ lưỡng nhất của năm 2015. Phóng viên Báo NTNN đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn (ảnh).
Bình luận 0

Có vẻ như anh rất có duyên với “Bến không chồng” khi đã thành công với vai diễn, đạo diễn ở bộ phim truyện nhựa và bây giờ tiếp tục là đạo diễn của bộ phim cùng tên nhưng ở thể loại phim truyền hình...

img
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh

- (Cười). Tôi nghĩ không có chữ duyên nào ở đây, chỉ là tôi được Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) của Đài Truyền hình Việt Nam, đặt vấn đề, muốn tôi làm một bộ phim về đề tài nông thôn. Với tôi, mặc dù sinh ra ở thành phố nhưng rất thích các đề tài văn học nghệ thuật về nông thôn. Đặc biệt tôi thích 2 tác phẩm văn học về nông thôn là “Cánh đồng bất tận” của tác giả Nguyễn Ngọc Tư và “Bến không chồng” của Dương Hướng. Trong cuốn tiểu thuyết “Bến không chồng”, tôi cảm nhận đó là một hình ảnh làng quê trong giai đoạn đẹp nhất và cũng đau thương nhất của Việt Nam.

 

Với “Bến không chồng” phim truyện nhựa, tôi chưa có điều kiện để lột tả toàn bộ bức tranh về nông thôn, bởi thời lượng phim chỉ gói gọn trong một thời gian quá ít. Còn với phim truyền hình, tôi có thể đưa toàn cảnh bức tranh về nông thôn, cũng như có điều kiện để đưa toàn bộ suy nghĩ của mình vào phim.

Thưa anh, phim truyện nhựa “Bến không chồng” đã từng rất thành công và giành nhiều giải thưởng. Vậy khi quyết định chuyển thể sang thành phim truyền hình, anh đã gặp khó khăn gì khi phải vượt qua cái bóng lớn của bộ phim cũ ấy?

img
Cảnh quay của “Bến không chồng” tại cổng làng Ước Lễ, Thanh Oai, Hà Nội ngày 11.1.2015. Ảnh: Thanh Hà
- Đúng là có những khó khăn nhất định. Ví dụ tôi sẽ phải làm thế nào để thoát khỏi cái bóng của “Bến không chồng” điện ảnh. Cái khó thứ hai đây là một đề tài nhạy cảm, vậy thì tôi sẽ phải khai thác làm sao vừa lột tả được một thời oai hùng, chiến thắng ngày trở về, nhưng đồng thời cũng diễn tả được nỗi đau của họ trong cuộc sống hàng ngày sau lũy tre làng.

 

Có người từng hỏi tôi, một bộ phim động đến quá nhiều nỗi đau như vậy, liệu có thành công? Tôi đã trả lời, “Bến không chồng” sẽ dựa trên hai nét đẹp cơ bản để tạo ra thành công thông qua vẻ đẹp của làng quê Việt Nam và vẻ đẹp tâm hồn trong mỗi nhân vật.

Làng Đông trong phim truyền hình “Bến không chồng” được tạo nên bởi 18 làng quê khác nhau của Việt Nam. Một làng quê mà nếu như ai đó xem xong muốn đi tìm sẽ không thể tìm được. Một làng quê rất đặc trưng, đẹp và đầy mộng mơ, lãng mạn hiện lên qua giếng nước, gốc đa, sân đình, con đê, ngõ gạch, đụn rơm, khói lam chiều… sẽ được hiện lên ở một chút ở làng Cựu, làng cổ Đường Lâm của Hà Nội và rất nhiều ngôi làng ở Hà Tĩnh, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định…

Có gì khác biệt giữa một bên là phim truyền hình và một bên là phim truyện nhựa?

- Tôi đã triển khai và mở rộng nhiều tuyến nhân vật, câu chuyện mới. Cái tên “Bến không chồng” chỉ là cái cớ cho bộ phim này thôi. Ở phim truyền hình, “Bến không chồng” không chỉ là cuộc đời của Nhơn, Hạnh, Đột, Lương, Liễu… mà là của rất nhiều câu chuyện nói về số phận, nỗi đau của những người đàn bà bỏ làng ra đi. “Bến không chồng” với những câu chuyện của xóm những phụ nữ không chồng, xóm ế chồng… chứ không chỉ đề cập đến những vấn đề về cải cách ruộng đất.

Một công thức rất được các nhà làm phim, đạo diễn áp dụng để hút khán giả, đó là diễn viên ngôi sao cộng một chút sex, một chút hành động... trong khi phim của anh thì rất nhiều diễn viên mới?

- Tất cả các bộ phim của tôi, từ phim truyện nhựa đến truyền hình, các diễn viên đều lần đầu tiên đóng phim. Từ phim truyền hình “Hoa cỏ may” khán giả mới biết đến Hồ Ngọc Hà, Vi Cầm, Bá Anh… hay như “Dốc tình” khán giả biết đến Tăng Thanh Hà, Kim Hiền, Bảo Hòa… Tất cả họ đều lần đầu tiên đóng phim, trước đó khán giả đâu biết họ là ai. Chính vì vậy mà tôi không lo và nghĩ mình cũng không cần quan trọng phải tìm diễn viên ngôi sao để hút khán giả.

Hơn nữa đề tài trong “Bến không chồng” không bắt buộc phải thu hút người xem bằng diễn viên ngôi sao, mà sẽ hút bằng câu chuyện, bằng hình ảnh làng quê Việt Nam. Với “Bến không chồng”, sex không lồ lộ như nhiều phim thương mại, mà là câu chuyện tình rung động. Sex được ẩn chứa trong khát vọng của mỗi người...

Xin cảm ơn anh!

 Phim “Bến không chồng” dài 32 tập do nhà văn Lưu Trọng Ninh viết kịch bản và làm đạo diễn. Bộ phim đã quay được 80 ngày ở 18 địa điểm làng quê khác nhau của Việt Nam. Dự kiến bộ phim truyền hình “Bến không chồng” sẽ được ra mắt khán giả cuối năm 2015. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem