Bình Định: Nỗi lo từ 31 hồ chứa xuống cấp nghiêm trọng

Thứ hai, ngày 29/10/2012 10:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có 159 hồ chứa nước với tổng dung tích chứa trên 600 triệu m3 nước.
Bình luận 0

Trong đó, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý 14 hồ chứa nước có dung tích lớn và vừa; số còn lại do các địa phương quản lý.

Qua kiểm tra, hiện có 31 hồ chứa đang bị xuống cấp nghiêm trọng cần được quan tâm trong mùa mưa lũ năm nay, trong đó có 16 hồ cần ưu tiên đầu tư sửa chữa, nâng cấp gồm: Hồ Hóc Quăng, Cự Lễ, Giao Hội (Hoài Nhơn), Hóc Tranh (An Lão), Kim Sơn, Mỹ Đức, Đồng Quang, Hóc Mỹ (Hoài Ân), Hội Khánh, Hố Trạnh, Núi Miếu (Phù Mỹ), Hóc Xeo, Tân Lệ, Mỹ Thuận (Phù Cát), Hóc Thánh (Tây Sơn), Suối Mây (Vân Canh).

img
Thi công nâng cấp đập chính hồ chứa nước Ông Lành ở xã Canh Vinh (Vân Canh).

Hầu hết các hồ chứa nước bị xuống cấp được xây dựng trước năm 1990, thường xuyên chịu tác động khắc nghiệt của mưa lũ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa bão. Các hư hỏng thường gặp của hệ thống hồ chứa là đập đất bị thẩm lậu, thấm nước qua thân đập; cống lấy nước bị lún, lệch, xói lở mái đập thượng lưu; tràn xả lũ bị xói lở tạo thành các rãnh sâu thấm vào bên trong thân tràn. Các tuyến đường cứu hộ đến hồ chứa bị hư hỏng, hệ thống kênh thoát lũ sau tràn bị nhiều vật cản, khó khăn trong tiêu xả lũ…

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 99 đập dâng trên sông, phần lớn được xây dựng từ khá lâu, nhiều đập đã xuống cấp, hư hỏng, vận hành khó khăn. Khảo sát mới đây cho thấy, đập Lão Tâm (huyện Phù Cát) xây dựng từ năm 1961 hiện đã bị xói lở nặng phía hạ lưu đập, có nguy cơ bị cuốn trôi bất cứ lúc nào; đập Tháp Mão (thị xã An Nhơn) xây dựng từ năm 1963, các trụ pin đập bị đứt chân, hạ lưu đập bị xói lở nặng, gây hiện tượng rò rỉ nước nhiều nơi.

Trước tình hình trên, Chủ tịch tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc vừa yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương cần nhanh chóng triển khai các phương án phòng chống lụt bão, trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc phòng chống lụt bão đối với hệ thống hồ chứa nước, đê điều, kênh mương thủy lợi.

Các ngành chức năng và các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa nước, các công trình giao thông xung yếu. Đối với những công trình bị xuống cấp nhưng chưa có kinh phí sửa chữa, cần thực hiện các biện pháp gia cố tạm hoặc không cho tích nước trong mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn vượt lũ chính vụ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem