Điều gì có thể đã xảy ra với chiếc Airbus A320 của Đức?

Thứ tư, ngày 25/03/2015 16:00 PM (GMT+7)
Chuyên gia hàng không đặt ra những giả thuyết về nguyên nhân khiến chiếc Airbus A320 của Đức gặp nạn.
Bình luận 0

Ngày 24/3, cả thế giới bàng hoàng khi chiếc máy bay Airbus A320 của hãng hàng không Germanwings (Đức) bị rơi trên dãy núi Alps hẻo lánh của nước Pháp, khiến toàn bộ 150 người thiệt mạng.

Các chuyên gia hàng không cho rằng máy bay không thể tự nhiên rơi khỏi bầu trời. Chiếc Airbus A320 trên gặp nạn đúng vào lúc bay bằng, thời điểm được coi là an toàn nhất của cả hành trình bay, đồng nghĩa với việc đã có điều gì đó rất khủng khiếp đã xảy ra, khiến máy bay cùng 150 đâm xuống vách núi.

Bằng chứng đầu tiên có thể hé lộ điều gì đã diễn ra với chiếc máy bay chính là xác của nó. Nếu những mảnh vỡ máy bay khá lớn và nằm co cụm một chỗ, chứng tỏ máy bay vẫn còn nguyên vẹn trước khi đâm vào núi. Còn nếu các mảnh vỡ bị xé vụn nằm rải rác, chiếc máy bay có thể đã nổ tung trên bầu trời.

img
Những mảnh vỡ của máy bay nằm rải rác trên sườn núi

 

Ông Todd Curtis, cựu kỹ sư an toàn của hãng Boeing và hiện đang điều hành trang Airsafe.com cho hay: “Nếu bạn nhìn thấy cánh máy bay ở chỗ này, còn thân ở cách đó vài km, bạn không cần phải là chuyên gia cũng biết rằng máy bay không bị vỡ tan dưới mặt đất, mà có điều gì đó đã xảy ra ngay trên bầu trời”.

Chiếc Airbus A320 mang số hiệu 9525 bay từ Barcelona (Tây Ban Nha) tới Dusseldorf (Đức) là loại máy bay hiện đại hàng đầu của ngành hàng không, tương đương với Boeing 737. Hiện trên toàn thế giới có hơn 3.600 chiếc A320 do Airbus sản xuất đang hoạt động.

Máy bay A320 có hồ sơ an toàn rất cao, với tỉ lệ gặp tai nạn chết người chỉ là 0,14 vụ trên một triệu lần cất cánh. Chiếc A320 gặp nạn trên được chuyển cho Lufthansa, công ty mẹ của Germanwings vào năm 1991 và đã có khoảng 58.300 giờ bay, thực hiện hơn 46.700 chuyến bay.

img
Một mảnh vỡ trên núi (ảnh nhỏ) có ký hiệu trùng khớp với chiếc máy bay gặp nạn

 

Sau đây là một số giả thuyết mà các chuyên gia đặt ra đối với những gì có thể đã diễn ra với chiếc máy bay xấu số này:

Hiện tượng giảm áp quá nhanh

Chiếc máy bay này thực hiện hơn 5,3 chuyến bay một ngày trong vòng 24 năm qua, chủ yếu là các chặng bay ngắn giữa các nước châu Âu, nhưng tỉ lệ này là khá cao so với mức thông thường.

Cứ sau mỗi lần máy bay cất hạ cánh, hiện tượng tăng áp và giảm áp liên tục đã tác động đáng kể lên vỏ máy bay. Những máy bay bay chặng ngắn thường trải qua chu trình tăng-giảm áp suất này nhiều hơn các máy bay chặng dài.

Năm 1988, một chiếc Boeing 737 của hãng Aloha Airlines hoạt động liên tục 19 năm trên chặng bay nối các hòn đảo ở Hawaii đã bị bay mất một phần nóc do hiện tượng hao mòn kim loại.

img
Một nhân viên cứu hộ của Pháp đứng giữa các mảnh vỡ của máy bay

 

Chiếc máy bay A320 trên đã giảm độ cao tới 914 mét mỗi phút từ độ cao 11.600 mét, nhanh gấp đôi vận tốc của một máy bay hạ độ cao bình thường, đồng nghĩa với việc máy bay gần như “lao thẳng đứng” xuống phía dưới.

Nếu trên máy bay xảy ra hiện tượng giảm áp đột ngột, dù là do thân máy bay bị thủng hoặc do một quả bom phát nổ, phản ứng đầu tiên của phi công là cho máy bay xuống độ cao dưới 3000 mét càng nhanh càng tốt để cân bằng áp suất trong và ngoài máy bay, để hành khách có thể thở được.

Khi máy bay bị giảm áp đột ngột, mặt nạ cung cấp dưỡng khí khẩn cấp trên đầu mỗi hành khách sẽ bung ra, cung cấp đủ dưỡng khí cho họ trong vòng 10 phút. Thế nên, với tốc độ hạ xuống 914 mét mỗi phút, máy bay sẽ kịp xuống độ cao an toàn trước khi nguồn dưỡng khí khẩn cấp cạn kiệt.

Chuyên gia Curtis cho rằng tốc độ lao xuống của chiếc máy bay này rất phù hợp với những gì diễn ra đối với những chiếc máy bay gặp phải hiện tượng giảm áp đột ngột.

Trục trặc kỹ thuật

Máy bay Airbus là một trong những loại máy bay có buồng lái phức tạp nhất thế giới, và nó cũng đã nhiều lần gặp trục trặc với những hệ thống hiện đại này.

img
Mảnh vỡ lớn với nhiều cửa sổ được phát hiện

 

Năm 2009, chuyến bay 447 của hãng Air France đã đâm xuống Đại Tây Dương vì hệ thống đo tốc độ trong buồng lái hiển thị chỉ số sai khi máy bay xuyên qua một cơn bão. Mặc dù sai sót trong xử lý của phi công là nguyên nhân khiến máy bay bị khựng lại và rơi xuống, nhưng phi công sẽ không bao giờ mắc sai sót đó nếu họ được các hệ thống cung cấp các dữ liệu đúng.

Gần đây, một chiếc A321 của hãng Lufthansa đã bị rơi tự do với vận tốc 1.200 mét/phút sau khi chế độ tự lái bất ngờ khiến mũi máy bay chúc xuống. Sự cố này đã khiến Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu phải cảnh báo các phi công về khả năng các cảm biến trong chế độ tự lái của chiếc máy bay.

Theo cơ quan này, khi máy bay bất ngờ bị chúc mũi xuống vì trục trặc trong hệ thống cảm biến, việc phi công kéo chỉ cần lái lên sẽ không cứu được máy bay thoát khỏi cảnh lao nhanh xuống mặt đất. Thay vào đó, họ phải tắt 2 trong số 3 bộ cung cấp dữ liệu trên không của máy bay chuyên xử lý các thông số về tốc độ và góc của mũi máy bay.

img
Lực lượng cứu hộ Pháp bàn phương án tiếp cận nơi máy bay rơi

 

Hành động khủng bố

Hiện vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ đã có hành vi khủng bố hoặc phá hoại diễn ra trên chiếc máy bay, tuy nhiên nhà chức trách và cả các chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để có thể loại trừ bất cứ nguyên nhân nào.

Sai sót của phi công

Phi công trên máy bay có thể đã vô tình đưa máy bay vào tình thế lao xuống hoặc khựng lại và không thể khắc phục được sai sót này. Ngoài ra, cũng có thể viên phi công đã quá tập trung vào việc đưa máy bay xuống dưới độ cao 3000 mét để cân bằng áp suất mà không nhận ra rằng máy bay đã xuống quá gần những dãy núi cao xung quanh, cho đến khi quá muộn.

Trí Dũng (Theo Fox43)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem