Đặc sản “xứ nẫu“ - "Ăn xong rồi còn muốn mua về"

Hùng Phiên (Dòng đời) Thứ sáu, ngày 24/10/2014 10:00 AM (GMT+7)
Xứ Nẫu Bình Định vốn có nhiều của lạ, món ngon kết tinh từ nắng mưa tảo tần của đất và người. Đặc sản phong phú từ rừng đến biển nhưng làm sao để “ăn xong rồi mua về” với niềm tin tuyệt đối? Chỉ trong 3 năm, một đôi vợ chồng ở Quy Nhơn đã “vắt óc” tìm câu trả lời này.
Bình luận 0

“Muốn ăn bánh ít lá gai/Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi” - Chị Cao Thị Thanh Liêm, Chủ thương hiệu đặc sản Thanh Liêm, Bình Định đọc câu ca dao này để nói về nguyên do bỏ công sức làm thương hiệu đặc sản quê mình. 

Lấy chồng Bình Định “hổng” dài đường đi

Theo chị, nhiều món đặc sản đất võ đã hội đủ yếu tố “một lần không quên” trong tâm thức bao người sành điệu. Thế nhưng giữa lúc “người người, nhà nhà” bung ra kinh doanh đặc sản, thì sự lựa chọn của du khách lại càng thêm phần đắn đo. Việc mạnh ai nấy làm, bán được thứ gì hay thứ đó, dẫn đến sự “mất cân đối” của nhiều đặc sản. Ví như, rượu Bàu Đá được bày la liệt dọc đường, nhưng món bánh ít lá gai thì đang mai một dần ở nhiều làng nghề, chỉ quanh quẫn trong mấy ngày giỗ chạp, lễ Tết,… Một số hộ làng nghề thì nghĩ “mình nổi tiếng thì người ta tự đến”…

img Bánh ít lá gai Bình Định tại hiệu Thanh Liêm. (Ảnh: Hùng Phiên)

Cùng với sự “xúi giục” của chồng là anh Nguyễn Phạm Kiên Trung - người nhiều năm gắn bó nghề du lịch, chị Liêm quyết tâm “bày trận” xoay quanh ý tưởng: “chọn giúp” quà đặc sản cho du khách, người tiêu dùng. Thế rồi đầu năm 2011, vợ chồng chị lạch cạch xe máy đi thăm hỏi, khảo sát dọc dài cách ngõ ngách từng hộ làng nghề ẩm thực truyền thống đất Bình Định. 

Với nguyên tắc ngon nhưng phải sạch, kết hợp với sự bảo chứng của cơ quan chuyên môn, anh chị chỉ chọn ký hợp đồng trực tiếp 1 - 2 hộ sản xuất ở mỗi làng nghề đặc sản. Đây là những hộ có năng lực, “máu mê” với việc phát huy giá trị của đặc sản quê nhà. 

“Cam kết bằng máu”, đó là nguyên tắc hợp đồng giữa Thanh Liêm và các nhà sản xuất là những nông dân chánh hiệu. Ông Lê Quang Tâm (ở xóm Bàu Đá, xã Nhơn Lộc, TX.An Nhơn) chủ thương hiệu rượu Bàu Đá Tâm Hường, rất tâm đắc khi rượu bổn nhà là nơi duy nhất được Thanh Liêm chọn bán. Ông bày tỏ: “Thời gian đầu, tôi cảm thấy “đường nét” anh chị Thanh Liêm “đi” là đúng nhưng vất vả quá! Vợ chồng tôi luôn hướng đến việc làm rượu Bàu Đá theo quy trình truyền thống, đảm bảo độ tinh khiết, thơm ngon nhất. Thế nhưng để phát triển đi xa thì nhiều hộ làng nghề ở đây “bí rị”. Tôi rất vui khi vợ chồng anh Trung đề nghị mua rượu nhà tôi với giá “ngon” và hai bên đã cam kết “bằng máu” là sản phẩm phải chưng cất đúng quy cách, tuyệt đối hợp vệ sinh, không dùng nguyên liệu dỏm…”.

Với sự chứng nhận của nhiều cơ quan chuyên môn, Tâm Hường luôn tuyển lựa nguyên liệu sản vật địa phương loại tốt nhất (dù giá thành cao) để nấu 3 loại rượu Bàu Đá: Gạo, nếp và đậu xanh. Trong đó, lò rượu Tâm Hường chỉ sử dụng loại men truyền thống được sản xuất tại An Nhơn, tuyệt đối “nói không” với các loại men Trung Quốc (đang góp làm “hạ giá” các làng rượu truyền thống ở Việt Nam). Ngoài ra, nguồn nước và quy trình chưng cất rượu tại Tâm Hường luôn được kiểm nghiệm vệ sinh một cách bài bản. 

Theo ông Tâm, đó là sự cam kết “cùng sống, cùng chết” của nghề sản xuất và bán sản phẩm ẩm thực giữa lúc “èo uột” của nhiều làng nghề, thị trường “rối canh hẹ” hiện nay. “Đây là một “cú bắt tay” rất ý nghĩa, bởi lâu nay, các cơ quan chức năng chỉ mới “khuyến nông, khuyến công”, chứ chưa thực sự có “khuyến thương”. Làng nghề sản xuất ra nhiều hàng mà không bán được thì chỉ… dẹp cho khỏe! Thế nên có người “tư duy ngược” như anh chị Thanh Liêm là điều thật đáng quý”, ông Tâm nói.
 Chẳng có gì đắt đỏ khi mua miếng quà từ quê nhà. Quan trọng là làm sao mua đúng đặc sản làng nghề... ” - Bà Văn Thanh Hòa (Việt kiều)

Gian nan đưa đặc sản quê “vượt biên”

Tìm được nơi sản xuất “ngon - lạ - sạch”, vợ chồng Liêm - Trung nghĩ đến chuyện phải bao bì mẫu mã sao cho gọn, tiện lợi nhất cho khách mua đặc sản mang đi. Ví như, chiếc bánh tráng nước dừa Tam Quan luôn có kích thước khá cồng kềnh; anh chị đã đề nghị hộ làng nghề phải “thu gọn” khổ bánh lại bằng cỡ lòng bàn tay. 
img Vợ chồng chủ thương hiệu Đặc sản Thanh Liêm - Bình Định đang chăm chút gian trưng bày sản phẩm. (Ảnh: Hùng Phiên)

Cũng với đặc sản từ Tam Quan, Thanh Liêm đã thiết kế mẫu mã những hộp bánh hồng, mứt dừa, mứt nghệ,… nhỏ gọn, bắt mắt. Rồi chia nhỏ những can rượu Bàu Đá “ngút ngàn” thành những chai lọ xinh xẻo, kín chắc, dễ dàng cho việc “bỏ túi” mang đi. Anh chị còn bàn bạc với một số hộ làng nghề về việc đầu tư máy móc để thay đổi cách đóng gói, hút chân không để đảm bảo vệ sinh, nâng thời gian bảo quản. Nhờ đó, nhiều hộ làng nghề giờ đã bỏ hẳn thói quen đóng gói bằng cách “bì nylon hơ đèn dầu”…  

Bằng kinh nghiệm hơn 20 năm làm nghề du lịch, anh Trung đã hỗ trợ đắc lực công việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm cho “bà chủ” Thanh Liêm. Theo anh Trung, đã dốc vốn xây dựng cơ ngơi kinh doanh thì rất kẹt vốn để làm làm PR, quảng bá. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Thế nhưng anh chị quyết tâm vay vốn bạn bè, ngân hàng, tận dụng các mối quan hệ quen biết để xây dựng website giới thiệu sản phẩm, liên kết với những trang mạng mạnh về bán hàng, thanh toán trực tuyến,…

“Nước chảy, đá mòn”, đặc sản thương hiệu Thanh Liêm đã dần quen rồi trở nên thân thuộc với nhiều vùng miền trong nước và vươn đến hàng chục quốc gia trên thế giới. Chị Liêm tâm sự: “Cái khó của những ngày đầu thì không thể kể xiết! Ví như, do “nói không” với chất bảo quản nên bánh ít lá gai luôn có hạn sử dụng trong 4 - 5 ngày. Ban đầu, do chưa biết được sức mua, nên phải thường xuyên “cắn răng” đổ bỏ. Đó là nguyên tắc kinh doanh hàng ăn uống. Nếu tiếc của mà bán hàng ôi, hàng kém chất lượng là không thể “lớn” được. Thế nhưng vợ chồng tôi động viên nhau kiên trì liên kết với hộ sản xuất để giữ chất lượng, số lượng hàng giới thiệu, rồi kết hợp quảng bá, lắng nghe nhu cầu khách hàng. Thêm nhiều người tin cậy thì uy tín thương hiệu dần nâng lên…”.   

Bà Văn Thanh Hòa (quê An Nhơn - Bình Định, Việt kiều tại Mỹ) cho hay: “Chẳng có gì đắt đỏ khi mua miếng quà, tấm bánh từ quê nhà. Quan trọng là làm sao mua được đồ đúng chất các hộ đặc sản làng nghề. Và sản phẩm ăn uống thì phải hợp vệ sinh, “nói không” với những chất phụ gia độc hại. Trước đây, mỗi lần mua quà đặc sản, tôi phải chạy mua nơi này một món, nơi kia một món. Nay thì tiện lợi, khi đến Thanh Liêm là tin tưởng, có đủ. Đó là cái mới, tôi thấy cần phát huy”.
Địa chỉ đặc sản Thanh Liêm - Bình Định: 128 Chương Dương - TP.Quy Nhơn. ĐT: 056.3847818 - 0914 355588.       

Vợ chồng “ngựa phi” đường xa

“Phải vừa học, vừa làm. Khổ khó lắm nhưng đã “lên ngựa” thì phải “phi”. Nhu cầu của khách hàng, thị trường ngày càng rộng mở nhưng lại khắt khe về chất lượng, dịch vụ. Phải làm sao đóng thùng hàng đặc sản sao cho đảm bảo, chuyển nhanh nhất đến tận tay khách hàng ở cách xa Quy Nhơn hàng ngàn cây số? Thế là cơ sở, nhân lực phải liên tục đầu tư mở rộng để đáp ứng”, anh Trung nói.
img Diễn viên điện ảnh Johnny Trí Nguyễn mua quà tại hiệu Đặc sản Thanh Liêm (Quy Nhơn). (Ảnh: Hùng Phiên)

Đến nay, Thanh Liêm đã lựa chọn ký kết nhập sản phẩm với trên 50 hộ làng nghề, cùng với hàng chục nhân công làm dịch vụ tại Quy Nhơn. Từ cơ sở nhỏ hẹp ban đầu, vợ chồng chị Liêm vừa chuyển sang mặt bằng 128 đường Chương Dương (TP.Quy Nhơn) để thêm điều kiện trưng bày, giao dịch, đóng gói sản phẩm phục vụ khách hàng. Từ bước, từng bước chỉnh chu, đến nay, Thanh Liêm đang cung ứng ổn định đến khách hàng gần 30 mặt hàng đặc sản Bình Định...
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem