Bí ẩn máy bay Ai Cập mất tích: 4 kịch bản tiềm năng nhất

Phương Đăng (tổng hợp) Thứ sáu, ngày 20/05/2016 17:33 PM (GMT+7)
Ngày 19.5, phi cơ chở khách MS804 của hãng hàng không EgyptAir chở 66 người mất tích bí ẩn trên đường bay từ Pháp về Ai Cập. Trong khi số phận chiếc máy bay vẫn còn là một ẩn số, giả thiết nó bị khủng bố tấn công được nhiều quan chức và chuyên gia đánh giá cao hơn so với các khả năng khác.
Bình luận 0

Dưới đây là 4 kịch bản tiềm năng đã có thể đã xảy ra với máy bay mất tích Ai Cập MS804

1. Khủng bố

Nhiều quan chức an ninh lẫn chuyên gia hàng không đã đưa ra nhận định rằng, có khả năng rất lớn MS804 mất tích ngày 19.5 trên biển Địa Trung Hải đã bị tấn công khủng bố.

img

Giả thiết máy bay Ai Cập mất tích bị khủng bố tấn công đang được chú ý.

"Hoàn toàn có khả năng đây là một hành động khủng bố và kết quả là 66 công dân thuộc nhiều nước khác nhau thiệt mạng",Interfax dẫn lời người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Alexander Bortnikov nhận định về vụ mất tích của máy bay thuộc hãng hàng không EgyptAir.

"Cài một quả bom lên máy bay ở sân bay của Pháp hay Ai Cập là điều khả thi, bởi rất khó để kiểm soát 100% sân bay,  kể cả ở một  phi trường được giám sát chặt chẽ như Charles de Gaulle", ông Gerard Feldzer, một chuyên gia hàng không nhận định. 

Đồng tình, cựu giám đốc cơ quan điều tra tai nạn hàng không Pháp (BEA) Jean-Paul Troadec cũng nhận định, giả thiết về một cuộc tấn công khủng bố dưới hình thức đặt bom hẹn giờ hoặc đánh bom tự sát trên máy bay A320 của Ai cập đang được ưu tiên hàng đầu.

Bản thân Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail cũng nhấn mạnh, không loại trừ bất cứ giả thiết nào khi được hỏi về khả năng khủng bố đằng sau vụ máy bay mất tích.

img

Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail trả lời báo chí về vụ tai nạn MS804 ngày 19.5.

Cả Pháp và Ai Cập đã trở thành mục tiêu của các phần tử khủng bố và cực đoan Hồi giáo trong những tháng gần đây. Tháng 10 năm ngoái, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm đánh bom máy bay Nga A-321 của hãng hàng không Nga Metrojet, cất cánh từ khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh của Ai Cập. Chiếc phi cơ sau đó rơi xuống sa mạc Sinai (Ai Cập) khiến toàn bộ 224 người trên khoang tử nạn. 

Ai Cập ban đầu phủ nhận khủng bố có liên quan đến vụ tai nạn bất chấp Nga và Pháp khẳng định máy bay đã bị cài bom từ trước. Tuy nhiên, hồi tháng 2 năm nay, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi đã lên tiếng thừa nhận, máy bay Nga đã bị khủng bố tấn công. 

Một yếu tố quan trọng khiến giả thiết MS804 bị khủng bố khả thi là chiếc phi cơ đã không gửi bất kỳ tín hiệu cấp cứu nào về mặt đất. Trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Hàng không Ai Cập Sherif Fathy cũng nghiêng về khả năng MS804 bị khủng bố nhiều hơn là trục trặc kỹ thuật.

Các quan chức Mỹ cũng tập trung vào giả quyết máy bay bị khủng bố. Họ nghi ngờ một quả bom khiến máy bay nổ tung, sau đó rơi xuống biển do nhiều sân bay ở các nước đang phát triển như Ai Cập có an ninh khá lỏng lẻo.

“Nhiều sân bay tại các nước đang phát triển không trang bị công nghệ quét hiện đại cũng như không triển khai các khóa đào tạo nghiêm ngặt đối với các nhà khai thác”, báo cáo của Trung tâm Phòng chống Khủng bố (TCS, Mỹ) nhấn mạnh.

2. Hỏng động cơ, trục trặc kỹ thuật

Các chuyên gia cho rằng, khả năng MS804 gặp nạn vì hỏng động cơ hoặc trục trặc kỹ thuật không cao. 

“Không có bất cứ báo cáo lỗi nào trong nhật ký kiểm tra kỹ thuật” của chiếc Airbus, ông Ahmed Adel – phó giám đốc hãng EgyptAir khẳng định.

img

Khả năng MS804 gặp sự cố kỹ thuật không cao.

Cựu giám đốc cơ quan điều tra tai nạn hàng không Pháp (BEA) Jean-Paul Troadec cũng cho biết, giới chuyên gia Pháp gần như loại trừ hoàn toàn nguyên nhân do sự cố kỹ thuật, bởi điều kiện thời tiết tại thời điểm xảy ra vụ việc rất tốt.

Thực tế, sự hiện đại của công nghệ hàng không khiến các máy bay ngày nay ít khi gặp các sự cố trong cơ khí hoặc kỹ thuật.

Tuy nhiên, trong vụ nổ xảy đến với chuyến bay TWA 800 sau khi cất cánh từ TP New York – Mỹ năm 1996, các nhà chức trách đã cho rằng đây là vụ khủng bố. Song cuối cùng bộ An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) tìm ra nguyên nhân gây tai nạn là do “một vụ nổ ở bồn chứa nhiên liệu ở cánh trung tâm khi bắt lửa từ nhiên liệu/không khí dễ cháy”.

Mới đây nhất, vào năm 2014, một chuyến bay của hãng Air Asia khởi hành từ TP Surabaya – Indonesia đã gặp trục trặc liên tục tại góc cánh lái điều khiển vì một vết nứt trong mối hàn.

Bị bắn hạ

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos , máy bay Ai Cập mất tích khi đang bay ở độ cao hơn 11.000 m đã bị nghiêng 90 độ về bên trái, sau đó xoay tròn 360 độ về bên phải, trước khi đột ngột rơi xuống độ cao 4.500 m và biến mất khỏi màn hình radar.

Các chuyên gia cho rằng, khả năng máy bay Ai Cập bị bắn hạ không cao vì tên lửa của các nhóm chiến binh cực đoan ở Trung Đông không có khả năng đạt đến độ cao 11.000 m. Tuy nhiên, vẫn có khả năng nó bị máy bay khác bắn rơi do nhầm lẫn.

“Chúng ta không thể loại trừ khả năng nó bị máy bay khác bắn rơi”, chuyên gia hàng không Gerard Feldzer  nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, nếu MS804 thực sự bị bắn hạ, thì đó là chuyện không thể che giấu.

"Các khu vực xung quanh phía bắc Ai Cập, bao gồm cả các bờ biển Israel và Gazan, là "một trong những khu vực được theo dõi chặt chẽ nhất trên thế giới, bao gồm cả việc theo dõi bằng vệ tinh. Sẽ rất khó để che giấu những thông tin như thế", ông bình luận.

Phi công

Hãng hàng không EgyptAir cho biết cơ trưởng chuyến bay 804 đã có 6.275 giờ bay, trong đó gồm 2.101 giờ bay trên chiếc A320. Còn số giờ bay của cơ phó là 2.766. Họ đều là những phi công dày dặn kinh nghiệm.

img

Trang Facebook cá nhân của cơ phó máy bay MS804 đã có dòng trạng thái "tưởng nhớ" ông.

Tuy nhiên, EgyptAir từng bị chỉ trích là thiếu minh bạch trong các vụ tai nạn hàng không.

Năm 1999, một chuyến bay của EgyptAir rơi xuống Đại Tây Dương ngay sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York, khiến tất cả 217 người trên khoang tử nạn.

Mặc dù các nhà điều tra Mỹ kết luận rằng, phi công đã lái máy bay xuống biển, hãng EgyptAir vẫn cương quyết bác bỏ khả năng phi công tự sát và vẫn khẳng định, vụ tai nạn là do lỗi kỹ thuật chưa xác định được.

Ngoài ra, hồi tháng 3.2015, cơ phó 27 tuổi Andreas Lubitz của hãng hàng không Germanwings đã nhốt cơ trưởng ở ngoài sau đó đâm máy bay vào dãy núi Alps phía nam nước Pháp khiến toàn bộ 150 người trên khoang thiệt mạng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem