Có lẽ bởi thế mà từ nhỏ đến giờ tôi đều cảm thấy thích món măng rừng. Có lẽ món ăn khô khốc không béo không ngọt nhưng thấm ngọt tấm lòng người quê mộc mạc, giản dị.
Nhớ một lần, sau mấy ngày đi kiếm mật ong, buổi chiều bố tôi cõng về rất nhiều măng rừng. Những búp măng non dậy mùi quê hương từ thăm thẳm rừng xanh.
Với đôi bàn tay thoăn thoắt của mẹ, một chốc lát thôi là măng rừng đã được lột sạch vỏ để lộ ra màu trắng thanh khiết. Măng rừng - một món ăn dân dã luôn đánh thức vị giác mỗi khi được nhìn thấy. Từng lát măng rừng nhẹ nhàng rơi rơi vào làn nước sạch chờ chế biến. Măng rừng thường rất đắng nên trước khi nấu mẹ tôi luôn phải luộc trước, thêm chút vị muối mặn của biển hoà vào hương rừng non cao. Có người còn dùng nước luộc măng uống cho mát ruột, tôi đã thử bây giờ còn sợ vị đắng lắng lại trên đôi môi.
Thanh tao măng rừng (ảnh: Phan Nam)
Măng rừng kho với thịt heo mỡ thì ngon tuyệt, còn nấu canh với mì tôm lại chan chứa vị thanh tao của măng rừng. Có lẽ vì thế con tim sớm bồi hồi trước những mùa măng đong đầy kỷ niệm nuôi lớn những đứa con của núi rừng. Chỉ cần vài búp măng rừng cũng đủ cho bữa ăn gia đình ấm cúng dặt dìu đôi chân tôi tìm về cảm nhận hơi ấm gia đình. Khói bếp cay xè trong gian bếp của mẹ chất chứa món ngon từ hương hoa đồng nội trong từng phút giây kiếm tìm.
Còn nhớ thời bố tôi còn khoẻ thường lên rừng tìm măng về bán. Mỗi gánh măng nặng nề trên lưng bố kiếm tiền mua sách vở cho đứa con sắp vào năm học mới. Bố bảo chỉ lấy măng mọc bìa ngoài, còn ở giữa lùm măng sẽ chừa lại cho măng hoá thành tre mọc cao vút để trở thành ngọn tre già chở che cho mầm măng non mới lên.
Giờ đây khôn lớn, đứng dưới bóng tre chiều hôm ngắm nhìn mấy mầm măng nhú lên mà thấy lòng xuyến xao. Luỹ tre che chở măng sao bao ngày nhú mầm đưa mùa măng vẫy gọi bước chân đi về. Trông về quê mẹ, ở nơi đó có cánh rừng xanh ngút ngàn và những búi măng mộc mạc mang hồn vía quê hương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.