“Đồng hồ” thiêng của bản làng

Thứ hai, ngày 27/06/2011 11:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Cọn nước là chiếc đồng hồ thiêng của núi rừng, nhắc cho bản làng nhớ về sự chuyển động của thời gian; nhắc cho cây lúa trên ruộng, con cá dưới suối nhớ mùa vụ sinh sôi, nảy nở...".
Bình luận 0

"... Hễ ai phá chiếc đồng hồ ấy là mang tội với Giàng..." - người già vẫn dặn dò cháu con như vậy

Truyền rằng từ thuở bản mới được lập, trai tráng còn ít, có tộc người phương xa thấy một vùng đất đai phì nhiêu đã kéo quân đến xâm lăng. Ỷ thế mình có tên bằng đồng sắc nhọn, trong khi dân bản chỉ có tên tre, họ thách thi bắn tên vào bất cứ vật gì, bên nào thua phải rút vào rừng sâu.

Đương khi cả bản hoang mang, Giàng cử một vị thần xuống mách cho dân bản cách dùng sáp ong đính vào đầu tên tre rồi gợi ý hai bên thi bắn vào đá. Tên đồng gặp đá bật ra, còn tên tre có sáp ong thì dính lại, vậy là bộ tộc nọ thua cuộc.

img
Cọn nước - hình ảnh đẹp và thân thuộc ở bản.

Sau đó, vị thần còn dạy dân bản cách đan lưới bắt cá suối, chia thửa trồng lúa và làm cọn để chủ động dẫn nước từ vùng thấp lên tưới cho ruộng cao. Từ đó trở đi, cuộc sống dân bản ngày một ấm no, cọn nước đã trở thành một phần không thể thiếu trong quy trình canh tác lúa nước của dân bản. Bản càng nhiều cọn nước càng sung túc, nhà nào cũng có ít nhất một chiếc, được gọi tên, được tính tuổi đàng hoàng.

Một chiếc cọn nước hoàn chỉnh bên bờ suối là sản phẩm của cả một quá trình lao động công phu, tỉ mẩn với bàn tay khéo léo của dân bản.

Nguyên liệu làm cọn được lựa kỹ lưỡng từ rừng sâu, trục giữa là một thanh gỗ thẳng, bền, có khả năng chịu nước. Nang cọn là những thân vầu già, tròn đều. Số nang và độ dài ngắn của nang phụ thuộc vào kích thước cọn, thường mỗi cọn có từ 40-45 nang, mỗi nang dài chừng 1,5m.

Cánh quạt cọn hình chữ nhật đan bằng nứa, độ rộng tuỳ thuộc vào độ sâu của dòng nước chảy; số lượng cánh quạt tuỳ thuộc vào nhu cầu dùng nước.

Vành ngoài cọn được cố định bằng những thân vầu già, giá đỡ cọn (còn gọi là chân ếch) là hai thanh gỗ chắc chắn được chôn sâu xuống lòng suối. Để cắm nang đều, đẹp, người ta đục trên trục cọn các lỗ giống nhau sao cho khoảng cách giữa các nang khi bám trục luôn ở khoảng 25-45cm.

Đóng vai trò tải nước lên máng là các ống nước làm bằng vầu già, được phân bố cân đối để cọn quay đều và có độ nghiêng phù hợp để tải được lượng nước nhiều nhất. Thường khi buộc ống nước nghiêng một góc khoảng 35 độ, nó sẽ giữ được nhiều nước nhất cho đến khi đổ vào máng để dẫn vào các khu ruộng...

Dưới ánh trăng hẹn thề, bên những vòng nước quay rì rầm của cọn nước, đã có biết bao đôi trai gái miền sơn cước bén duyên nhau, nên vợ, nên chồng. Và những vòng cọn quay tựa như những con người nơi đây cần mẫn lao động để xây dựng cuộc sống no ấm trên mảnh đất quê hương...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem