Phá "độc quyền vaccine"

Nguyễn An Thanh Thứ hai, ngày 31/05/2021 12:06 PM (GMT+7)
"Ai làm tốt hơn thì để cho làm" - thông điệp của Thủ tướng đang được các doanh nhân và người dân ủng hộ, nhất là trong tình thế "nước sôi, lửa bỏng" như hiện nay. Phá thế độc quyền vaccine sẽ giúp tạo nên tấm lá chắn tốt nhất để phòng chống dịch.
Bình luận 0

 Thông tin về đại dịch Covid-19 tràn ngập trên truyền thông, nhưng điều mà giới quan sát đặc biệt quan tâm là 2 thông điệp và cách điều hành của Chính phủ đã giúp người dân yên tâm hơn, dù các con số lây nhiễm chưa giảm.

Đầu tiên đó là thông điệp truyền thông, nếu như ban đầu Việt Nam nhấn mạnh đến giải pháp 5K, thì trước xu thế chung của thế giới, Chính phủ đã phát đi thông điệp "5K+vaccine" và giờ đây là "5K+vaccine+ công nghệ".

Ngay và luôn, các cơ quan phòng, chống dịch sẽ triển khai vòng đeo tay giám sát cách ly tại nhà, bắt đầu triển khai từ 1/6 và trước mắt sẽ thực hiện cho công nhân của các khu công nghiệp, khu chế xuất. Vòng đeo tay giám sát cách ly không phải thiết bị công nghệ mới, thế giới đã áp dụng. Nó giúp cho chúng ta đang "tìm" và "bắt" bệnh nhân chủ động, tức là phát hiện người bệnh trong cộng đồng, những nơi đông đúc như sân bay, bến tàu, trường học, bệnh viện… 

Khác hẳn chiến thuật lâu nay hễ thấy F0 bùng phát địa phương nào, đơn vị nào thì chúng ta mới bị động quây tìm ở đó. Bản khai y tế điện tử lâu nay cũng chỉ có mỗi tác dụng là nếu có xuất hiện bệnh nhân thì sẽ quây "bắt" những người đi cùng chuyến bay, làm cùng phân xưởng hay gia đình, họ hàng.

Việc áp dụng các ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phòng, chống dịch Covid-19 sẽ giúp Ban chỉ đạo các địa phương "3 hơn":Phát hiện người nhiễm bệnh sớm hơn, truy vết nhanh hơn và triệt để hơn (phát hiện cả người nhiễm bệnh không có triệu chứng và tự khỏi nên không bị phát hiện, nhưng vẫn có thể lây cho người khác).

Khi Việt Nam đưa ứng dụng công nghệ vào phòng, chống Covid-19, thì chiến lược "lửa to khoanh to, lửa nhỏ khoanh nhỏ" sẽ được thực thi một cách chính xác nhất, hạn chế thiệt hại của xã hội. Khi đó ai bị nhiễm thì điều trị, ai tiếp xúc gần thì cách ly, những người còn lại xung quanh vẫn có thể đi lại, làm việc và sinh hoạt bình thường.

Trở lại thông điệp thứ hai là vaccine tiêm phòng, Chính phủ đã có những thay đổi quan trọng về chiến lược này trong bối cảnh nguồn vaccine còn thiếu, cả thế giới đều lo vaccine. Khi mà cả thế giới đều đổ xô đi mua, mà năng lực sản xuất thì có hạn, nếu vẫn làm theo cách cũ, người dân chúng ta sẽ không có đủ vaccine để tiêm phòng.

Phá "độc quyền vaccine" - Ảnh 2.

Vaccine Covid-19 đang là câu chuyện rất nóng.

Hiện trên thế giới đã có hơn 1,8 tỷ liều vaccine ngừa virus corona đã được tiêm ở ít nhất 190 quốc gia trên toàn cầu. Tại Anh và Israel, những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao cho thấy, vaccine sẽ làm giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong cũng như lây truyền trong cộng đồng. Hầu hết các chính phủ đều bắt đầu tiêm cho những người trên 60 tuổi, nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương.

Nếu như đã coi "chống dịch như chống giặc" thì cần phải nhanh và luôn học tập tinh thần của Hồ Chủ tịch " Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc". Thế độc quyền nhập vaccine  lâu nay dành riêng cho Bộ Y tế và một đơn vị duy nhất được nhập khẩu (Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam). Đó là sự trói buộc khả năng phòng chống dịch Covid-19 của đất nước. Vòng dây trói đó phải được cởi bỏ để cho mọi nguồn có khả năng được nhập vaccine. 

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tuần qua, Thủ tướng đã quyết định một điểm rất quan trọng: "Phải dùng mọi biện pháp như Chính phủ, ngoại giao, doanh nghiệp, người dân, các biện pháp khác… để tiếp cận mua vaccine và phải đẩy nhanh nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước".

"Ai làm tốt hơn thì để cho làm" - một thông điệp của Thủ tướng đang được các doanh nhân và người dân ủng hộ, nhất là trong tình thế "nước sôi, lửa bỏng" như hiện nay. Thực tế cho thấy ngoại giao doanh nghiệp là một kênh rất hiệu quả, các doanh nhân có nhiều mối quan hệ và khả năng xoay xở tình thế không thua kém các nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

 Nếu không xếp hàng mua được trực tiếp, họ sẽ biết cách để mua gián tiếp, vay, mượn… Lúc này, Bộ Y tế chỉ cần công bố danh mục các loại vaccine được dùng, tiêu chuẩn bảo quản và tham gia/hướng dẫn cho doanh nghiệp tiêm vaccine. Lịch sử 4.000 năm của dân tộc ta cho thấy, thời đại nào thì trong hoạn nạn "dân cứu dân" bao giờ cũng nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Các doanh nghiệp FDI bằng lợi thế của mình sẽ biết cách tự tìm kiếm vaccine để bảo vệ công nhân của mình, nhằm không đứt chuỗi kinh doanh toàn cầu. Các doanh nghiệp lớn FDI như Honda, Toyota, Samsung, Unilever, Canon… đang có những lợi thế nhất định. Trong khi đó, các triệu phú, tỷ phú tiền đô người Việt đều cho thấy, nếu được Chính phủ cho phép họ đều có mối quan hệ để có khả năng đưa vaccine về nước sớm nhất. Khả năng kết nối với các "soái" Nga (quốc gia đã sản xuất được vaccine) của các doanh nhân thuộc tốp 500 Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng. 

Lâu nay, chúng ta cứ lấy lý do các nhà sản xuất vaccine chỉ đàm phán với chính phủ nên các doanh nghiệp Việt Nam bị gạt ra khỏi đại sự. Song, điều kỳ lạ là một doanh nghiệp - Công ty Cổ phần Vaccine  Việt Nam - lại được quyền nhập khẩu và cung ứng song song với Nhà nước, điều này được cho là không thuyết phục các doanh nghiệp khác. Nói cách khác, tính mạng của người dân, vận mệnh của quốc gia không thể được đặt cược vào tay một hay vài doanh nghiệp bởi bất cứ lý do nào.

Không chỉ doanh nhân mà giờ đây tỷ lệ tiêm vaccine cũng chính là thước đo về năng lực của lãnh đạo các địa phương, nếu không muốn bị giãn cách xã hội. Không ít địa phương đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung ứng vaccine, không ngồi chờ Thủ tướng và Bộ Y tế. Dường như một điều đã được khẳng định trong chiến lược "5K+vaccine+công nghệ", nếu làm tốt tất cả các công việc nhưng nếu không tiêm chủng vẫn không thể quay trở lại cuộc sống bình thường.

Đây là lúc người dân chứng kiến cuộc đua về khả năng miễn dịch cộng đồng của các thành phố lớn, các đầu tàu kinh tế của cả nước. Là cơ hội để lãnh đạo các địa phương thể hiện năng lực, bản lĩnh và sự cống hiến của mình trước các cử tri vừa bỏ phiếu cho mình một cách thiết thực nhất. Là thước đo để Đảng, Nhà nước đánh giá khả năng chèo chống, chỉ đạo, lãnh đạo của cán bộ, bổ sung vào nguồn cán bộ trước mắt cũng như lâu dài.

Việc tung 20.000 bác sĩ trong cả nước về các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để "thay ca" của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 quốc gia cho thấy Chính phủ đã nghĩ đến một "cuộc chiến" dài hơi. Cũng như khi ra trận, không thể thần tốc, đánh nhanh, thắng nhanh thì vị tư lệnh chiến trường cần phải tính đến dưỡng sức quân bằng chiến thuật "xa luân chiến".

Người dân cũng phải nhìn vào các quyết sách của Chính phủ để tính toán cho việc của cá nhân, gia đình mình. Người đứng đầu các tổ chức, đơn vị cũng cần nhìn vào các thông điệp, cách điều hành của Chính phủ để đưa ra các chương trình hành động cho phù hợp với tình hình mới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem