Chưa thể lơ là với lạm phát

Thứ tư, ngày 26/01/2011 13:24 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tốc độ tăng chậm lại trong tháng này so với tháng trước cũng diễn ra ở nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ, trong đó có những nhóm có tỷ trọng lớn trong tiêu dùng, cần thiết với đời sống hàng ngày của người dân, nhất là những người có thu nhập cố định, thu nhập thấp, những người nghèo và sẽ được tiêu dùng nhiều vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Bình luận 0

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2011 là 1,74%, thấp hơn tốc độ tăng của tháng 12 năm trước (1,98%). Tốc độ tăng chậm lại trong tháng này so với tháng trước cũng diễn ra ở nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ, trong đó có những nhóm có tỷ trọng lớn trong tiêu dùng, cần thiết với đời sống hàng ngày của người dân, nhất là những người có thu nhập cố định, thu nhập thấp, những người nghèo và sẽ được tiêu dùng nhiều vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Đó là lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt, thiết bị và đồ dùng gia đình… Số liệu thống kê lịch sử (từ 1991 đến nay) cho thấy, tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 1 năm nay thấp hơn tháng 12 năm trước chỉ xuất hiện trong 6 năm, còn có tới 15 năm là cao hơn.

Việc tăng chậm lại của giá tiêu dùng do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do Nhà nước đã thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá từ cuối năm trước, như nâng lãi suất cơ bản (từ 8%/năm lên 9%/năm), tạm dừng điều chỉnh tỉ giá, tạm dừng việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hoá, dịch vụ quan trọng, lập và thực hiện Quỹ bình ổn giá…

Có nguyên nhân do lãi suất gửi ngân hàng đã cao lên, có sức hấp dẫn và thu hút một lượng tiền đáng kể không chỉ của dân cư, mà còn của các doanh nghiệp chuyển sang gửi tiết kiệm; kênh đầu tư chứng khoán cũng tăng khá hơn so với trước… làm giảm áp lực đối với việc tăng giá hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng. Có nguyên nhân do thu nhập tăng chậm, giá cả cao, ở một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đã xuất hiện trở lại tâm lý tiết kiệm tiêu dùng. Cũng cần nói đến lúa vụ đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long phát triển tốt, triển vọng đạt năng suất, sản lượng khá.

Tuy nhiên, chúng ta chưa thể lơ là với lạm phát. Việc tăng thấp hơn của CPI trong tháng 1 có một phần quan trọng là do giá đã tăng liền trong nhiều tháng trước đó và hiện ở mức rất cao. Nói cách khác, CPI tăng thấp nhưng mức giá vẫn khá cao. Chu kỳ tính giá tháng 1 là từ 12-12 năm trước đến 15 tháng này, tức là nửa tháng trước và nửa tháng sau Tết Nguyên đán nằm gọn trong chu kỳ tính giá tiêu dùng tháng 2.

Chính trong thời gian này, nhu cầu mua sắm Tết mới cao, thường dễ xảy ra các cơn sốt giá cục bộ ở mặt hàng này, địa bàn này, thời điểm kia, ảnh hưởng tâm lý vui Tết của người tiêu dùng, nếu không có sự kết hợp chặt chẽ giữa “bàn tay vô hình” của cơ chế thị trường và “bàn tay hữu hình” của Nhà nước để điều tiết kịp thời. Vấn đề đặt ra là điều hoà cung- cầu hàng hoá, tăng điểm bán hàng bình ổn giá, hỗ trợ các đối tượng chính sách đón Tết… và bản thân người tiêu dùng cần phát huy ý thức cần, kiệm trong chi tiêu phù hợp với thu nhập còn thấp, phù hợp với hoàn cảnh để tránh những rủi ro của thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem