Di Li và “Chuyện làng văn”: Học hỏi cả người tốt và... người xấu

Thứ ba, ngày 29/05/2012 07:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Viết chân dung ở vị trí một người bạn, một người luôn lắng nghe và học hỏi từ nhân vật của mình - Di Li chia sẻ về công việc đầy hứng thú này qua cuốn sách “Chuyện làng văn” vừa được NXB Văn học ấn hành.
Bình luận 0
img
 

Đầu sách chị viết: “Những nhân vật trong cuốn sách này, tôi đã học được nhiều điều từ họ”. Học hỏi nhiều người chắc không phải là việc đơn giản?

- Ai tôi cũng học hỏi được đấy, kể cả bác mài dao hay chị bán hoa quả chứ không phải “siêu nhân” gì thì mình mới học. Càng giao tiếp, mình càng học được ở người ta nhiều hơn, kể cả ai đó mà mình cho là xấu tính, thậm chí cả khi đọc một tác phẩm dở thì mình cũng học được một điều là nên tránh viết và hành động như thế.

Những người như nhà văn Tô Hoài, Kim Lân… có thật nhiều điều cho mình suy nghĩ. Với (cố) nhà thơ Trần Hòa Bình, khi tôi còn đắn đo với thể loại trinh thám, kinh dị, nhiều người can nhưng anh đã rất khuyến khích. Với nhà văn Phạm Ngọc Tiến, tôi coi là một người thầy đúng nghĩa. Khi mới bước vào viết chuyên nghiệp, anh đã góp ý, sửa văn cho tôi rất cặn kẽ.

Có lẽ vì thế mà tác giả đã luôn tìm và cố gắng thể hiện những nét “lung linh”, độc đáo của mỗi nhân vật chăng?

- Thể hiện chân dung hay trò chuyện, phỏng vấn họ, tôi cố gắng lắng nghe, quan sát để lóe ra ý tưởng riêng về từng người, lấy một vài nét cơ bản để xuyên suốt toàn bộ bài viết. Chân dung là thể loại khó, tôi không thích liệt kê tiểu sử, thành tích, như vậy sẽ nhạt và không có hứng viết. Cho nên tôi cũng không cố khi không “bắt” được điều gì từ ai đó. Và trong nhiều trường hợp, phải là bạn bè thân thiết hoặc gặp gỡ nhiều lần mới viết được.

Muốn hấp dẫn người đọc, nhiều khi nhân vật phải gây “sốc”, chị có phải băn khoăn nhiều về cách để thu hút người đọc không?

- Viết cho công chúng đọc cũng phải hấp dẫn, mà nhiều khi người ta thích những chuyện xì - căng - đan hay lôi ra cái xấu. Nhưng nếu làm thế, nhân vật và bản thân tôi cũng không hài lòng. Vậy phải làm sao để cả mình, cả nhân vật và công chúng đều thích mà không phải chạm tới cái xấu, mà nếu có gì hơi “tiêu cực” thì cũng chỉ “đá” một chút để “kiểm điểm nhẹ” thôi! Nhưng những bài viết về các nhân vật trong cuốn này, tôi đều nhìn bằng con mắt tôn vinh, ở vị trí của một người bạn chứ không hề “kể xấu”.

img
 

Vậy là cũng sẽ có nhiều chuyện bếp núc của các nhân vật không có trên mặt giấy?

“Chuyện làng văn” tập hợp những bài viết về nhà văn Tô Hoài, Kim Lân, Phạm Ngọc Tiến, Bùi Anh Tấn, Cấn Vân Khánh, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Hòa Bình, Lê Thiếu Nhơn...; trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Phong Điệp, dịch giả Nguyễn Lệ Chi, nhà văn Ý Paolo Giordano, nhà văn Úc Walter Mason...

- Chân dung là thể loại báo chí, tôi không thể bịa. Chỉ có điều khi chấp bút thì phải chọn sự thật nào thôi. Có những cái tôi cảm nhận về nhân vật, họ rất tôn trọng.

Người đọc có thể thấy cái tôi của chính tác giả cũng rõ hơn theo thời gian khi tôi viết trên tâm thế của một nhà văn, kể về câu chuyện mà tôi cũng là nhân vật trong đó. Tôi thích tường thuật các câu thoại để câu chuyện sinh động, xác thực hơn và bài viết chân dung cũng sinh động hơn.

Chị nói viết làm sao để công chúng cũng thích, nhưng mình lại không thể “chiều” được, vậy có mâu thuẫn không?

- Phương châm của tôi là vì người đọc. Cho nên phải dung hòa cái mình thích mà người ta không thích và ngược lại. Tôi thấy hầu như ở đâu người đọc cũng thích văn học “sến”, thích những chuyện lãng mạn, mà mình thì lại không làm thế được. Cho nên cần chọn cái dung hòa.

Xin cảm ơn chị!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem