Chuyện người lính cảm tử mát tay... đỡ đẻ

Chủ nhật, ngày 18/11/2012 06:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thời chiến, Lại Đăng Thiện nổi tiếng vừa đánh giặc vừa làm thơ; 2 lần từng được truy điệu sống khi cảm tử lái ca nô phá bom từ trường. Thời bình, ông nổi tiếng là “bà đỡ” mát tay cho hơn 400 sản phụ.
Bình luận 0

Vừa đánh giặc vừa làm thơ

Năm 1965, chàng trai 18 tuổi Lại Đăng Thiện (xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) gác bút nghiên tình nguyện lên đường đánh Mỹ. Thiện được phân về Tiểu đoàn 27, Quân khu 4, chuyên rà phá bom mìn.

img
Trong vườn nhà ông Lại Đăng Thiện trồng rất nhiều cây cảnh có giá trị.

Cuối năm 1967, tại bến phà Long Đại (Hiền Ninh, Quảng Bình) xe ta nhiều ngày không qua được vì Mỹ thả bom từ trường dày đặc. Trước tình thế đó, lãnh đạo quân khu ra chỉ thị cho Tiểu đoàn 27 “bằng mọi giá phải mở đường máu thông phà”.

Quyết định dùng ca nô kích hoạt bom từ trường được đưa ra. Lại Đăng Thiện đã viết quyết tâm thư bằng máu, cùng đồng đội mở huyết mạch giao thông trên sông. Các anh được đơn vị làm lễ truy điệu sống trước giờ lái ca nô vào bãi bom. Thiện cùng 4 cảm tử quân lái ca nô chạy quần thảo trên sông. Hàng loạt quả bom từ trường phát nổ. Đêm đó, 3 đồng đội của ông đều bị thương nặng.

Theo ông Thiện, trận đánh tại phà Linh Cảm (Hà Tĩnh) là ác liệt hơn cả. Sau lễ truy điệu sống, tổ lái gồm 4 người, trong đó có ông được lệnh lái ca nô thông phà. Sau khi kích nổ được mấy quả bom từ trường thì một người hy sinh, một người bị thương nặng. Lại Đăng Thiện nhảy lên cầm vô lăng thay thế. Dù quy định chỉ được lái 3 vòng, nhưng trong trận này ông đã lái tới 19 vòng, kích nổ được 12 quả bom, đến vòng thứ 20 thì bị bom hất văng khỏi ca nô và bị thương.

Tuy băng bó đầy mình nhưng Thiện vẫn làm thơ: “Đẹp đẽ thay người chiến sĩ công binh/ cưỡi sóng vượt lên trọn thề với bến!/Chắp cánh cho xe bay ra tiền tuyến/ Có hề chi bao đêm.

“Bà đỡ” mát tay

Sau nhiều chiến công, ông Thiện được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, bằng khen Dũng sĩ phá bom ưu tú. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về quê vừa lao động vừa làm thơ, vừa tiếp tục tự học chương trình đã bỏ dở mấy năm trước rồi ôn luyện và thi vào Trường Trung cấp Y tế Nghệ Tĩnh. Tốt nghiệp trường y, ông được điều về làm Trưởng trạm y tế các xã miền núi của huyện Tân Kỳ như Nghĩa Bình, Tiên Kỳ… Ông đã trèo đèo lội suối, cùng chống dịch sốt rét, sốt xuất huyết với bà con các dân tộc, giúp đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu.

Có người hỏi Thiện: “Bây giờ mới 20 tuổi, anh có hối tiếc mình đã quyết định làm cảm tử quân không?” - Thiện cười, đọc 2 câu thơ: “Tuổi 20 ai mà không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc?”.

Đặc biệt, bàn tay lái vô lăng của cảm tử quân năm xưa đã trực tiếp làm bà đỡ cho hơn 400 đứa trẻ. “Nhiều cháu do tôi đỡ đã trưởng thành, có người là bác sĩ, kỹ sư, người là giáo sư, tiến sĩ. Cứ tưởng chỉ biết cầm vô lăng nhưng hóa ra cũng mát tay lắm”- ông Thiện cười sảng khoái.

Những khi trái gió trở trời vết thương chiến tranh tái phát hành hạ nhưng ông vẫn hăng say lao động. Trong vườn, ông trồng rất nhiều cây ăn quả và cây cảnh có giá trị hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, thú vui của ông là làm thơ. Hiện ông là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An, đã xuất bản 2 tập thơ “Cung Trầm” và “Thì thầm lời quê”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem