Gần 10 năm học y khoa nhưng Miliaiev Ihor lại có một niềm đam mê kì lạ với phương pháp trị bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT) của Việt Nam.
Duyên nợ với Đông y
Cơ duyên đưa Miliaiev Ihor đến với YHCT phương Đông từ khi anh còn là cậu học sinh phổ thông. Sau những lần xem phim võ thuật Trung Quốc, anh thấy rất thú vị và tò mò muốn tìm hiểu về các môn phái võ thuật, về thuyết Âm dương ngũ hành và triết học phương Đông. Từ đó, anh phát hiện ra sự bí ẩn, hấp dẫn của y học phương Đông.
|
Heidi đang học xoa bóp bấm huyệt cho bệnh nhân |
Tốt nghiệp phổ thông, Ihor đã thi vào trường Đại học y khoa ở Ucraina. Tuy học Tây y nhưng ước mơ tìm hiểu và nghiên cứu về y học phương Đông vẫn nhen nhóm trong chàng sinh viên này. Đang học năm thứ hai, nhân có một chương trình giao lưu giữa sinh viên hai nước Việt Nam- Ucraina, Ihor đã may mắn được sang học tại trường Đại học y Hà Nội từ năm 1996. Sau 6 năm theo học tại Đại học Y Hà Nội, Ihor đã không đủ điều kiện tốt nghiệp. Thầy cô, bạn bè không ai hiểu vì sao bởi ít người biết rằng, trong quãng thời gian đó, Ihor đã trốn học ở trường để đi học Đông y (châm cứu).
Trong quá trình học và nghiên cứu Đông y, Ihor đã rút ra một điều: Tây y chỉ điều trị bệnh trên từng bộ phận, đau đâu chữa đó và thường phải sử dụng kháng sinh để diệt vi khuẩn nhưng đôi khi lại tiêu diệt cả những tế bào có ích cho cơ thể. Còn Đông y chữa bệnh dựa trên sự tác động vào toàn bộ cơ thể con người bởi theo quan niệm của Đông y, tâm và thần là một thể thống nhất trong cơ thể con người, nếu một bộ phận nào đó bị yếu thì phải điều trị tất cả.
Chính vì vậy, dù đã biết vận dụng Đông y chữa bệnh cho một số người nhưng Ihor vẫn quyết tâm thi vào Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam với mong muốn được học bài bản, hiểu sâu, hiểu rộng về y lí phương Đông. Vì vậy mà đã 34 tuổi nhưng Ihor vẫn đang là sinh viên năm thứ 2 theo học tại Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam.
Học Đông y để giúp người
Mấy năm trước, ở Bệnh viện YHCT Trung ương, Heidi Lustenberrger đến từ Thụy Sĩ cũng là một trong hàng trăm học viên người nước ngoài đến Việt Nam “tầm sư học đạo”. Trước khi sang Việt Nam, Heidi đã là một nhà xã hội học ở Thuỵ Sĩ. Công việc tạo cho Heidi những cơ hội để tiếp cận với các tầng lớp xã hội. Bệnh tật và nghèo đói của những người nghèo, đặc biệt là trẻ em đã khiến trái tim của người phụ nữ giàu lòng nhân ái rung lên những nhịp thương cảm.
Qua bạn bè, Heidi biết đến phương pháp châm cứu và chữa bệnh bằng Đông y. Vui mừng vì tìm ra cơ hội để những người nghèo có thể tiếp cận được với việc chữa bệnh rất đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả, Heidi đã đăng ký học về YHCT tại một trường học ở Thuỵ Sĩ. Năm học cuối cùng, Heidi quyết định “theo gương” những người bạn trong trường, sang Việt Nam để nâng cao tay nghề. Heidi ấn tượng nhất về các thầy thuốc Việt Nam là sự chăm sóc tận tình của họ đối với người bệnh như người thân trong gia đình.
Những con đường dẫn người nước ngoài đến với YHCT Việt Nam thì muôn nẻo nhưng sự say mê và quyết tâm học tập của những học viên đến từ nửa vòng trái đất này lại rất giống nhau. Ihor chia sẻ: “Có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng mình viển vông, nhưng với mình học và nghiên cứu về Đông y là nghiên cứu về con người. Mình học hoàn toàn không phải để theo đuổi mục đích kiếm tiền mà chỉ mong những điều mình học được, biết được sẽ giúp nhiều người khỏi bệnh”.
Bản thân Ihor đã từng chứng kiến một bà mẹ người Ucraina có con trai 13 tuổi bị ung thư hạch được chẩn đoán là không còn khả năng cứu chữa. Song bằng phương pháp chữa bệnh theo Đông y, sức khoẻ của em đã dần hồi phục. Ngay người em trai của Ihor cũng đang bị u tuyến ức và được anh trai điều trị bằng một số thuốc Đông y ở Việt Nam.
Chính những bằng chứng đó càng khiến Ihor củng cố thêm quyết tâm nghiên cứu và gắn bó với Đông y suốt cuộc đời. Ihor hiện còn là một tình nguyện viên tích cực của tổ chức trẻ em Rồng Xanh. Hàng ngày, sau giờ đến trường học, đi làm thêm, Ihor vẫn tranh thủ dành thời gian đến các Trung tâm trẻ khuyết tật để xoa bóp cho các em. Việc làm tình nguyện đó không những giúp các em vơi bớt nỗi đau khuyết tật mà bản thân anh cũng thấy vui hơn bởi những gì mình đang học, đang làm có ích cho đời.
Y học cổ truyền - niềm tự hào dân tộc
Theo nhiều giáo viên (kiêm bác sĩ của Bệnh viện YHCT Trung ương) thì kiến thức cơ bản của các học viên về YHCT thường rất ít nên quá trình giảng dạy gặp khá nhiều khó khăn. Những học viên lần đầu tiên tiếp xúc với kiến thức về YHCT, lúc ấy chỉ còn nước dạy “a, bờ, cờ…” như học sinh lớp một. Bà Hoàng Châu Loan, Trưởng phòng công tác chính trị HSSV, Học viện YHCT Việt Nam cho biết, những môn học chuyên ngành, đem những kiến thức về YHCT cho những người nước ngoài này không phải là đơn giản.
Khi muốn giảng sâu về lý thuyết bệnh học hay các mặt bệnh, cả thầy và trò như... đánh vật. Cách chọn huyệt thì như nhau, vị trí các huyệt cũng vậy, chỉ có điều làm sao giải thích cho học viên hiểu là tại sao lại với bệnh này phải châm sâu vào huyệt này, với bệnh khác lại chỉ châm nông… Thế mạnh của YHCT là chữa bệnh bằng cây thuốc nam, làm sao phải giải thích: cây thuốc này kết hợp với cây cỏ khác thì chữa được bệnh này nhưng sang bệnh khác thì… “bất đắc kỳ tử”.
Bà Loan cho biết, ngày càng nhiều người nước ngoài biết và sử dụng phương pháp chữa bệnh bằng YHCT Việt Nam. Đó không chỉ là niềm tự hào về nghề nghiệp, mà còn là niềm tự hào về dân tộc, về những tinh hoa do cha ông truyền lại được lớp con cháu hôm nay tiếp tục gìn giữ, kế tục và phát triển.
Theo Phụ nữ Thủ đô
Vui lòng nhập nội dung bình luận.