Dọc đường tác nghiệp: Chuyện “giẫm” gai bê tông trên Mã Pí Lèng

Thứ năm, ngày 07/05/2020 14:00 PM (GMT+7)
Vượt qua đoạn cuối cùng của con đường Hạnh Phúc, với một bên là hẻm vực sông Nho Quế, một bên là núi đá tai mèo trùng điệp, cuối cùng, chúng tôi cũng đặt chân tới đỉnh Mã Pí Lèng. Cuốc “phượt” Hà Giang của chúng tôi sẽ thật sự hoàn hảo nếu như không có sự xuất hiện của cái “gai” bê tông Panorama trên đỉnh Mã Pí Lèng.
Bình luận 0

Đó là những ngày cuối tháng 9/2019. Ngoại trừ TP.Hà Giang, khắp các thôn bản ở tỉnh miền núi cực Bắc này đều phủ màu vàng xuộm của lúa chín. Cúi đầu nhìn xuống triền thung lũng thấy ruộng bậc thang, ngẩng mặt nhìn về những ngọn đồi xa tít tắp vẫn thấy ruộng bậc thang. Tất cả phủ một màu vàng viên mãn.

Khi chiếc xe bán tải lăn bánh qua đoạn cuối cùng của con đường mang tên Hạnh Phúc (đoạn từ thị trấn Đồng Văn tới đèo Mã Pí Lèng), bức tranh Hà Giang lại chuyển gam màu khác. Đó là màu đen bí ẩn của cao nguyên đá, màu xanh ngọc mềm mại của sông Nho Quế uốn lượn dưới vực sâu.

Chuyện “giẫm” gai bê tông trên Mã Pí Lèng - Ảnh 1.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn chia sẻ trên Dân Việt: "Mã Pí Lèng như một bức tranh quá hoàn chỉnh mà công trình Panorama như vết mực cẩu thả dây vào".

Không hổ danh là một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam (bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ và đèo Pha Đin), cảnh thiên nhiên hùng vĩ, với núi đá gai góc trùng điệp, tương phản với dòng sông Nho Quế xanh mướt, mềm mại bên dưới khiến đoàn “phượt thủ” chúng tôi ngắm nhìn mà quên hết mệt mỏi, căng thẳng.

Nhưng khi vừa tới đỉnh Mã Pí Lèng, một hình ảnh hiện ra trước mắt chúng tôi khiến sự thán phục về cảnh hùng vĩ của non nước Hà Giang giảm hẳn. Trước mắt chúng tôi là một tòa nhà đồ sộ, giật cấp thành 7 tầng men sườn đồi, ngay hẻm vực Tu Sản, trên đỉnh Mã Pí Lèng. Nhìn từ xa, tòa nhà là một khối bê tông lớn, choán giữa một khoảng rộng xanh rợp của đỉnh đèo. Lại gần, đó là nhà nghỉ, nhà hàng treo biển hiệu Panorama.

Tại sao lại có một công trình mất mĩ quan như thế đặt ở vị trí “đắc địa” nhất trên đỉnh Mã Pí Lèng? Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), lãnh đạo tỉnh Hà Giang và Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn không lẽ lại có con mắt thiếu thẩm mĩ đến vậy, khi cấp phép xây dựng công trình Panorama? Hay là họ đã nhắm mắt khi đặt bút ký vào những văn bản phê duyệt?

Chuyện “giẫm” gai bê tông trên Mã Pí Lèng - Ảnh 2.

Công trình Panorama tọa lạc trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng.

Đó là những câu hỏi đầu tiên đặt ra trong đầu chúng tôi khi nhìn thấy Panorama trên đỉnh Mã Pí Lèng. Nhưng những nghi vấn đó hoàn toàn không đúng với thực tế khi chúng tôi làm việc với chính quyền huyện Mèo Vạc và các sở, ngành tỉnh Hà Giang. Thực tế, Panorama hoàn toàn chưa được cấp phép. Trớ trêu thay, công trình đồ sộ kia đã mọc lên trên đỉnh Mã Pí Lèng trước đó cả năm trời, với các hoạt động kinh doanh ăn uống, lưu trú kiếm lời từ khách tham quan.

Ngày 1/10/2019, bài báo “Hà Giang: Ai cho phép cắm "gai bê tông" trên đỉnh Mã Pí Lèng?” đăng trên Dân Việt đã khởi đầu cho loạt bài điều tra, phản ánh công trình trái phép, gây “ô nhiễm” cảnh quan Mã Pí Lèng, cũng là khởi phát cho hàng loạt bài báo của nhiều cơ quan báo chí khác cùng lên tiếng phản đối Panorama.

Sau loạt bài này, ngày 14/10/2019, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã ký văn bản số 4141/BVHTTDL-DSVH về xử lý công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây dựng trên đèo Mã Pí Lèng huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Chuyện “giẫm” gai bê tông trên Mã Pí Lèng - Ảnh 3.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL cho rằng đây là sai phạm cần xử lý nghiêm để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư ở địa phương và trên cả nước.

Trên cơ sở kiểm tra tình hình thực tế, đối chiếu với biên bản, bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng và kèm theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang, UBND huyện Mèo Vạc, Bộ nhận định, mặc dù công trình Panorama được xây dựng ngoài khu vực bảo vệ II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng, nhưng lại nằm trong công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn - di sản được UNESCO ghi danh (công viên cao nguyên đá Đồng Văn) với 3 quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.

“Như vậy, việc xây dựng công trình Panorama không đảm bảo đúng các nội dung yêu cầu tại quy định nêu trên, không thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh công viên cao nguyên đá Đồng Văn theo quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng văn đã được Thủ tướng phê duyệt”, lãnh đạo Bộ nêu.

Bộ VHTTDL cũng nhận thấy, xét về tổng thể thẩm mỹ, hình thức công trình Panorama không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của du khách tham quan, ảnh hưởng đến môi trường khi công trình đi vào hoạt động mà chưa có đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Đây là sai phạm cần xử lý nghiêm để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư ở địa phương và trên cả nước. Bộ VHTTDL thống nhất quan điểm và phương hướng giải quyết của UBND tỉnh Hà Giang liên quan đến công trình Panorama”, lãnh đạo Bộ khẳng định.

Tới thời điểm hiện tại, phương án không phá bỏ hoàn toàn Panorama, giữ lại một phần công trình và cải tạo thành điểm dừng chân, không có dịch vụ lưu trú đã được tỉnh Hà Giang “chốt” với chủ đầu tư. Tuy nhiên, bản thiết kế cuối cùng dành cho Panorama vẫn chưa được công bố.

Hơn ai hết, chúng tôi, nhóm PV thực hiện loạt bài về công trình trái phép trên đỉnh Mã Pí Lèng vẫn chờ đợi, theo dõi từng biến động trên di sản.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn chia sẻ trên Dân Việt: "Không có đèo nào ở Việt Nam có tầm nhìn bao quát và thoáng như Mã Pí Lèng. Dưới là sông, trên là vách núi đá rất cao. Quãng nào đi trên đèo dừng lại cũng nhìn trọn vẹn cảnh quan lộng lẫy. Nó như một bức tranh quá hoàn chỉnh mà công trình Panorama như vết mực cẩu thả dây vào".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem