Binh đoàn 15 chung sức xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, ngày 13/04/2012 10:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Binh đoàn 15 vừa được Bộ Quốc phòng chọn là đơn vị chỉ đạo điểm trong phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Bình luận 0

Nhân dịp này, phóng viên Báo NTNN đã phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang - Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, Tư lệnh Binh đoàn 15 về nhiệm vụ mới của Binh đoàn.

Với bề dày 27 năm làm nhiệm vụ kinh tế kết hợp quốc phòng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, xin Tư lệnh cho biết những “vốn liếng” mà Binh đoàn tạo dựng tại các địa phương đứng chân có ý nghĩa như thế nào đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới ?

- Như chúng ta đã biết, Binh đoàn 15 là đơn vị Kinh tế - Quốc phòng, được thành lập ngày 20.2.1985. Nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao là phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng – an ninh trên các địa bàn chiến lược.

img
Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, Tư lệnh Binh đoàn 15 - Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang gặp gỡ các công nhân dân tộc tiêu biểu – những tác nhân quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng NTM của Binh đoàn.

Địa bàn của các đơn vị Binh đoàn đứng chân trải dài trên 220 thôn, làng của 33 xã, phường, thị trấn gồm các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Bình Định. Phần lớn địa bàn Binh đoàn đứng chân đều thuộc vùng sâu, vùng biên giới.

Có thể nói đây là vùng đất điển hình của những khó khăn: Trình độ dân trí thấp, kinh tế - xã hội kém phát triển. Tuy nhiên, với phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, 27 năm qua, cán bộ, chiến sĩ và người lao động Binh đoàn đã dũng cảm khắc phục khó khăn, vượt qua muôn ngàn gian khổ, cải biến một vùng đất hoang hóa, nhức nhối tàn tích chiến tranh thành những vùng kinh tế phát triển năng động; những vùng dân cư trù phú…

Đến nay, Binh đoàn đã phát triển được hơn 35.000ha cao su, gần 100.000ha cà phê, 90ha lúa nước; xây dựng 5 nhà máy chế biến mủ cao su, 1 nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu, 1 nhà máy chế biến phân bón vi sinh; tốc độ tăng trưởng kinh tế của Binh đoàn hàng năm đều đạt trung bình 15%. Riêng năm 2011, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách, nhưng Binh đoàn vẫn đạt lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng – đứng thứ 2 trong các công ty kinh tế toàn quân…

Bằng hiệu quả từ sản xuất kinh doanh, những năm qua, Binh đoàn đã đầu tư, sửa chữa hơn 1.000km đường giao thông; xây dựng 1 trường trung cấp nghề, 8 trường tiểu học và THCS với 93 phòng học, 10 trường mầm non với 34 điểm trường; 1 bệnh viện khu vực, 8 bệnh xá; sửa chữa và làm mới hàng trăm nhà chính sách… Đó là chưa kể hàng trăm tỷ đồng được Binh đoàn đầu tư để xây dựng mạng lưới điện, hồ đập chứa nước, nhà máy thủy điện, nhà rông văn hóa, khu vui chơi giải trí…

Chưa nói đến lực lượng lao động trên 2 vạn người – trong đó có hơn 6.000 lao động là đồng bào dân tộc của Binh đoàn được bố trí trên 10 cụm với hàng trăm điểm dân cư dọc biên giới – những vốn quý, những tác nhân quan trọng để đẩy lùi đói nghèo và các tập tục lạc hậu, có thể nói những cơ sở vật chất mà Binh đoàn đầu tư xây dựng trên đây là những “lưng vốn cơ bản”; những viên gạch nền móng cho công cuộc xây dựng nông thôn mới trên các địa phương Binh đoàn đứng chân…

Được biết hiện Binh đoàn và tất cả các công ty đều đã phát động ra quân tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới. Xin Tư lệnh cho biết những nội dung cụ thể mà Binh đoàn và các đơn vị sẽ triển khai ?

- Thực hiện Kế hoạch số 21 ngày 3.1.2012 của Tổng cục Chính trị đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt về phát động toàn quân hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, đồng thời với vinh dự là một đơn vị được Bộ Quốc phòng chọn chỉ đạo điểm thực hiện phong trào thi đua, ngay từ những ngày giữa tháng 2, Binh đoàn đã tổ chức lễ phát động thi đua hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” đầu tiên trong toàn quân.

Sau đó, các công ty, đơn vị cơ sở lần lượt tiến hành phát động thi đua với 5 nội dung chủ yếu là: Tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng KT – XH; phấn đấu mỗi công ty, đơn vị giúp 1-2 xã trên địa bàn đóng quân xây dựng nông thôn mới, mỗi xã có 1 đến 2 công trình có giá trị và hiệu quả thiết thực; tham gia có hiệu quả công tác giáo dục trên địa bàn đứng chân; chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường; tham gia xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể địa phương vững mạnh; phối hợp, tham gia đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự xã hội…

Để hoàn thành các nội dung thi đua trên đây, Binh đoàn đã đề ra 6 giải pháp, chia thành 2 giai đoạn từ nay đến năm 2020 để thực hiện. Mỗi giai đoạn sẽ có tổng kết, đánh giá, thi đua khen thưởng. Binh đoàn đã lựa chọn các Công ty 74, 715 và 732 để chỉ đạo điểm.

Nếu chỉ xây dựng nông thôn mới trong nội bộ Binh đoàn, việc đạt 19 tiêu chí chắc không khó. Tuy nhiên có một thực tế là đời sống của đa số đồng bào dân tộc trên địa bàn đứng chân hiện còn một khoảng cách khá xa so với công nhân và người lao động trong Binh đoàn. Tư lệnh có thể cho biết Binh đoàn sẽ có những giúp đỡ gì để rút ngắn khoảng cách này trong một cộng đồng nông thôn mới ?

- Quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, ngay từ những ngày đầu thành lập, Binh đoàn đã đề xướng và quán triệt chủ trương “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng”. 27 năm qua, chủ trương này đã góp phần quyết định tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, tăng cường sự gắn bó giữa Binh đoàn với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tình đoàn kết quân dân.

Ngoài việc đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các cơ sở vật chất trên địa bàn đứng chân, cán bộ, chiến sĩ và người lao động Binh đoàn đã đóng góp hàng nghìn công lao động, hàng nghìn ngày lương để hỗ trợ đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

"Ngoài việc đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các cơ sở vật chất trên địa bàn đứng chân, cán bộ, chiến sĩ và người lao động Binh đoàn đã đóng góp hàng nghìn công lao động, hàng nghìn ngày lương để hỗ trợ đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống."

Gần đây, để “vi mô” hóa một bước chủ trương trên, từ sự dày công tìm tòi, đúc kết thực tiễn, Binh đoàn đã phát kiến mô hình “gắn kết hộ”. Từ 30 cặp hộ kết nghĩa ban đầu, đến nay đã có 4.276 cặp hộ gắn kết, trong đó có hơn 1.900 hộ đồng bào dân tộc không phải là người lao động Binh đoàn. Mô hình “gắn kết hộ” đã được Ban Dân vận Trung ương, Tổng cục Chính trị QĐNDVN, cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá là mô hình điểm, là cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác “dân vận khéo” của Binh đoàn…

Tuy nhiên một thực tế cần được nhìn nhận thấu đáo là thu nhập của đa số đồng bào dân tộc hiện vẫn còn kém xa công nhân và người lao động trong Binh đoàn. Nguyên nhân là năng suất lao động chưa cao, kinh tế phụ phát triển chưa hiệu quả và phần đông chưa biết cách quản trị kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, một số tập tục lạc hậu còn rơi rớt, nếp sống giản đơn còn tồn tại trong không ít gia đình. Đây là những trở lực nếu không vượt qua thì không thể xây dựng thành công nông thôn mới...

Bằng tất cả bản chất truyền thống của một đơn vị quân đội do dân, vì dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; bằng tâm niệm thay mặt các thế hệ đồng đội đi trước trả nghĩa công ơn đùm bọc, cưu mang của đồng bào các dân tộc, bên cạnh việc tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả mô hình “gắn kết hộ” với các chỉ tiêu: 100% số đơn vị trực thuộc Binh đoàn và đội sản xuất kết nghĩa với địa phương; 100% số hộ công nhân người Kinh của Binh đoàn gắn kết với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, Binh đoàn sẽ tiếp tục mở rộng địa bàn, ngành nghề sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho đồng bào địa phương để phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Mục tiêu phấn đấu là: Trong vùng dự án của Binh đoàn không còn hộ nghèo.

Xin cảm ơn Tư lệnh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem