Cờ xuân trên đảo tiền tiêu

Thứ năm, ngày 07/02/2013 11:00 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), treo lá cờ Tổ quốc, lá cờ ngũ hành trong ngày xuân đã trở thành nét đẹp văn hóa và gắn với với những lễ tục ngàn xưa.
Bình luận 0

Hùng binh về trong gió xuân

Vào một ngày cuối năm, khi ánh bình minh chưa ló rạng trên đảo Lý Sơn, tại nhà thờ Chánh Đội trưởng thủy quân Hoàng Sa - Phạm Hữu Nhật ở thôn Đông, xã An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn) những bóng người đang bí mật chuẩn bị một công việc hệ trọng của dòng họ, đó là dựng nêu và treo cờ ngũ hành.

img
Ông Phạm Văn Đoàn, hậu duệ Chánh Đội trưởng Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật với lá cờ ngũ sắc thêu chữ Phạm.

Treo cờ ngũ hành ngày xuân vốn là tục lệ của ông bà xưa để lại. Trong bóng đêm, một cụ ông khấn nguyện và đọc những lời khấn như câu thần chú: "Tổ hạ cập viện, chi tôn giáng từ đường, vu xuân từ nhật…". Theo lời đọc của ông, lá cờ ngũ hành có thêu chữ Phạm màu vàng được kéo lên đỉnh cột.

Trên bầu trời, lá cờ tung bay phần phật trong gió xuân. Phía dưới là ngôi nhà cổ rêu phong ẩn dật tỏa khói hương nghi ngút. Đó là ngôi nhà thờ ông bà cao tổ Phạm Văn. Dòng tộc họ Phạm Văn có quy định, cứ 5 năm thì mở hộp gia phả một lần. Nhờ lưu giữ gia phả như vậy, dòng tộc này đã tìm được những cụ ông trong họ từng đi lính Hoàng Sa. Nổi tiếng nhất có ông Phạm Hữu Nhật, Chánh Đội trưởng thủy quân Hoàng Sa (tên húy kỵ là Phạm Văn Triền).

Ông Phạm Hữu Nhật sinh năm 1804, là một ngư dân thiện chiến trên biển cả. Năm 1836, Phạm Hữu Nhật phụng mệnh triều đình dẫn 50 binh phu, chở theo 10 cốt mốc có khắc chữ: "Năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân, Thủy quân Chánh Đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây, để ghi nhớ".

Ông Phạm Văn Đoàn, hậu duệ của Phạm Hữu Nhật tâm sự: "Ngày xuân chúng tôi dựng cây nêu trong nhà thờ tộc họ để con cháu nhớ về Phạm Hữu Nhật đã vong thân vị quốc. Khi nào cả đảo làm lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 16 tháng 3 âm lịch xong thì họ tộc mới làm lễ hạ cờ xuống". Theo nhiều người trong tộc họ, lá cờ cắm thật cao trên đảo để các cụ Hoàng Sa biết lối tìm về với con cháu.

Ngày xuân trên đảo Lý Sơn, mỗi tộc họ treo cờ theo một nghi thức khác nhau. Có nơi treo cờ ngũ hành công khai, có nơi thì bí mật. Theo quan niệm của dòng tộc, lúc treo cờ mà có người nặng vía, tạp uế đi qua thì sẽ khiến cho dòng họ cả năm không làm ăn nổi, đồng thời, đó cũng là cách thể hiện lòng thành với tổ tông ông bà trong ngày xuân.

Phận người gửi vào cờ xuân

Tại nhà thờ Cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh cách đó không xa cũng rợp bóng cờ ngũ hành. Ông Phạm Quang Tĩnh -trưởng tộc, hậu duệ của Phạm Quang Ảnh đắm mình trong không gian tĩnh mịch khi thắp nén hương trước bài vị chiến binh Hoàng Sa và ngước mắt nhìn lên lá cờ. Khác với dòng họ Phạm Văn, dòng họ Phạm Quang kéo cờ vào những buổi sáng đẹp trời, khi mọi nhà tấp nập đi chợ mua hoa cúng tiễn đưa ông Táo về trời.

Ông Tĩnh chậm rãi đưa bàn tay khỏa nhẹ trên ngôi mộ gió của Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết và nói: "Hồi đó, ông của tôi đi nhiều chuyến lắm, nhưng cuối cùng có một chuyến nằm lại giữa biển". Tiếng của ông như tan ra, trộn lẫn vào âm thanh của con sóng cồn cào. Ánh mắt của ông như đang nhìn thấu ra giữa trùng khơi, nơi đó, gần 400 năm trước, trai tráng trong họ ông chèo thuyền đi Hoàng Sa, trên thuyền phần phật lá cờ ngũ hành.

Ông Tĩnh giải thích 8 ngôi mộ gió được xây ngay hàng thẳng lối: "Hai cái mộ ở 2 đầu lớn nhất đó là ông cai đội chỉ huy làm tổng lái, còn cái mộ kia là của ông Phạm Quang Thanh, giữ vai trò như là chính trị viên, thường xuyên lo về mặt tinh thần cho binh sĩ".

Một cụ già cho biết:

“Ngày xưa làm cây nêu, còn thời hiện đại thì bà con treo cờ Tổ quốc. Mình là con dân của đất nước Việt Nam, chân đồng, chân biển, treo cờ để nhớ đến công ơn của Đảng và Cụ Hồ”.

Ông Tĩnh kể lại câu chuyện cắm cờ trên đảo tiền tiêu. Trước đây, người dân huyện đảo Lý Sơn thường cắm cây nêu trước ngõ. Đảo Lý Sơn có một quy định và trở thành lệ làng, đó là ngày 24 tháng Chạp thì tất cả đình, miếu treo cờ, cắm nêu.

Sau đó, theo tôn ti trật tự thì nhà ông trùm, lý trưởng, hương mục, nhà thờ họ đều đồng loạt treo cờ ngũ hành. Khi phát hiện hạng thứ dân mà cả gan cắm nêu sớm, ông bá hộ Tiến, bá hộ Toản lập tức bắt chủ gia đến đình An Hải để nộp phạt. Hình phạt ban đầu là một đĩa trầu cau và một chai rượu. Gia đình nào tái phạm bị phạt 30 roi.

Cây nêu của hạng thứ dân trên đảo là một ngọn tre cắm trước cổng. Trên ngọn tre gắn theo bó giấy cúng và một chùm lá cây đùng đình. Lá đùng đình được hái từ rừng Bà Bút ở núi Thới Lới. Khi nhìn lên chùm lá đùng đình, người trong làng đọc câu thần chú: "Đủng đỉnh đùng đình, ma vô tới ngõ giật mình quay ra". Theo quan niệm của người dân, lá cây đùng đình để trừ tà ma, đem lại sự tốt lành cho gia đình.

Cắm cây nêu trước nhà, bà con lo nhất là cây nêu bị gió quật đổ hoặc ai đó chơi xấu kéo ngã. Cây nêu ngã thì cả năm gia chủ như ngồi trên đống lửa vì lo sợ có chuyện chẳng lành. Ông Phạm Văn Đoàn kể lại chuyện sinh mạng của con người gắn với cây nêu. Đó là vào một mùa xuân, lá cờ ngũ hành treo tại nhà thờ của dòng họ Phạm Văn tự dưng rơi xuống đất và phủ trước nhà. Chỉ một tháng sau, ông Phạm Thỏa - trưởng tộc họ Phạm Văn tự dưng lăn ra chết. Cái chết đó có liên quan đến việc lá cờ bị rơi được người dân kết nối bằng một câu chuyện và lòng tín ngưỡng đặc biệt.

Tục lệ treo cờ Tổ quốc

Phong tục trồng cây nêu trước ngõ của người dân Lý Sơn mai một dần. Giờ đây, ngư dân chuyển sang treo cờ Tổ quốc trên những đoàn tàu. Tại các gia đình thì treo cờ Tổ quốc trong ngày xuân theo một lễ nghi khác với nhiều nơi.

Cứ vào ngày 23 tháng Chạp, nhiều hộ gia đình trên đảo tháo lá cờ đỏ sao vàng dưới hiên nhà đã bạc màu và thay bằng lá cờ mới. Những ngày xuân, lá cờ đỏ tươi phấp phới trong gió. Người dân tự quy ước với nhau, cứ tròn 1 năm thì thay cờ Tổ quốc một lần. Lá cờ treo dưới hiên nhà, ít chịu mưa nắng nên màu chỉ bạc đi đôi chút. Cứ vào ngày trồng nêu năm xưa, các gia đình lại tổ chức treo cờ Tổ quốc. Nhìn lá cờ, người dân gửi tấm lòng thành, mong cho gia đình một năm sức khỏe, yên vui.

Một cụ già cho biết: "Ngày xưa làm cây nêu, còn thời hiện đại thì bà con treo cờ Tổ quốc. Mình là con dân của đất nước Việt Nam, chân đồng, chân biển, treo cờ để nhớ đến công ơn của Đảng và Cụ Hồ".

Câu nói của cụ trong những ngày đầu xuân khiến ai đó nhớ đến truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ đưa con lên núi và xuống biển để khai khẩn, lập ấp. Nhớ đến những năm tháng khói lửa của dân tộc.

Ngày xuân, những con tàu của ngư dân Lý Sơn sau một năm dọc ngang trên biển, giờ được trang trí bằng những lá cờ Tổ quốc tung bay phần phật trên nóc cabin. Treo cờ Tổ quốc tại mỗi gia đình và trên đoàn tàu mở biển đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân trên quê hương Hải đội Hoàng Sa.

Cụ Võ Toại chỉ lên con công bằng gỗ được gắn trên đỉnh cây nêu và cho biết: Con công là ước mơ may mắn của ngư dân ra biển đánh bắt. Thời của ông khi đi biển vô tới bờ đón xuân, anh em ngư dân thường đọc bài thơ về con công: "Con công tổ hộ trên rừng/Chèo thuyền dưới biển ngó chừng con công".

Ông già 75 tuổi cười hào sảng, mắt nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng đang phấp phới, còn con công đang xoay tròn trong gió xuân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem