“Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là đáng mừng”

Thứ sáu, ngày 10/04/2015 14:52 PM (GMT+7)
Đây là ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT); nay là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển khoa học công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây. Xin trân trọng giới thiệu quan điểm của ông khi nói về việc một số “ông lớn” cam kết đầu tư lâu dài vào cây mắc ca ở Tây Nguyên.
Bình luận 0

Tôi là người may mắn được kế thừa tư duy của bác Nguyễn Công Tạn (cố Phó Thủ tướng). Khi tôi nghỉ hưu thì bác ấy bảo tôi về làm Viện trưởng Viện Thành Tây, bác ấy làm Chủ tịch hội đồng quản trị. Bác Tạn là người say mê cây mắc ca và cũng có những nghiên cứu bài bản, nên khi đọc được thông tin ông Nguyễn Đức Hưởng bên ngân hàng Bưu Điện Liên Việt nói sẽ dành 10.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển mắc ca ở Tây Nguyên, bác ấy rất phấn khởi. Vì cây mắc ca là cây dài ngày, muốn phát triển nó bền vững và hiệu quả dứt khoát phải có nguồn vốn đầu tư. Nông dân không thể tự bươn chải được nếu Nhà nước và ngân hàng không vào cuộc cùng nông dân. Bác Tạn có nói với tôi là cố gắng liên hệ, mời ông Hưởng dự Hội thảo mắc ca ở miền Bắc. Nhưng lúc đó tôi liên hệ chưa được. Sau này anh Hưởng có cử đại diện đi nghe về định hướng phát triển mắc ca ở miền núi phía Bắc.

img

Câu chuyện không dừng ở đó. Khi thấy Tập đoàn Him Lam và LienVietPostBank vào cuộc, chúng tôi rất mừng vì có doanh nghiệp thực sự muốn đầu tư lâu dài vào nông nghiệp - một lĩnh vực mà lâu nay doanh nghiệp không dám đầu tư vì rủi ro nhiều, hiệu quả lại không cao, trong khi họ có nhiều lĩnh vực khác đầu tư mang lại hiệu quả cao hơn. Ta phải công bằng nói thế, Chính sách của Nhà nước thì có đấy, Nghị định số 210/2013/NĐ-CP (Về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn) ra đời rồi mãi sau này mới có được một Thông tư. Mà thông tư đó về đến địa phương cũng “chưa đâu vào đâu” cả. Cách tiếp cận thì, hầu như các doanh nghiệp vẫn còn bươn chải, nếu không có những “ông lớn”, không có những ngân hàng vào cuộc.

 

Một “đáng mừng” và hai “lưu ý”

Chúng tôi thấy tín hiệu đáng mừng là LienVietPostBank và Tập đoàn Him Lam vào cuộc, có đề án thực sự phát triển mắc ca lâu dài. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy một vấn đề: Ý tưởng cực tốt, mục tiêu rất rõ ràng, quyết tâm rất cao, có cả sự ủng hộ từ hệ thống chính trị, nhưng quan trọng nhất là việc tổ chức thực hiện. Nếu tổ chức thực hiện không đúng là chệch choạc ngay từ đầu. Vì vậy, tôi muốn nói rằng: Không có việc gì dễ cả, nhất là việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp,  lĩnh vực trồng trọt đối với cây dài ngày. Vì vậy, cùng với việc doanh nghiệp vào cuộc, cần có bước đi và lộ trình đúng để mang lại hiệu quả thực sự.

Trước hết, có hai việc rất quan trọng: 

Một là, đã là cây dài ngày dứt khoát phải quan tâm vấn đề giống. Vừa rồi, tại hội thảo ở Lâm Đồng, giống của các đại gia, rồi các nhóm này, nhóm khác đã bán một cách rất linh tinh. Vì vậy, 70 nghìn có, 50 nghìn có, 20 nghìn một cây cũng có. Trong 1.600ha mắc ca hiện nay đã trồng ở Tây Nguyên liệu có bao nhiêu diện tích sử dụng được giống ghép, giống chuẩn, bây giờ chưa thể nói được. Nhưng theo chúng tôi nắm được, tỉ lệ giống chuẩn trong 1.600ha đó chưa cao. Đấy là một điều đáng buồn và là một thực trạng phải nhìn thẳng. Vì vậy, muốn phát triển mắc ca, đầu tiên phải là khâu giống chuẩn. Mà với nhiều nông dân, chỉ cần rẻ hơn vài nghìn là “ok”, có lợi một chút ít cũng “ok”. Rồi doanh nghiệp, kể cả quản lí nhà nước...  cũng rất dễ dàng tặc lưỡi một cái là đưa những giống kém chất lượng vào. Đây là một nguy cơ cần được cảnh báo sớm. Giống chuẩn là quyết định thành công của cây mắc ca.

img
Cây mắc ca.
Hai là, vấn đề quy hoạch. Nói là có quy hoạch nhưng thực tế, nhiều địa phương quy hoạch chưa rõ nét, do đó chưa phát huy được lợi thế của cây mắc ca. Mắc ca là cây dài ngày nhưng có thể trồng xen, nó không tranh chấp đất của những cây trồng khác như cây cao su. Đồng thời, có thể kết hợp với các cây trồng khác để phát huy hiệu quả của nó. Dài ngày thì anh phải đầu tư vốn lớn, mà năm đầu, nếu không có sự hỗ trợ vốn của Nhà nước, của các doanh nghiệp thì người nông dân sẽ rất khó để đầu tư phát triển, dễ mắc sai lầm ngay từ đầu tư ban đầu.

Vấn đề tiếp theo rất quan trọng, khi doanh nghiệp làm cùng với nông dân thì bài học cây cao su ở Tây Bắc trong đó có Sơn La và Lai Châu là biến người nông dân thành công nhân của xí nghiệp mà ở đó, lợi ích hài hòa sẽ được triển khai.  Đấy là bài học. Nhưng một “bài học” khác mà Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt mong muốn ưu tiên: Muốn phát triển thì nên để hộ nông dân là tự chủ và quyết định trên mảnh đất của mình, chứ không phải làm thuê cho doanh nghiệp. Cho nên, vấn đề là làm sao để khơi dậy và để người nông dân tiếp cận được với khoa học kĩ thuật, tiếp cận nguồn vốn để đầu tư, phát triển cây mắc ca trên mảnh đất của họ, gắn với doanh nghiệp đầu tư tại vùng sản xuất.

Tôi nghĩ, bằng cả hai phương thức đó mới phát triển bền vững.

“Làm gì cũng cần có ước mơ, hoài bão”

Tóm lại, tôi ủng hộ dự án phát triển mắc ca của Tập đoàn Him Lam, còn vấn đề thực hiện, bước đi và lộ trình là yêu tố chúng ta cần phải làm rõ và cần có một quyết tâm cao nhất để cả hệ thống chính trị vào cuộc. Có như thế thì tất cả những vướng mắc, những trục trặc do yếu tố thời tiết, do diễn biến của thị trường, chúng ta sẽ tháo gỡ được trong quá trình triển khai thực hiện phát triển cây mắc ca.

Quan điểm
img
TS. Nguyễn Trí Ngọc-Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển khoa học công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây:
Tôi muốn nói với các nhà báo một ý rất quan trọng: Nhận thức là một quá trình. Tôi cũng vậy thôi. Lúc đầu, người ta cũng nói với tôi rằng đừng có đi theo bác Tạn với ông Lân Hùng mà phát triển cây mắc ca rồi sẽ lại gặp trục trặc. Lúc đó tôi không nói gì, bản thân tôi cũng muốn tự mình tìm hiểu, tự mình khẳng định xem cái đó nó đúng sai ở chỗ nào rồi lúc đó hãy nên nói. 
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, trong cơ cấu ngành nông nghiệp như hiện nay,  rõ ràng là xác định những đối tượng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân để tăng giá trị là nguyện vọng của tất cả mọi người, kể cả quản lí nhà nước, cả doanh nghiệp và người nông dân. Tuy nhiên, bất cứ đối tượng nào nằm trong đối tượng để chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế rất cần vai trò, yếu tố của cơ quan quản lí nhà nước. Chúng tôi cũng chính thức đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có những ý kiến chính thức, quan điểm thật rõ ràng về cây mắc ca, để doanh nghiệp, để địa phương và các ngành, các cấp hiểu về một chủ trương đúng đắn của chúng ta trong đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và tái cơ cấu ngành trồng trọt nói riêng, đặc biệt đối với đối tượng cây trồng mắc ca mà chúng ta đã có nghiên cứu, đã có triển khai. Mong muốn, hoài bão là rất cần thiết. Làm bất cứ một cái gì đó cũng cần có ước mơ, có hoài bão. Điều này không có nghĩa là chúng ta cứ nhắm mắt mà làm. Hoài bão để chúng ta vượt qua những khó khăn, vượt qua những trở ngại.

 

Mấy năm tôi được làm việc với bác Nguyễn Công Tạn, tôi có nghe ý tưởng của bác khi nói về bò sữa. Bác Tạn đưa ra một ý tưởng là “dòng sông sữa” mơ mộng quá đi chứ. Người Việt Nam chũng ta tại sao không có những “dòng sông sữa” để cho thế hệ tương lai được hưởng và hiện nay, các doanh nghiệp sữa đang làm được điều đó. Thế thì phát triển mắc ca có mộng mơ không? Tôi nghĩ là không mộng mơ mà đó là hoài bão chính đáng. Hoài bão đó cộng với sự sáng suốt của con người, cộng với những tư duy và những kiến thức cả về khoa học, cả về thực tiễn và tổ chức thực hiện, quyết tâm, nhất là khi các doanh nghiệp vào cuộc thực sự thì tôi tin mộng mơ đó sẽ trở thành hiện thực, cho dù điều đó không thể làm một cách đơn giản mà sẽ còn rất nhiều khó khăn...


Hoàng Sơn (lược ghi) (Trang Trại Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem