Chính quyền và tư nhân hợp tác dạy nghề

Thứ năm, ngày 21/03/2013 13:12 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dạy nghề miễn phí, tạo việc làm tại chỗ cho người dân... là mô hình kết hợp giữa chính quyền với tư nhân để dạy nghề ở xã Đông Ninh (Đông Sơn, Thanh Hóa).
Bình luận 0

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Lê Đình Thiết (SN 1975) về quê ở thôn Hữu Bộc, xã Đông Ninh. Gia đình anh vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn khi anh xây dựng gia đình, rồi ra ở riêng. Nghề phụ không có, cả gia đình chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng. Năm 2003, anh quyết tâm “Nam tiến” học nghề.

img
Anh Thiết (đứng) hướng dẫn các học viên các khâu chế tác đá quý.

Mở nghề mới

“Tôi xin vào làm công cho một xưởng chế tác đá quý mỹ nghệ ở TP.HCM, lúc đầu tôi nghĩ chỉ làm tạm, khi có tiền sẽ học nghề khác, nhưng càng học càng ham. Sau 2 năm vừa học vừa làm, khi có lưng vốn, kỹ thuật, năm 2005, tôi về quê mở xưởng” - anh Thiết cho hay.

Ít vốn, anh phải bán đồ nữ trang mà mà bố mẹ tặng vợ chồng anh ngày cưới để mua 6 máy chế tác. Thấy anh lôi cả đống sắt, đống đá về, gia đình rất lo. Nhưng nỗi lo ấy đã qua đi khi các sản phẩm của anh nhanh chóng được thị trường chấp nhận. Sản phẩm là những mặt đá nhỏ li ti, những viên đá quý gắn trang trí trên đồng hồ, nhẫn, quần áo, giày dép, nơ, cặp tóc, đồ trang sức cao cấp… Nó phải trải qua nhiều công đoạn rất tỉ mỉ, nên đòi hỏi người thợ ngoài khéo léo, còn phải rất kiên nhẫn. “Lúc đầu tôi phải gửi hàng nhờ các hiệu bán đồ lưu niệm, tiệm vàng bạc, đá quý bán hộ. Do các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, giá cả phải chăng, nên tiêu thụ rất nhanh. Từ vài hiệu tôi ký gửi, nhiều hiệu khác đã đến đặt hàng. Hiện nay sản phẩm của tôi đã có mặt ở hầu khắp trong Nam, ngoài Bắc” - anh Thiết cho biết.

Đi học cũng có lương

Hiện cơ sở của anh Thiết có 80 máy chế tác các loại và tạo việc làm cho hơn 80 lao động, với thu nhập từ 1,5-2,5 triệu đồng/người/tháng. Ban đầu, anh nhận anh em họ hàng vào làm, rồi dần dần xưởng mở rộng, anh nhận những người có nhu cầu vào vừa học vừa làm và đặc biệt ưu tiên cho những gia đình chính sách, hộ nghèo.

Thực hiện Quyết định 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lãnh đạo xã Đông Ninh làm việc với anh để gửi học viên vào học. Học viên học nghề tại xưởng của anh không phải đóng học phí, tiền ăn đã có Nhà nước lo, ngoài ra còn được nhận “lương” từ sản phẩm mình làm ra.

“Được anh Thiết chỉ bảo tận tình, học viên học rất nhanh thuộc bài. Nếu ai nhanh ý thì chỉ sau một tháng là đã làm được rồi và ít ra cũng có thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng”.

Ông Lê Đức Thanh - Chủ tịch UBND xã Đông Ninh cho biết, ngoài cơ sở của anh Thiết, xã đang phối hợp với rất nhiều cơ sở khác để dạy các nghề như mộc, cơ khí, đan lát… cho người dân. Các lớp đạt hiệu quả rất cao, vì học viên học đến đâu thực hành đến đó, nhiều học viên sau khi học nghề đã được cơ sở giữ lại làm, số còn lại tự mở xưởng hoặc làm công cho các cơ sở khác trên địa bàn.

Chị Lê Thị Uyên - công nhân xưởng đá của anh Thiết tâm sự: “Nghề chế tác đá quý rất kén người học, bởi nó trải qua rất nhiều công đoạn như mài, gắn đính, xoay đai, đánh bóng mặt trước, mặt sau các sản phẩm… Được anh Thiết chỉ bảo tận tình, học viên học rất nhanh thuộc bài. Nếu ai nhanh ý thì chỉ sau một tháng là đã làm được rồi và ít ra cũng có thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng”.

Khi hỏi về những dự định trong tương lai, anh Thiết bộc bạch: “Tôi sẵn sàng dạy nghề miễn phí cho học viên, nhưng khuôn viên cơ sở có hạn. Nếu được xã tạo điều kiện cho thuê mặt bằng, tôi sẽ mở thêm một cơ sở nữa, để vừa dạy nghề, vừa tạo việc làm tại chỗ cho người dân”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem