Giá mía lại xuống do tồn đường

Thứ năm, ngày 12/09/2013 10:22 AM (GMT+7)
Thị trường đường thời gian qua mất cân đối giữa cung và cầu quá lớn là tác nhân làm ảnh hưởng trực tiếp đến đầu ra cũng như giá cả của một mùa vụ mới, khiến người trồng mía không khỏi lo lắng.
Bình luận 0
Niên vụ mía 2013 - 2014, chuẩn bị bước vào thu hoạch rộ. Tuy nhiên, thị trường đường thời gian qua thiếu ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu quá lớn là tác nhân làm ảnh hưởng trực tiếp đến đầu ra cũng như giá cả của một mùa vụ mới, khiến người trồng mía không khỏi lo lắng.

Nhà nông phập phồng

Theo Bộ NNPTNT, vụ mía 2013 – 2014, dự kiến diện tích mía cả nước khoảng 306.000ha, tăng so với vụ trước 8.000ha; diện tích vùng nguyên liệu tập trung khoảng gần 290.000ha, trong đó diện tích các nhà máy có ký hợp đồng và đầu tư là 269.900ha (tăng so với vụ trước 4.800ha); năng suất bình quân 64 tấn/ha, sản lượng mía cả nước dự kiến 19,6 triệu tấn.

Dự báo niên vụ mía 2013 – 2014 sẽ hết sức khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp.
Dự báo niên vụ mía 2013 – 2014 sẽ hết sức khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp.

Giá mía ở mức thấp, khiến cho bà con nông dân ở vùng mía nguyên liệu với gần 10.000ha trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang những ngày qua luôn thấp thỏm lo âu. Theo bà con, vụ mía năm nay các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đưa ra mức giá ký hợp đồng bao tiêu với người dân là 830 đồng/kg cho loại mía 10 CCS (chữ đường) tại cầu cảng nhà máy, xí nghiệp (giảm từ 50 - 70 đồng/kg so với cùng kỳ).

Lão nông Nguyễn Văn Hồng ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp lo lắng: “Với giá bao tiêu như thế này thì vụ mía năm nay mức lợi nhuận của người dân rất thấp, trong khi đó giá thành sản xuất bình quân xấp xỉ từ 700 – 750 đồng/kg. Trên thực tế, rất ít nông dân đem bán trực tiếp với nhà máy, phần lớn đều qua thương lái, chính vì vậy với mức giá hợp đồng bao tiêu 830 đồng/kg, mía 10 CCS, người trồng mía sẽ chịu nhiều thiệt thòi”.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mía 200 - ông Trương Văn Hiền (ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng) cũng cho biết: “Chi phí nhân công hiện nay chiếm khoảng 60% giá thành sản xuất, nên nông dân đề nghị ngành nông nghiệp tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để giảm giá thành, tăng thu nhập cho người trồng mía”.

Theo nhẩm tính của bà con nông dân, với giá bao tiêu 830 đồng/kg thì coi như người trồng mía khó kiếm lợi nhuận, vì từ trước tới giờ ít có ai bán được bằng hoặc cao hơn giá bao tiêu. Phần lớn giá mía được các thương lái mua tại ruộng có giá thấp hơn từ 50 – 90 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: “Sở dĩ giá hợp đồng bao tiêu mía cho người dân năm nay thấp hơn cùng kỳ là do giá đường trên thị trường luôn tụt giảm, việc tiêu thụ đường của các doanh nghiệp vô cùng khó khăn và đang còn tồn kho một số lượng lớn”.

Mất cân đối cung - cầu

Về sản xuất đường, trong niên vụ mới có 40 nhà máy hoạt động. Theo kế hoạch sản xuất của các nhà máy, sản lượng mía ép là 17 triệu tấn, sản lượng đường dự kiến đạt 1,6 triệu tấn, trong đó đường luyện là 750.000 tấn.

TS Cao Anh Đương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu mía đường đề xuất: Nhà nước cần sớm ban hành Luật Mía đường hay một văn bản dưới luật cho riêng ngành mía đường. Đây là yêu cầu tất yếu đối với sự phát triển của một ngành kinh tế - xã hội hết sức đặc thù như ngành mía đường, mà hầu hết các nước sản xuất mía đường trên thế giới đều đã thực hiện và đã thu được hiệu quả rất cao.


Theo ông Đỗ Thành Liêm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tồn tại lớn nhất của ngành mía đường niên vụ 2013 – 2014 vẫn là mất cân đối cung - cầu đường và thu nhập của nông dân. Dự báo, sản lượng đường sản xuất trong nước vụ ép tới sẽ vẫn trên 1,5 triệu tấn các loại. Với mức tồn kho cao như hiện nay thì nguồn cung sẽ lớn hơn cùng kỳ vụ trước, cộng với đường nhập lậu và gian lận thương mại chưa được ngăn chặn có hiệu quả, nguy cơ nguồn cung sẽ còn lớn hơn nhiều so với niên vụ 2012 – 2013.

Theo Cục Chế biến thương mại nông lâm sản và nghề muối, lượng đường tồn tại kho các nhà máy đến ngày 15.8 là 315.010 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 136.910 tấn. Đây sẽ là áp lực rất lớn của các nhà máy đường trước khi vào vụ mới.

Theo nhận định của Sở NNPTNT các tỉnh, thành ĐBSCL: Xét bình diện chung, tuy giá nguyên liệu mía đầu vào các nhà máy đường cao nhưng thu nhập của người trồng mía không cao. Việc giảm giá mía để đảm bảo sức cạnh tranh của đường trong nước sẽ làm thu nhập người trồng mía thấp hơn nữa, điểm này chưa phù hợp. Ngược lại, nếu tiếp tục giữ giá mía ổn định để đảm bảo thu nhập cho nông dân thì sẽ khuyến khích người dân phát triển thêm mía, nguồn cung đường sau đó sẽ tăng thêm và càng làm cung vượt cầu lớn hơn, khó khăn sẽ lớn hơn cho các nhà máy. Đây là mâu thuẫn lớn cần được giải quyết.

Theo PGS - TS Lưu Thanh Đức Hải (Trường ĐH Cần Thơ): “Chính phủ, Bộ NNPTNT, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cần có chính sách và thể hiện vai trò điều tiết ngành hàng, tạo sự liên kết có lợi cho cả hệ thống, đảm bảo đủ nguồn cung đường chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường đường trong nước, tạo điều kiện cho các tác nhân trong chuỗi sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững, nhất là các nhà máy đường”.
Đức Khánh (Đức Khánh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem