Trực thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bệnh viện cây trồng được thành lập tháng 11/2018 nhằm đáp ứng nhu cầu chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho cây trồng nông nghiệp, cây đô thị cảnh quan và cây di sản.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định, bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng các đại biểu cắt băng khai trương bệnh viện cây trồng.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Bệnh viện cây trồng có chức năng chẩn đoán, chữa bệnh, tư vấn phòng chống bệnh; nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ và kỹ thuật chất lượng cao, tham gia đào tạo nguồn nhân lực và các dịch vụ các vấn đề liên quan đến sức khỏe cây trồng theo quy định của Học viện và pháp luật.
Tham gia đào tạo sinh viên các bậc đại học, cao học và nghiên cứu sinh cũng như tập huấn ngắn hạn cho người nông dân, trang trại, doanh nghiệp sản xuất cây trồng về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cây trồng.
GS.TS.Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu về bệnh viện cây trồng.
Bệnh viện cây trồng có các khoa chuyên môn chính như Khoa khám bệnh cây trồng tổng hợp, sinh lý và dinh dưỡng cây trồng, chẩn đoán hình ảnh, phục hồi sức khỏe cây trồng, dự tính dự báo sâu bệnh, Khoa bệnh truyền nhiễm (nấm, virus, vi khuẩn) và động vật hại nông nghiệp.
Theo bà Lan, bệnh viện cây trồng cũng cung cấp các dịch vụ liên quan đến sức khỏe cây trồng và nghiên cứu các sản phẩm như chế phẩm, thuốc bảo vệ thực vật sinh học ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Bệnh viện cây trồng có chức năng chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho cây trồng nông nghiệp, cây đô thị cảnh quan, cây di sản...
Bệnh viện sẽ thực hiện các dịch vụ chẩn đoán sức khỏe cây trồng dựa trên các kỹ thuật chẩn đoán và xét nghiệm chuẩn và hiện đại, nhằm vào các yếu tố sinh vật và phi sinh vật liên quan trực tiếp đến sức khỏe cây trồng; tư vấn phương pháp và cung cấp phương tiện đảm bảo sức khỏe cây trồng tốt nhất cho khách hàng. Hoạt động của bệnh viện là một đóng góp trực tiếp và thiết thực đối với cộng đồng trong lĩnh vực sản xuất cây trồng.
"Bệnh viện gồm có các khoa chuyên môn chính như khoa khám bệnh cây trồng tổng hợp, sinh lý và dinh dưỡng cây trồng, chẩn đoán hình ảnh, phục hồi sức khỏe cây trồng, dự tính dự báo sâu bệnh; khoa bệnh truyền nhiễm (nấm, virus, vi khuẩn) và động vật hại nông nghiệp. Cán bộ làm việc tại các khoa chuyên môn được đào tạo từ các nước như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức,..." - bà Lan cho biết.
Bệnh viện có 20 cán bộ nghiên cứu giỏi chuyên môn.
Cũng theo bà Lan, hiện tại, bệnh viện có 20 cán bộ nghiên cứu giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm và rất tâm huyết với chuyên môn, các cán bộ chủ yếu là giảng viên của Khoa Nông học, một số khoa chuyên môn thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực chuyên môn của Bệnh viện cây trồng và là các đối tác của Khoa Nông học. Ngoài ra bệnh viện cũng có hơn 50 cán bộ nghiên cứu phối hợp trong các hoạt động của bệnh viện.
Về hợp tác quốc tế, bệnh viện cây trồng cũng có mối quan hệ với nhiều giáo sư đầu ngành về lĩnh vực bệnh cây, côn trùng, sinh lý và dinh dưỡng cây trồng ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Đức, Hàn Quốc.
"Các hợp tác này chủ yếu tập trung vào chẩn đoán, nghiên cứu chuyên sâu các đối tượng sâu bệnh mới phát sinh gây hại cây trồng cũng như các yếu tố sinh lý và dinh dưỡng của cây trồng" - bà Lan cho biết thêm.
Các em sinh viên Khoa Nông học đang nghiên cứu nấm bệnh trên một số loại cây ăn quả.
Ngoài ra, bệnh viện cũng tham gia đào tạo sinh viên các bậc đại học, cao học và nghiên cứu sinh cũng như tập huấn ngắn hạn cho người nông dân, trang trại, doanh nghiệp sản xuất cây trồng về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cây trồng.
Hơn nữa, Bệnh viện cây trồng còn cung cấp các dịch vụ liên quan đến sức khỏe cây trồng và nghiên cứu các sản phẩm như thuốc trừ sâu sinh học ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; thực hiện các dịch vụ chẩn đoán sức khỏe cây trồng dựa trên các kỹ thuật chẩn đoán và xét nghiệm hiện đại, nhằm vào các yếu tố sinh vật và phi sinh vật liên quan trực tiếp đến sức khỏe cây trồng.
Bệnh viện còn có hệ thống cửa hàng vật tư nông nghiệp, phòng tư vấn chăm sóc cây trồng.
Trước đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học 2019 - 2020, trao học bổng cho các sinh viên xuất sắc. Tại buổi lễ này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, nông nghiệp vẫn là một ngành đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế; với sự đóng góp của khoa học công nghệ, Việt Nam đã trở thành một cường quốc về xuất khẩu nông sản.
"Các em sinh viên đã chọn đúng nghề và đúng nơi đào tạo vì trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang phát triển vượt bậc với sự nở rộ của đội ngũ doanh nghiệp chắc chắn nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao là rất lớn trong tương lai" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam trực thuộc Bộ NNPTNT là cơ sở giáo dục đại học công lập trọng điểm quốc gia, trường đầu ngành trong lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp và phát triển nông thôn. Trong 63 năm xây dựng và phát triển, học viện đã đào tạo cho đất nước hơn 110.000 cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế nông nghiệp có trình độ đại học, 11.000 thạc sĩ, 600 tiến sĩ cho đất nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.