Điểm tên những vụ xuất khẩu nông sản bị lừa vố đau
Điểm tên những vụ xuất khẩu nông sản bị lừa vố đau, doanh nghiệp "nuốt nước mắt" vì mất cả tiền lẫn hàng
Thiên Ngân
Thứ năm, ngày 10/03/2022 19:05 PM (GMT+7)
Thực tế đã có không ít doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam bị mất tiền, mất hàng vì quá tin vào đối tác lạ ở nước ngoài. Hoặc mất cảnh giác khi nhận được đơn hàng có giá trị lớn, nhất là khi xuất khẩu qua môi giới.
"Ngậm đắng nuốt cay" vì bị lừa khi gặp đơn hàng xuất khẩu nông sản giá trị lớn
Theo Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc, Công ty KN Universe Plastic là tên mới của Công ty Fisherlab Sarl, có tiền sử lừa đảo doanh nghiệp Việt mà trước đó Thương vụ đã cảnh báo vào tháng 4/2020.
Do đó, ngày 7/3 mới đây, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc đã đưa ra cảnh báo khẩn với các doanh nghiệp Việt Nam về việc: Tuyệt đối tránh giao dịch với đối tượng trực tiếp giao dịch có tên là Khalid thuộc Công ty KN Universe Plastic, địa chỉ tại Kasbat Amine 2 gh 06 ent 01 apt 13 Lissasfa Casablanca, Maroc; điện thoại di động/whatsap: +212661607818.
Thủ đoạn trước đây của đối tượng Khalid và Công ty Fisherlab Sarl là ký hợp đồng nhập khẩu từ 1-2 lần đầu số lượng ít, thanh toán đầy đủ để tạo niềm tin. Sau đó, đối tượng này đề nghị ký hợp đồng lớn và trở mặt với lý do chất lượng hàng không đảm bảo, đòi trả lại tiền, không hợp tác để xử lý lô hàng, thông đồng lấy trộm hàng, lảng tránh mọi liên hệ.
Mới đây, đối tượng nêu trên tiếp tục lừa 1 doanh nghiệp xuất khẩu hàng nhựa nguyên liệu của Việt Nam với thủ đoạn mới. Cụ thể, đại diện công ty này trao đổi với doanh nghiệp xuất khẩu có người nhà bị COVID-19 sẽ thanh toán sau để câu giờ, đồng thời cấu kết với các đối tượng có liên quan thông quan lô hàng nhưng không thanh toán, lảng tránh mọi liên hệ.
Ngay khi nhận được thông tin ngày 3/3, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc đã cùng doanh nghiệp trao đổi, bám sát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo từng bước nhằm xử lý vụ việc và hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, theo thông tin từ hãng tàu, đối tượng Khalid và KN Universe Plastic đã thông quan trộm lô hàng từ ngày 29/1/2022.
Trước đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam từng đưa ra cảnh báo khi xảy ra sự việc 2 container hồ tiêu xuất khẩu sang Dubai, nhưng khách hàng đổ thừa hàng kém chất lượng, bị hao hụt nên không nhận.
Sau đó, phía đối tác mua hàng liên kết với ngân hàng tại Dubai chiếm đoạt 2 container nói trên.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, người được mệnh danh là "vua tiêu" xuất khẩu của Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản rất dễ bị lừa khi gặp đối tác lạ trả giá cao, hoặc đặt mua đơn hàng lớn.
Bản thân ông Thông đã suýt bị lừa mất lô hàng hạt tiêu trị giá hơn 53 tỷ đồng vào năm 2015.
Ông Thông cho biết, ông gặp đối tác nước ngoài tên là Mike Tyson tại 1 Hội chợ gia vị quốc tế. Anh ta ăn mặc lịch sự, xách cặp da, sau khi xem hạt tiêu của Phúc Sinh thì bày tỏ muốn mua lô hàng hạt tiêu khối lượng lớn. Sau hội chợ, đối tượng này liên hệ làm việc với ông Thông, đặt mua 37 tấn hạt tiêu, thậm chí còn chuyển cọc một số tiền để tạo niềm tin.
Ông Thông đã dốc tiền thu mua đủ 37 tấn hạt tiêu, chuyển hàng lên tàu. Tuy nhiên, khi thấy đối tác liên tục gọi điện hỏi thăm về đường đi của lô hàng, hối thúc ông Thông cung cấp số vận đơn (có số vận đơn là có thể lấy bộ chứng từ gốc), ông Thông bắt đầu nghi ngờ.
Ông Thông kể: "Lúc đó tôi một mặt tìm cách trì hoãn việc cung cấp số vận đơn, một mặt liên hệ với ngân hàng nhờ thu hộ bên Thụy Sỹ tìm hiểu về bên nhận. Tôi té ngửa ra khi phát hiện họ không có khách hàng nào tên Mike Tyson. Ngay lập tức, tôi liên hệ với hãng tàu đề nghị đưa hàng đến cảng gần nhất, sau đó tìm cách lấy hàng về. Nếu không cảnh giác, bị hoa mắt trước đơn hàng giá trị lớn thì tôi đã trắng tay".
Lý giải vì sao ngày càng có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản bị lừa" ở nước ngoài, Bộ Công Thương và các hiệp hội cho rằng, trước áp lực của việc mở rộng thị trường, gia tăng doanh số, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã hợp tác với những khách hàng mới khi chưa nắm rõ thông tin. Điều này có thể đem đến những rủi ro về tín dụng hoặc bị lừa đảo chiếm đoạt hàng hóa.
Theo ông Phan Minh Thông, đối tác sẵn sàng trả cọc 30% giá trị hợp đồng để tạo niềm tin. Sau khi doanh nghiệp Việt Nam chuyển hàng, họ sẽ tìm cách đoạt lấy chứng từ gốc và "cuỗm" toàn bộ hàng hóa mà không trả nốt số tiền còn lại.
Cũng có trường hợp, hàng hạt tiêu, cà phê sau khi xuất cảng thì đối tác chê kém chất lượng, đòi hạ giá mới chịu lấy hàng. Hậu quả là phía doanh nghiệp Việt Nam phải ngậm đắng nuốt cay, chấp nhận "yêu sách" để tránh tốn kém chi phí thuê tàu vận chuyển hàng về.
Mới đây, ngày 8/3, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã có văn bản hỏa tốc gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Ý, Thương vụ Việt Nam tại Ý đề nghị hỗ trợ trong tình huống "khẩn cấp" khi 100 container điều xuất khẩu của các doanh nghiệp có nguy cơ bị lừa đảo.
Cụ thể, Vinacas cho biết, một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhân điều của Việt Nam đã ký hợp đồng với một số khách hàng nhập khẩu điều Ý thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt.
Toàn bộ lô hàng trên được đóng vào 100 container, điểm đến là Cảng Genoa, Cảng LA Spezia do các hãng tàu quốc tế là Cosco, Yangming, Hmm, One vận chuyển.
Các lô hàng này đã và đang đến một số cảng của Ý. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp gửi hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ của bên mua theo hướng dẫn thì bị thay đổi số Swift (mã riêng của từng ngân hàng được sử dụng trong các giao dịch liên ngân hàng trên toàn cầu).
Sau khi ngân hàng bên mua nhận chứng từ thì họ thông báo bên mua không phải khách hàng của họ và trả lại bộ chứng từ. Nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào dù phía ngân hàng Việt Nam đã nhiều lần liên hệ.
Một số khách hàng gửi hồ sơ đến ngân hàng Ý thì ngân hàng Ý trả lời: Hồ sơ họ nhận là bản photo, không phải bản gốc. Các doanh nghiệp nhận định đây là vụ lừa đảo lớn, số lượng hàng trị giá lên tới hàng trăm triệu USD.
Mới đây, Bộ Công Thương đã gửi cảnh báo đến các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu và doanh nghiệp tham gia xuất khẩu về những rủi ro trong thanh toán, đặc biệt là với những hợp đồng xuất khẩu chấp nhận hình thức thanh toán sau, chuyển tiền sau khi giao hàng...
Theo Bộ Công Thương, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã và đang gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, trong đó có khâu vận tải và giao nhận.
Bộ Công Thương nhấn mạnh: Tại nhiều cảng biển, hàng hóa phải chờ thông quan nhiều ngày, dẫn đến chậm trễ trong việc giao hàng. Từ đó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp nhiều rủi ro cho khâu thanh toán. Đặc biệt với những hợp đồng xuất khẩu chấp nhận hình thức thanh toán T/T (chuyển tiền sau khi giao hàng).
Từ đó, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong khâu thanh toán khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.