Võ Hồng Nhân
Thứ hai, ngày 01/02/2021 11:03 AM (GMT+7)
Sáng 1/2, ông Đỗ Hoàng Hải - Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Nam cho biết, địa phương đã quyết định dừng hoạt động bắn pháo hoa và 3 lễ hội lớn đầu năm gồm: Tịch điền Đọi Sơn, Phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương và Khai hội chùa Tam Chúc năm 2021.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, mới đây, tỉnh Hà Nam yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương… kích hoạt lại toàn bộ hệ thống, lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 ở tất cả các cấp.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt vào sáng 1/2, ông Đỗ Hoàng Hải - Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Nam cho biết, tỉnh Hà Nam đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
"Tỉnh Hà Nam đã quyết định dừng hoạt động bắn pháo hoa và văn nghệ đêm giao thừa năm 2021 tại Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng dừng tổ chức 3 lễ hội lớn đầu năm gồm: Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương và Khai hội chùa Tam Chúc năm 2021 để đảm bảo an toàn nhằm phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả nhất", ông Hải thông tin.
Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh karaoke, massage, trò chơi điện tử... cũng bị tạm dừng để công tác phòng, chống dịch bệnh được tốt nhất.
Trước đó, tỉnh Hà Nam xác định 4 trường hợp F1 từ 2 bệnh nhân Covid-19 ở Quảng Ninh và Hải Dương.
Trong đó, 3 trường hợp ở phường Đồng Văn (thị xã Duy Tiên) dự hội nghị cùng ca dương tính ở Quảng Ninh và 1 trường hợp ở xã Thanh Tâm (huyện Thanh Liêm) có tiếp xúc với ca dương tính ở Hải Dương.
Quá trình lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, cả 4 trường hợp này đều âm tính lần 1 với Covid-19.
Được bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế kỷ, Lễ Tịch điền (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) diễn ra vào ngày mùng 7 Tết hàng năm đã trở thành sự kiện văn hóa lớn của đất nước dịp Tết đến xuân về.
Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) có nguồn gốc từ rất xa xưa do vua Thần Nông khai mở.
Mùa xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền.
Từ đó, hằng năm vào đầu xuân, nhà vua ra đồng cày ruộng, làm Lễ tịch điền (đích thân vua xuống đi cày ruộng), cầu được mùa và các triều đại sau đó đều duy trì nghi lễ cày tịch điền với các hình thức khác nhau. Sau một thời gian gián đoạn, từ năm 2009, phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại cho đến ngày nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.