Có nên thu hẹp "vùng đỏ" tới cấp phường?

Quốc Phong Thứ hai, ngày 13/09/2021 09:31 AM (GMT+7)
Tuần qua, chính sách của Hà Nội có vẻ đã rõ nét hơn sau những loay hoay, lúng túng kéo dài qua các lần gia hạn giãn cách. Việc tiêm vaccine được đẩy mạnh cùng với các phương án nới lỏng giãn cách cho dân làm ăn đã được đưa ra xem xét. Hy vọng rồi Hà Nội sẽ sớm ổn trở lại.
Bình luận 0

Từ khi triển khai kế hoạch giãn cách xã hội ở mức cao hơn Chỉ thị 16 của Chính phủ từ ngày 6/9, tôi có cảm giác Hà Nội đang tự làm khó cho chính mình  về nhiều mặt. Để có thể thực hiện được Công điện ngày 3/9, cho dù đã vài lần điều chỉnh, xem ra vẫn nhiều cái khó cho chính cơ sở của thành phố cùng các đơn vị chủ quản nguồn nhân lực. 

Việc cẩn trọng của Hà Nội sau những bài học của Thành phố Hồ Chí Minh từng để dịch bùng phát là cần thiết. Song, nếu nhìn tổng thể, cách triển khai của Thủ đô theo tôi là chưa phù hợp và có vẻ mang tính phòng vệ quá mức.

Nếu TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ vào thời điểm thành phố này có 3-4 nghìn ca lây nhiễm và hàng trăm người tử vong mỗi ngày, thì Hà Nội trong những ngày vừa qua thường chỉ có 50-70 F0, vài ngày gần đây giảm mạnh xuống dưới 50, còn số người tử vong chỉ tính trên đầu ngón tay. 

Như vậy, Hà Nội vẫn nên tự tin để có những biện pháp thông minh hơn những gì đã triển khai với tinh thần của Chỉ thị 16+.

Liệu sự thận trọng quá đó có phải xuất hiện sau "sự cố" Hà Nội bị "việt vị" với Thủ tướng Phạm Minh Chính khi ông bất ngờ yêu cầu xuống thẳng phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân để kiểm tra "pháo đài chống dịch" vừa bị" khoan thủng" bởi virus SARS-CoV-2?

Thanh Xuân Trung từng được gọi là "chảo lửa" khi có đến vài trăm người nhiễm chỉ trong một hai ngày, tại con ngõ nhỏ 228-330 Nguyễn Trãi. Điều này khiến nảy sinh tư tưởng co cụm, chống dịch kiểu "thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót", thà khoanh vùng rộng cho chắc,cho an toàn còn hơn vẫn có đâu đó lây nhiễm trong cộng đồng.

Việc khoanh luôn cả 10 quận nội thành đều bị coi là "vùng đỏ" có phần không đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác phòng chống dịch. Gần đây Chính phủ đã điều chỉnh, khi Thủ tướng muốn cách làm phải vừa chặt chẽ, nghiêm túc nhưng cũng cần để giúp duy trì sản xuất và phát triển kinh tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nói: "Không thể phong tỏa mãi, cần thích nghi an toàn với dịch".

Một thành phố không bóng người trên đường, hàng quán đóng gần hết đã quá lâu, sự bất động đau xót đến nghẹn lòng.

Có nên thu hẹp "vùng đỏ" tới cấp phường? - Ảnh 2.

Nhiều khu vực ở Hà Nội bị "niêm phong" bằng đủ cách. Ảnh: Long Hưng.

Nên chăng, "vùng đỏ" không nên tính theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện mà chỉ nên là cấp phường, xã nếu như số F0 mỗi ngày vẫn trong tầm kiểm soát.

Ngay cả việc chúng ta lấy đơn vị phường cũng không hẳn là cần thiết, trừ trường hợp như phường Thanh Xuân Trung.  Việc cho quây cả phường là "vùng đỏ" có nên không, khi mà chỉ có một vài nhà "bị"?

Nếu con số ít như vậy, có lẽ nên quây cách ly khu vục nhà có người nhiễm trong khoảng vài ba chục mét bán kính là cũng đủ, nhưng khi đã quây thì thực hiện phải thật nghiêm túc.

Cách làm nói trên sẽ vẫn an toàn và bớt căng thẳng. Nhiều khi khi dịch cách nhà mình những 2 km mà vẫn bị nằm trong" vùng đỏ" quả là không nên. Đó là chưa tính tới yếu tố bất an về tâm lý xã hội.   

Để giảm bớt không khí "ngột ngạt,ảm đạm"của thành phố "ma", có thể lúc này chúng ta nên chủ động thu hẹp "vùng đỏ, không nên theo hướng như vừa công bố. Thay vào đó, nên tính chuyện cho những "vùng xanh" "cấp phường" được xem xét lại các hoạt động dịch vụ thương mại, các dạng như bán hàng mang về, kể cả đồ ăn…

Tiếp đó, cũng nên tính cả thử nghiệm với đối tượng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine thì được phép đi lại không cần giấy đi đường do phường cấp, nếu họ mang theo "hộ chiếu vaccine" bên người, và nếu chúng ta sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ.

Tại sao lại không làm vậy khi mà cả thế giới họ đang làm, đang tiếp nhận cho du khách đến du lịch, nghỉ dưỡng?

Tại buổi thông tin báo chí vừa mới đây, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết: Hà Nội đã trải qua tròn 50 ngày với 4 đợt giãn cách. Số ca mắc trên địa bàn thành phố đang có chiều hướng giảm dần.

Ở giai đoạn 1 giãn cách, số ca mắc trong cộng đồng chiếm khoảng gần 50%; giai đoạn 2 và nửa đầu giai đoạn 3 chiếm khoảng 30%; cuối giai đoạn 3 đến đầu giai đoạn 4 giảm xuống còn 8,7%. Trong những ngày gần đây, bình quân mỗi ngày có 30-40 ca, chủ yếu là các ca mắc trong các khu cách ly, phong tỏa.

Tiếp nữa, nếu như Thủ đô được Trung ương ưu tiên phân bổ kịp thời nguồn vaccine, đến ngày 15/9,Hà Nội sẽ tầm soát xét nghiệm, tiêm chủng Covid-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi. Ngày hôm qua 12/9, Hà Nội đạt kỷ lục gần 574.000 mũi tiêm trong một ngày, tổng số đã đạt 4.480. 426 mũi tiêm, đạt 88%.

Với sự hỗ trợ của lực lượng y tế xung quanh Thủ đô đến giúp sức xét nghiệm và tiêm chủng, mục tiêu đặt ra là trong tầm tay. 

Vậy thì mấy ngày nữa có nên để những cửa hàng ăn uống được phép mở lại nếu họ đảm bảo quy định giãn cách tiêu chuẩn và họ vốn có sẵn mặt bằng, không phải đi lại mỗi ngày? Người bán đồ ăn, uống nếu như đã được tiêm đủ, người đến ăn mang theo "hộ chiếu vaccine"(mã QR) là sẽ được chấp nhận vào quán. Ai bán không đúng đối tượng cần phạt thật nặng và kiên quyết thu hồi luôn giấy phép kinh doanh. Đó là cách mà các nước Châu Âu đang ráo riết thực hiện những tháng qua.

Cũng như vậy, các quán cắt tóc, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, resort cao cấp trong nội và ngoại thành thành phố Hà Nội… chúng ta cũng nên cho hoạt động nếu chủ và khách cùng có "hộ chiếu vaccine" và tất nhiên vẫn thực hiện 5K nghiêm chỉnh.

Để đạt mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch đảm bảo với tinh thần đã được xác định là "sống chung với dịch" lâu dài, hãy tính đến những cách làm tỉ mỉ. Chỉ như vậy mới có thể giúp đưa cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới", vừa đủ như mong muốn, hồi sinh một thành phố "ma" không đáng và thực ra cũng không đến mức như thế.

ĐIều này cần ý thức, sự hợp tác của người dân rất lớn. Cho dù có nới lỏng, thì quy định 5K vẫn phải được coi là Mệnh lệnh số 1 với tất chúng ta. Không thể để tái diễn những cảnh như chen chúc nhau chờ tiêm vaccine hay giành giật giấy hẹn tiêm vaccine. Hãy nhớ không có vaccine nào tiêm đủ mà người ta được an toàn 100%. 

Thành phố Hà Nội vừa qua đã ban hành hướng dẫn để giúp "vùng xanh" sớm phục hồi. Tiếc rằng, tinh thần nói trên mới chỉ dừng lại ở một số huyện ven đô. Giá như trong nội thành mà vẫn có những"vùng xanh" theo tinh thần mạnh dạn đó thì tốt biết bao!

Có một điều mà chúng ta cần phải tính đến. Do chúng ta chưa chủ động và còn rất thiếu vaccine, thì khả năng tiêm đủ 75% dân số cả nước sẽ phải sang tới đầu năm 2022. Vì thế, nếu không tận dụng "kho vàng" đã có, tức là người dân được tiêm đủ 2 mũi, thì thứ "vàng" đó cũng hết giá trị. Không tận dụng ngay lúc này thì đến sang năm 2022, số người này cũng hết thời gian miễn dịch tương đối. Tức là ta phí phạm, "cầm vàng mà để vàng rơi". Trong khi nguy cơ mới vẫn hiển hiện, nhiều nước giàu đã và đang đề xuất cho tiêm mũi 3 để nhắc lại. Điều này, tất nhiên sẽ thêm một lần khó nữa cho nhà nước chúng ta.

Về lâu dài, một khi trong nước đã tự chủ hoàn toàn khâu sản xuất vaccine, sẽ đỡ đi một mối lo quá lớn cho một quốc gia còn nghèo về cơ sở vật chất y tế và ngân quỹ với gần 100 triệu dân. 

Về việc làm thủ tục cấp giấy đi đường cho những người đi làm (hoặc người có việc thiết yếu, đột xuất thì không bàn), nên chăng thực hiện theo hướng hãy để các đơn vị tự chủ theo quy định về tỷ lệ người mà mỗi đơn vị được ra đường (tỷ lệ này sẽ rất khác nhau, không nên máy móc quá).

Nhà nước sẽ căn cứ vào hồ sơ thuế, hồ sơ bảo hiểm xã hội của mỗi đơn vị mà kiểm tra bất ngờ, xác suất để xem họ có chấp hành nghiêm túc không, có gian dối hay không. Các cơ quan pháp luật sẽ phạt cực nặng nếu đơn vị nào sai phạm.  Nên có thông báo trước mức độ phạt nếu vi phạm xảy ra để các đơn vị đủ thấy sợ nếu các đơn vị "ký bậy", thậm chí xem việc "ký bậy" này như hành vi tiếp sức cho dịch bệnh nguy hiểm chết người bị lây lan ra cộng đồng để truy cứu hình sự.

Hôm 11/9, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật đối với mã QR cá nhân trên nền tảng ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, mỗi cá nhân sẽ có một QR duy nhất, dùng chung trên các nền tảng, chứa các thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Và như vây, ai từng tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine sẽ thể hiện rõ khi mở điện thoại thông minh, và anh sẽ được đi đường theo quy định của mỗi nơi . 

Tôi tin rằng, chính quyền, công an địa phương cũng sẽ bớt việc. Nhiều khi, càng quản kỹ càng bộc lộ nhiều lỗ hổng nếu làm không khoa học. Và rồi cũng sẽ khó quy trách nhiệm sau này khi dịch không giảm chỉ vì những lý do như tập trung đông người xin giấy đi đường, tập trung xét nghiệm như đã xảy ra tại Hà Nội lẫn TP.HCM.

Việc chấp nhận "sống chung với dịch" nhưng vẫn an toàn nhất có thể để duy trì phát triển kinh tế xã hội, sâu xa còn là vấn đề ổn định chính trị, trật tự xã hội. Đó mới là cái khó và đòi hỏi tầm nhìn của người lãnh đạo lúc này.  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem