Điều nhiều người khâm phục là anh Công là tấm gương biết sử dụng hiệu quả tiền đền bù để đầu tư làm ăn giỏi ở nơi mà có tới 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.
Do nằm trong diện giải tỏa của dự án Thủy điện Đăkđrinh, cách đây khoảng 3 năm, anh Công nhận được số tiền đền bù và hỗ trợ do khá lớn là 800 triệu đồng. Không như 1 số hộ khác ở Sơn Long và huyện Sơn Tây chỉ biết sử dụng số tiền vào việc mua sắm vật dụng trong gia đình và tiêu pha; anh Công dùng phần lớn số tiền nhận được để mua lại đất rừng của người khác và trồng keo lai, nuôi bò, dê... Nói về việc chọn hướng đi "khác" này, anh Công bộc bạch: "Tiền dù nhiều nhưng nếu không làm thì ăn cũng sẽ hết thôi".
Ông Đinh Văn Công bên đàn dê nuôi tại trang trại của gia đình. Ảnh: C.X
Nhờ cần cù chịu khó và học hỏi, keo trồng và bò, dê nuôi của anh Công ngày một phát triển tốt và không ngừng tăng lên. Đến nay sau nhiều năm chăm chỉ lao động, anh Công đã sở hữu khoảng 20ha keo, cùng một trang trại rộng hàng chục ha với đàn bò, dê gần 100 con lớn, nhỏ. Theo đó số tiền bán cây trồng, vật nuôi của mình, anh Công thu về ước trên hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Một số tiền "khủng" và đầy mơ ước của nhiều hộ dân ở Sơn Long. Từ số tiền thu về này, anh Công còn mua 1 chiếc xe ôtô 4 chỗ để làm dịch vụ chở người dân trong vùng khi có nhu cầu và phục vụ cho việc đi lại của mình và gia đình thuận lợi hơn.
Nói về hướng đi sắp đến, anh Công không giấu giếm: “Với kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian qua, tôi sẽ đầu tư thêm vốn vào trang trại, tăng đàn vật nuôi của mình lên gấp đôi...”. Ông Đỗ Thanh Vượt - Chủ tịch UBND xã Sơn Long, xác nhận: “Anh Công là một điển hình của địa phương về sự chăm chỉ, năng động và mạnh dạn đầu tư để phát triển kinh tế cho gia đình. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tuyên truyền, vận động và tổ chức cho người dân đến học hỏi về cách làm ăn của anh Công".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.