Đầu tư ngoài ngành thua lỗ, lấy lại không đơn giản

Thanh Xuân (thực hiện) Thứ sáu, ngày 04/03/2016 10:14 AM (GMT+7)
Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành về tình trạng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành.
Bình luận 0

img

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Thời gian qua các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư ngoài ngành nhất là trường hợp của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khiến dư luận rất qua tâm. Ông có nhận định về thực trạng này? 

- Câu chuyện các Tập đoàn, Tổng công ty của Nhà nước đầu tư ngoài ngành không chỉ bây giời mới nhắc đến mà nó đã có từ hàng chục năm nay rồi.  Lúc đầu, họ nhận thấy lĩnh vực ngoài ngành có thể kiếm được nhiều tiền như chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng… Chỉ cần bỏ ra một khoản vốn mua lại cổ phần của một lĩnh vực ngoài ngành, trong thời gian ngắn giá cổ phần đã tăng lên gấp nhiều lần chính là sự hấp dẫn cho các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước. Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh ngoài ngành lại thiếu kinh nghiệm và thậm chí là thiếu hiểu biết như lĩnh vực ngân hàng nếu không có kinh nghiệm điều hành đã dẫn tới thua lỗ và trở thành một khoản nợ khó đòi.

Theo thông tin từ báo chí, Petrolimex đã đầu tư hơn 2.255 tỷ đồng vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản. Trong đó có những khoản đầu tư giá trị lớn không đúng quy định như việc “rót” thêm vốn vào PG Bank 400 tỷ đồng (chiếm 40% vốn điều lệ), theo ông khoản đầu tư ngoài ngành không đúng quy định có lấy lại được?

- Theo tôi, để lấy lại nguồn vốn của Nhà nước thì phải xem là nguồn vốn ấy đã chảy đi đâu và liệu khoản tiền đó có còn hay không. Tức là các cơ quan chức năng cần phải làm rõ đầu tư ngoài ngành đã ảnh hưởng như thế nào tới nguồn vốn của Nhà nước. Không phải cứ là giám đốc doanh nghiệp của Nhà nước thì muốn làm gì thì làm.

Ngoài chỉ ra các khoản đầu tư của Petrolimex, theo tôi các cơ quan chức năng cũng phải làm rõ những khoản đầu tư này đến nay có thu được lại tiền về hay không. Đối với đầu tư chứng khoán, nếu thua lỗ là mất luôn còn đối với đầu tư bất động sản dù đất đai, công trình vẫn còn ở đó thì phải xem đã hoàn thiện chưa, có bán được các dự án đó để thu tiền lại không. Còn đối với đầu tư vào ngân hàng PG Bank, cũng phải làm rõ là có thu lại được tiền không.

Hiện tại, tôi chưa có đẩy đủ kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng nếu nói là có đòi được khoản nợ hay không thì phải làm rõ khoản tiền 400 tỷ đầu tư của Petrolimex đầu tư vào đó hiện nay như thế nào?

Như vậy,có nghĩa là đầu tư ngoài ngành nếu thua lỗ thì sẽ rất khó đòi?

- Đầu tư ngoài ngành đã thua lỗi thì lấy lại không đơn giản vì xử lý nghiêm với mức cao nhất là hình sự cũng không lấy lại được tiền. Mặc khác, có khi người ta vẫn lãi những lại chuyển tiền, rút tiền cho công ty con hay chuyển cho người thân nhưng cơ quan chức năng có truy tới tận cùng hay không. Nếu chấp nhận khoản nợ đó, không đòi lại được nữa để rồi khi thanh, kiểm tra phát hiện ra cứ khoanh nợ hoặc xóa nợ thì coi như khoản tiền vốn của Nhà nước đã bị mất hẳn.

Như tôi đã nói ở trên, nếu doanh nghiệp tư nhân, họ phải bỏ tiền túi ra đầu tư, thua lỗ là mất hết nhưng doanh nghiệp nhà nước đầu tư thua lỗ lại được khoanh nợ, hoặc mua lại nợ xấu thì chính là đã xóa đi khoản nợ, khoản đầu tư tiền của nhà nước không hiệu quả mà không bị xử lý thì ai chẳng muốn làm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước. Do đó, việc có đòi được hay không còn phụ thuộc vào quyết tâm của nhà nước, trong đó đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan.

Xin cảm ơn ông!

Theo quyết định 1117 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011 – 2015” đã nêu rõ Petrolimex không được mở rộng đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem