Chưa hết mùa xét tuyển 2023, nhiều trường “rục rịch” tính phương án tuyển sinh cho năm sau

Minh Châu Thứ sáu, ngày 29/09/2023 19:00 PM (GMT+7)
Trong khi thời gian này, vẫn có trường đại học đang tuyển sinh bổ sung cho năm 2023 thì một số trường đã dự kiến phương án tuyển sinh cho năm 2024, 2025.
Bình luận 0

Năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ được tổ chức tại 19 điểm thi tại 10 tỉnh thành trong cả nước, với 6 đợt thi đánh giá năng lực với quy mô khoảng 75.000 lượt thi, ít hơn 2 đợt so với năm 2023.

Dự kiến, đợt thi sớm nhất sẽ diễn ra vào ngày 23 và 24/3/2024, đợt thi cuối dự kiến diễn ra vào ngày 1 và 2/6/2024.

Lịch này có thể thay đổi theo số lượng thí sinh đăng ký và lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Tất cả đều diễn ra vào thứ Bảy và Chủ nhật.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội), dạng thức (đề cương) bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT năm tới được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực cốt lõi cần thiết của học sinh THPT đạt được theo Chương trình giáo dục phổ thông và phù hợp với tiêu chuẩn, xu hướng đánh giá năng lực trên thế giới.

Thông qua nội dung kiến thức thuộc chương trình giáo dục phổ thông, bài thi đánh giá 3 nhóm năng lực chính học sinh đạt được sau khi tốt nghiệp chương trình THPT. Độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ cấp độ 1 đến cấp độ 3 và được phân định theo tỷ lệ: Cấp độ 1: 20%, Cấp độ 2: 60%, Cấp độ 3: 20%.

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng vừa công bố lịch 6 đợt thi đánh giá tư duy năm 2024. Thời gian tổ chức thi đánh giá tư duy dự kiến diễn ra vào các ngày thứ Bảy/Chủ nhật. Đợt 1: ngày 2 - 3/12/2023; đợt 2: ngày 20 - 21/1/2024; đợt 3: ngày 9 - 10/3/2024; đợt 4: ngày 27 - 28/4/2024; đợt 5: ngày 8 - 9/6/2024; đợt 6: ngày 15 - 16/6/2024.

Chưa hết mùa xét tuyển 2023, nhiều trường “rậm rịch” tính phương án tuyển sinh cho năm sau - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa đợt 1 năm 2023. Ảnh: HUST

Các địa điểm thi là Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng. Nội dung và hình thức thi giữ nguyên như năm 2023.

Bài thi đánh giá tư duy năm 2023 gồm ba phần: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút) với ba mức độ đánh giá tư duy (tư duy tái hiện, tư duy suy luận và tư duy bậc cao). Các câu hỏi được xây dựng dưới hình thức trắc nghiệm với bốn dạng cấu trúc: Chọn đáp án đúng, đúng/sai, kéo thả và câu trả lời ngắn.

Khác với các kỳ thi khác, kỳ thi đánh giá tư duy không tập trung kiểm tra kiến thức nên không đòi hỏi thí sinh dành thời gian ôn luyện nhiều, bởi rèn luyện tư duy đã được hình thành trong suốt quá trình học.

Chia sẻ với báo chí, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết, trường sẽ công bố đề án tuyển sinh năm 2024 vào tháng 11/2023, nhà trường giữ ổn định về chỉ tiêu cũng như các phương thức tuyển sinh như năm 2023.

Từ năm 2025 trở đi, Trường Đại học Nha Trang dự kiến 3 phương án xét tuyển: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; xét điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội của năm xét tuyển; xét điểm tổ hợp các môn xét tuyển. Đây cũng là trường đại học đầu tiên công bố dự thảo phương án tuyển sinh năm 2025.

TS Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo cho hay, nhà trường công bố sớm phương án tuyển sinh từ đó, giúp người học có định hướng nghề nghiệp phù hợp hơn trong quá trình lựa chọn môn học.

Phương thức xét tuyển tổ hợp các môn sẽ bao gồm điểm tổ hợp các môn học ở cấp THPT (hay còn gọi là điểm học bạ) và điểm tổ hợp các môn thi tốt nghiệp THPT nếu Bộ GDĐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT như hiện tại.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp với mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung, cấu trúc của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong văn bản Bộ GDĐT vừa gửi các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm, Bộ GDĐT yêu cầu cơ sở đào tạo hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024, chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, các cơ sở giáo dục đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa theo đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh; xây dựng và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem