ĐBSCL: Nông dân phá mía để nuôi tôm

Huỳnh Xây Chủ nhật, ngày 21/12/2014 06:27 AM (GMT+7)
Giá xuống thấp trong vài vụ liên tiếp, trong khi đó chi phí sản xuất và thu hoạch tăng đã khiến cho người dân trồng mía vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thua lỗ, chán nản. Ở một số nơi, bà con nông dân đã chủ động giảm diện tích mía và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.
Bình luận 0

Đoạn nghề với mía

Huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) là một trong những địa phương có diện tích, sản lượng mía lớn nhất vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hộ dân nơi đây đã phá mía chuyển sang mô hình nuôi trồng khác, đặc biệt là mô hình nuôi tôm. “Trước đây, cây mía là cây xóa nghèo cho người dân vùng đất cù lao này nhưng do giá cả liên tục xuống thấp, người dân nhiều năm thua lỗ nên có nhiều hộ cải tạo đất để chuyển sang mô hình khác. Riêng gia đình tôi chuyển 1ha đất trồng mía sang nuôi tôm” - bà Nguyễn Thị Hoa, người dân ở xã An Thạnh 2 (huyện Cù Lao Dung) chia sẻ.

img
 Người dân trồng mía ở ĐBSCL đang quay lưng lại với cây mía.        
Tương tự bà Hoa, hộ anh Nguyễn Văn Nhi, ở xã An Thạnh 2 cũng đã chuyển toàn bộ diện tích mía sang nuôi tôm. Anh Nhi cho biết: “Trồng mía quá bấp bênh, giá bán thấp nhưng chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuê nhân công ngày càng tăng. Nuôi tôm cũng gặp khó khăn về dịch bệnh nhưng không phải lỗ hoài như trồng mía. Nhờ 2 ao tôm (tổng diện tích ao là 6.000m2) mà gia đình tôi thu lời được vài trăm triệu đồng mỗi năm”.

 

Huyện Phụng Hiệp là vùng mía trọng điểm của tỉnh Hậu Giang, cũng như người dân ở huyện Cù Lao Dung, người dân nơi đây ngán ngẩm với cây mía. Bà Trần Thị Pha ở xã Phương Bình nói: “Chán lắm mấy chú ơi, với giá 650-700 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân trồng mía lỗ 700.000-800.000 đồng/công (1.000m2). Nếu hộ nào thuê đất trồng thì lỗ đến 2 triệu đồng/công. Không chỉ vụ này mà các vụ mía trước cũng vậy. Cây mía bây giờ không còn “ngọt” như trước nữa. Nhiều hộ dân trong huyện này đã bỏ mía để trồng cây khác”.

Không hỗ trợ, dân sẽ khó theo nghề

Ông Phạm Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cù Lao Dung cho biết: “Năm 2013, toàn huyện có 8.250ha trồng mía, đến nay đã giảm hơn 1.600ha. Nếu tình trạng giá cả không được cải thiện, thì thời gian tới diện tích mía sẽ còn tiếp tục giảm”. Do đó, theo ông Liêm, về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người trồng mía, còn các doanh nghiệp thì phải chủ động bao tiêu sản phẩm, có hỗ trợ một phần nào đó chi phí vận chuyển… thì mới có thể duy trì được cây mía.

Theo UBND huyện Phụng Hiệp, đến nay người dân đã chuyển trên 1.000ha mía sang trồng các loại cây khác. So với năm 2011 thì hiện nay diện tích mía đã giảm khoảng 3.000ha. “Dự báo của ngành mía đường trong năm tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn và giá mía sẽ khó tăng. Vì vậy, chủ trương của huyện là cho người dân chuyển khoảng 2.000ha ở những khu vực có điều kiện sản xuất không thuận lợi như các xã: Hòa An, Hòa Mỹ, Phương Bình, Phương Phú, Hiệp Hưng cũng như những khu vực nằm ngoài vùng mía nguyên liệu chuyển sang vườn cây ăn trái và hoa màu các loại” - ông Nguyễn Thế Tự - Phó phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp cho biết.

Liên quan đến những khó khăn của ngành mía đường, ông Nguyễn Thành Nhơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: “Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã có nhiều nỗ lực, tìm nhiều cách để giúp người trồng mía. Thế nhưng, cái khó hiện nay là cây mía chưa có nhiều chính sách hỗ trợ giống như một số loại cây trồng khác, nhất là trước tác động của cơ chế thị trường hiện nay. UBND tỉnh đã và đang đề nghị các ngành có liên quan kiến nghị với T.Ư và các nhà máy đường có những hỗ trợ để người trồng mía có điều kiện sản xuất…”.

   Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, do giá mía giảm, thương lái không tìm mua nên khoảng 2 tháng trở lại đây, nhiều hộ dân ở 2 địa phương trên và một số khu vực trồng mía thuộc tỉnh Trà Vinh, Cà Mau có nhiều diện tích mía bị trổ cờ, người dân lâm vào cảnh trắng tay, không có vốn để tái sản xuất vụ sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem