Các đoàn thể phải được trực tiếp đào tạo nghề

Thứ bảy, ngày 07/06/2014 06:38 AM (GMT+7)
Sáng 6.6, phát biểu trong phiên thảo luận của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Luật Dạy nghề, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch T.Ư Hội NDVN kiến nghị các đoàn thế chính trị - xã hội phải được trực tiếp tổ chức đào tạo nghề.
Bình luận 0
Đào tạo nghề để chuyển dịch cơ cấu lao động

Góp ý vào Điều 4 về mục tiêu dạy nghề như Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề nêu, đại biểu Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Lao động của Việt Nam hiện nay đang đứng trước thực trạng là chất lượng và trình độ thấp; hai là cơ cấu lao động của chúng ta không hợp lý.

Hiện vẫn còn khoảng gần một nửa lực lượng lãnh đạo xã hội đang nằm trong khu vực nông nghiệp, mục tiêu của chúng ta đề ra đến năm 2020 cố gắng phấn đấu để hạ tỷ lệ này xuống khoảng 30% và còn phải xuống nữa. Bởi vì các nước công nghiệp thì tỷ lệ lao động nằm trong nông nghiệp chỉ khoảng từ 10-15%, thậm chí còn thấp hơn. Như vậy, việc dạy nghề ngoài phục vụ cho mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động, còn phục vụ cho cả nhiệm vụ là chuyển dịch cơ cấu lao động”.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Nguyễn Quốc Cường phát biểu ý kiến sáng 6.6.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Nguyễn Quốc Cường phát biểu ý kiến sáng 6.6.

Do đó, ông Cường nhấn mạnh: “Điều 4 trong dự thảo nói về mục tiêu dạy nghề mới đề cập đến mục tiêu đáp ứng cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động. Tôi đề nghị cần phải bổ sung thêm là dạy nghề còn phải phục vụ cho nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Các đoàn thể chủ động tham gia

Vấn đề thứ 2 mà đại biểu Nguyễn Quốc Cường góp ý là quy định bổ sung về xã hội hóa dạy nghề. Ông cho rằng: “Tinh thần của điều này cho phép và khuyến khích các tổ chức, cá nhân kể cả ở trong và ngoài nước lập cơ sở dạy nghề và tham gia các hoạt động dạy nghề. Điều này hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Nhưng cũng tại Điều 7a ở khoản 4 quy định cho 3 tổ chức là tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phạm vi, quyền hạn của mình có trách nhiệm tham gia với cơ quan, nhà nước trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển dạy nghề và giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về dạy nghề theo quy định của luật pháp.

Tôi cho rằng quy định như vậy dễ bị hiểu là 3 tổ chức trên bị hạn chế là không được trực tiếp tổ chức các hoạt động dạy nghề mà chỉ có trách nhiệm tham gia hoạch định chính sách dạy nghề và thực hiện nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về dạy nghề. Như vậy, sẽ không đúng với tinh thần xã hội hóa dạy nghề và không đúng với thực tế là trong nhiều năm qua các tổ chức trên đã trực tiếp tổ chức các hoạt động dạy nghề đạt kết quả. Và có thể nói hầu hết các đối tượng có nhu cầu học nghề và cần phải dạy nghề thì đều là các hội viên, đoàn viên, thành viên của các đoàn thể”.

Cần dạy nghề theo đơn đặt hàng
ĐB Đặng Thị Kim Liên (Yên Bái) cho rằng, cần có cơ chế thu hút doanh nghiệp dạy nghề tạo việc làm tại khu vực nông thôn, các vùng đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông) nhấn mạnh, cần dạy nghề theo đơn đặt hàng, bảo đảm học nghề ra là phải tìm được việc làm, muốn thế phải có liên kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp.

Hải Hà

Theo ông Cường: “Nếu không tạo điều kiện cho các đoàn thể trực tiếp tổ chức hoạt động dạy nghề là trái với quan điểm, chủ trương của Đảng về dạy nghề. Cụ thể là trái với Chỉ thị số 19 ngày 5.11.2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

Tại nhiệm vụ thứ tư của chỉ thị đã nói rất rõ là, huy động các đoàn thể chính trị xã hội, khuyến khích các đoàn thể nhân dân và doanh nghiệp, người dân đủ điều kiện tích cực tham gia hoạt động dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn”.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Quốc Cường: Tại nhiệm vụ thứ năm, Chỉ thị số 19 đã giao nhiệm vụ cho Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, cũng như các tổ chức chính trị xã hội lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức thành viên chủ động tham gia, thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn với các hình thức phù hợp.

“Vì vậy, tôi đề nghị trong Điều 7a, cụ thể là khoản 4 cần phải viết rõ tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp chủ động tham gia các hoạt động dạy nghề, sau đó trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm tham gia với cơ quan nhà nước hoạch định các chính sách và thực hiện vai trò giám sát. Quy định như thế mới rõ và đủ” - Chủ tịch T.Ư Hội NDVN nhấn mạnh.
Ngọc Lê (Ngọc Lê)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem