Câu hỏi bản thân đã tự là câu trả lời. Khi mà cái nghèo, gắn liền với cái khó, và chẳng xa với cái đói. Họ nhạy cảm với sự tổn thương đến nỗi có khi chỉ sau một trận mưa đá, như ở Lào Cai vừa rồi, không còn chút tích lũy nào dù chỉ để lợp lại được một mái nhà.
“Con cá” là cần, nhưng đã nói đến việc giảm nghèo, gắn với chữ bền vững, người ta thường nói đến “cái cần câu”.
Hôm qua, hầu hết các ý kiến phát biểu trong Hội nghị trực tuyến về giảm nghèo bền vững có quy mô toàn quốc, đều ít nhiều nói về sự ỉ lại, khi giờ đây, sự “cho không” trong chính sách xóa nghèo đã đẻ ra một thực tế là người nghèo thì không muốn thoát nghèo, và xã chưa đến mức nghèo thì chạy bằng được một suất xã nghèo, dù chỉ để mỗi năm có thêm 1 tỷ, mức đầu tư nói như Phó Chủ tịch Lào Cai là “chỉ đủ làm 1km đường giao thông”.
Thực ra, chính sách xóa nghèo đã có yếu tố “cái cần câu” trong nó. Chỉ có điều, nói như Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam là có khi “câu cả năm không ra con cá nào”. Bởi trong số 1.087 triệu người nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề, chỉ có 29 ngàn người sau đó tìm được việc. Bởi 1 triệu hộ được vay vốn. Nhưng mức vay bình quân chỉ 12 triệu đồng/hộ.
Và bởi việc chính sách đưa đồng bào thiểu số đi xuất khẩu lao động đang gặp một trở ngại cực lớn từ văn hóa từ những người có khi cả đời chẳng đi đâu khỏi ngọn núi của mình. Thứ lực cản mà Phó Chủ tịch Hà Giang Sèn Chỉn Ly xác định là “tâm lý rất cổ” khiến đồng bào “hưởng ứng rất thấp”.
Người ta không thể thoát nghèo chỉ với những khoản “cho không” kiểu “con cá”. Và cũng không thể thoát nghèo với một chiếc cần câu thậm chí không biết cách cầm.
Và vì thế, muốn tránh tình trạng “câu cả năm không ra con cá nào” thì không phải cứ “cắt con cá giao cái cần” là được mà cần giao một cái cần câu cơm cứng cáp nhưng vừa tay và dạy đồng bào cả cách câu nữa. n
Anh Đào
Vui lòng nhập nội dung bình luận.