Cùng nông dân từ làng ra “biển lớn”

Ngọc Tấn Thứ ba, ngày 29/03/2016 07:38 AM (GMT+7)
Là một trong những ngân hàng có mặt sớm nhất trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Agribank từ lâu đã trở thành người bạn chân tình, bình đẳng hết mực của bà con nông dân các dân tộc – dẫu là với những nông hộ đang “tập” cách làm ăn để thoát nghèo hay những nông dân tiên tiến đang trên đường vươn ra biển lớn…
Bình luận 0

Những mô hình phát triển “xanh”

Trong các “đại gia” ở huyện Chư Sê, ông Huỳnh Đình Hội được “tạm” xếp vị trí thứ 3 với một trang trại hồ tiêu có diện tích 12ha, sản lượng khoảng 25 tấn; 1 trang trại chăn nuôi 400 heo nái theo phương pháp hiện đại và 50 con bò. Ông là một trong khoảng 1.000 khách hàng được ưu đãi của Agribank Chư Sê…

imgÔng Huỳnh Đình Hội (trái) và Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Chư Sê Trần Hữu Mười trong trang trại hồ tiêu từ nguồn vốn vay của ngân hàng.  Ảnh: N.T

Gia Lai đang thời điểm đại hạn khốc liệt. Thế nhưng trang trại hồ tiêu của ông Hội vẫn mát rượi bóng râm. Những công nhân làm việc trong vườn không cần mũ nón. Nhờ cây che bóng trồng kèm đều đặn giữ độ ẩm, hồ tiêu ông Hội trụ nào cũng chi chít trái mà lá vẫn xanh giòn. Màu xanh ấy với người trồng hồ tiêu là màu xanh lý tưởng. Nó chứng tỏ cây hoàn toàn không chứa virus của căn bệnh chết nhanh, chết chậm đáng sợ trong mình…

"Trên địa bàn Gia Lai hiện không ngân hàng nào có mạng lưới tín dụng dày và vững chắc như Agribank. Làm tốt công tác kinh doanh, Agribank cũng là ngân hàng thực hiện khá tốt chính sách an sinh xã hội; góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, tư duy của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ, từng bước vươn lên sản xuất lớn và bền vững…”.

Ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai

Dừng chân bên một cụm hồ tiêu trĩu trái, ông Hội kể cho chúng tôi nghe “lịch sử” hình thành trang trại của mình… Thực ra để đi tới thành công này, ông đã trải qua không ít thất bại. Sự nếm trải ấy đã giúp ông nhận ra rằng muốn hồ tiêu tồn tại bền vững thì dứt khoát phải là con đường phát triển xanh.

Quyết tâm có thừa, kinh nghiệm cũng đã đủ nhưng vấn đề là vốn. Rất may là Giám đốc Agribank Chư Sê đã thấu hiểu và nhiệt tình ủng hộ ông… “Tổng số vốn mà tôi đầu tư vào trang trại này đến nay đã lên đến 20 tỷ đồng. Tất cả đều vay  ngân hàng nông nghiệp. Thật sự là nếu không có sự ủng hộ và giúp đỡ tận tình đó thì tôi đã không thể có nổi cơ ngơi này…”.

Vị giám đốc Agribank mà ông Hội ngỏ ý hàm ơn ấy là ông Trần Hữu Mười. Ông Mười cho biết trên địa bàn huyện Chư Sê hiện có tới 8 ngân hàng thương mại. Dù vậy dư nợ của Agribank vẫn cao nhất trong các  ngân hàng cho vay lĩnh vực nông nghiệp. Khách hàng nông dân của ông có tới 2.900 hộ. Lý do họ luôn tìm tới  Agribank trước là thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp hơn các ngân hàng khác. Đặc biệt là chính sách ưu đãi với những nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, theo đuổi những mô hình phát triển bền vững, dám “vươn ra biển lớn” như ông Huỳnh Đình Hội…

Giúp đồng bào “mang tiền đi đẻ”

Đó là cách nói dí dỏm của đồng bào dân tộc khi thấy ngân hàng cho vay đầu tư vào sản xuất sinh lời, tiền gửi tiết kiệm hàng tháng có lãi – điều mà dăm năm trở lại đây họ mới từng biết đến…

Huyện Đăk Pơ địa bàn 100% là nông thôn, hơn một nửa cư dân là đồng bào dân tộc BaNa. Tư duy tích lũy bao đời của đồng bào thường chỉ giới hạn trong mùa rẫy. Ý thức quản trị kinh tế gia đình kém dẫn đến tư duy sinh lời trong sản xuất ít được lưu tâm. Điều này cắt nghĩa vì sao Đăk Pơ vẫn là huyện có tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn cao…

Mang vốn đến tận nhà cho vay sản xuất, đến tận ngõ vận động gửi tiền tiết kiệm để giúp đồng bào biết cách tính toán làm ăn, biết quản trị kinh tế gia đình chính là góp phần xóa đói giảm nghèo một cách thiết thực nhất – phương châm này của Agribank Đăk Pơ đã được ông Nguyễn Văn Nhân – Giám đốc chi nhánh chia sẻ.  “Chúng tôi tận dụng tất cả các cuộc họp của chính quyền từ thôn trở lên để tư vấn hướng đầu tư sản xuất; tuyên truyền, vận động bà con vay vốn, gửi tiền tiết kiệm… Dù vay ít hay nhiều, hộ khá hay hộ nghèo, tất cả đều được ngân hàng  ứng xử bình đẳng. Với chúng tôi, thêm mỗi hộ đến vay vốn hay gửi tiền tiền là thêm một niềm vui - bởi như thế cũng có nghĩa là trong mỗi thôn, làng đã thêm một người biết tính toán làm ăn…”.

 Bằng cái “tâm’’ ấy mà dù là một huyện nghèo, năm 2015 chi nhánh vẫn huy động được 250.288 triệu đồng tiền gửi dân cư; dư nợ đạt 320.382 triệu đồng; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,66%... Thêm một niềm vui rất đáng kể của chi nhánh sau những con số là lần đầu tiên, đã có hộ đồng bào dân tộc gửi tiền tiết kiệm tới 1 tỷ đồng ! .

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem