Giá nhà đất TP.HCM sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19?
Quốc Hải
Thứ năm, ngày 14/10/2021 12:26 PM (GMT+7)
Dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng do nguồn cung khan hiếm, nhu cầu đầu tư bất động sản lớn đã tạo điều kiện cho các chủ đầu tư tăng giá bán ở tất cả các phân khúc. Liệu giá nhà đất ở TP.HCM sẽ tiếp tục “sốt” ở một số phân khúc ngay trong quý 4/2021?
Với tài chính tầm 2,2 tỷ đồng, chị Thùy Linh (Quận Gò Vấp, TP.HCM) đang tìm mua 1 căn nhà để ở sau hơn 10 năm ở thuê.
Sau khi TP nới lỏng giãn cách, bỏ ra 1 tuần lăn lộn khảo sát ở nhiều quận, huyện, chị nhận ra giá nhà vẫn tăng bất chấp khó khăn của dịch bệnh.
Chị Linh cho biết, hồi đầu năm, chị đi xem một căn nhà ở đường Thạnh Xuân 52 thuộc quận 12, giá 66 triệu đồng/m2. Lúc đó không đủ tiền mua, giờ quay lại chính căn nhà đó thì chủ nhà nói phải 73 triệu đồng/m2 mới bán.
"Cứ nghĩ dịch bệnh, nhiều người gặp khó khăn về tài chính thì giá nhà giảm. Nhưng thực tế giá nhà càng ngày càng tăng cao. Tôi đi chỗ nào cũng thấy tăng thêm ít nhất từ 5 - 10 triệu đồng/m2 so với thời điểm trước dịch", chị Linh nói.
Tương tự, anh Văn Nghĩa (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cũng vừa ký hợp đồng đặt cọc mua một căn hộ ở quận Bình Tân với mức giá mở bán gần 55 triệu đồng/m2. So với các căn hộ đã hoàn thiện gần đó, giá này cao hơn 8 - 10 triệu đồng/m2.
"Từ nay đến cuối năm 2021, nhiều chủ đầu tư đã bắt đầu lên kế hoạch giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Dự kiến vào tháng 1/2022, người mua có thể đến tham dự các sự kiện giới thiệu hoặc mở bán dự án của chủ đầu tư, điều này giúp thị trường bất động sản đón tín hiệu tươi sáng về cả nguồn cung và giao dịch…"
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam.
"Tôi tính mua căn hộ để cho con ở đi học đại học. Từ đầu năm đến nay, tôi khảo sát nhiều dự án nhưng muốn tìm dự án tầm 30-40 triệu đồng/m2 thì phải dạt ra vùng ven, giáp ranh Bình Dương nên rất xa trường học của con. Thôi thì quyết định mua dự án này chứ bây giờ muốn kiếm dự án mới cũng khó", anh Nghĩa nói.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá nhà đất tại TP.HCM tiếp tục tăng mạnh trong đại dịch Covid-19 là do nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu đầu tư bất động sản vẫn lớn.
Báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM quý 3/2021 của Savills Việt Nam cho thấy, nguồn cung sơ cấp với chung cư chỉ đạt khoảng 3.000 căn, mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, giảm 70% so với năm trước. Tỷ lệ hấp thụ căn hộ trong quý 3 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, với tổng lượng giao dịch toàn TP.HCM chỉ hơn 400 căn, giảm 94% so với năm 2020.
Đáng nói, do nguồn cung căn hộ hạn chế đã đẩy giá bán căn hộ trên thị trường thứ cấp tăng vọt. Trong quý 3/2021, giá căn hộ thứ cấp tăng lên đến 10% tại 11 quận huyện. Trong đó, huyện Nhà Bè có mức tăng giá bán thứ cấp cao nhất, lên tới 12%.
Còn theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, trong quý 3/2021, TP.HCM và các tỉnh phía Nam tiếp tục ghi nhận một quý có giá căn hộ và nhà liền thổ tiếp tục leo thang.
Cụ thể, giá chào bán căn hộ trung bình tại TP.HCM tăng 4% so với quý trước. Khu vực TP.Thủ Đức là địa phương có giá nhà tăng mạnh nhất với mức tăng trung bình từ 15-20%.
Trong khi đó, khu vực Bình Chánh, Bình Tân ghi nhận giá nhà tăng thêm từ 2-5% trong khi các quận, huyện khu Nam có giá nhà tăng trung bình từ 2-9% so với quý trước.
Thiếu hụt căn hộ
Nhận định diễn biến giá nhà tại TP.HCM trong quý 4/2021, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, giá sơ cấp sẽ tiếp tục đà tăng khi lượng cầu tăng ổn định và quỹ đất nội thành ngày càng khan hiếm.
Cụ thể, giá chào bán sơ cấp của phân khúc cao cấp và trung cấp dự kiến tăng trong khoảng từ 3-7% theo năm. Phân khúc hạng sang sẽ đạt mức tăng cao nhất 7-8% nhờ các dự án căn hộ có thương hiệu sắp ra mắt, trong khi giá phân khúc bình dân sẽ không có nhiều biến động do thiếu nguồn cung mới.
"Tại thị trường căn hộ, giá mở bán mới dự kiến tiếp tục tăng trong quý cuối năm dưới sức ép thiếu hụt quỹ đất và chi phí vật liệu xây dựng leo thang. Mức giá tăng khiến nguồn cầu đang dần chuyển dịch ra xa khu vực trung tâm với giá cả hợp túi tiền hơn. Xu hướng này ngày càng rõ nét trong bối cảnh thu nhập giảm sút do tác động của đại dịch", bà Dung phân tích.
Trong khi đó, theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, BĐS hiện vẫn là nơi trú ẩn tài sản vừa đảm bảo tính an toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, điều này thể hiện rất rõ trong thời gian qua khi so sánh mức độ ưu tiên đầu tư giữa BĐS và các kênh khác.
"Vì vậy, rất khó để BĐS xảy ra tình trạng mất thanh khoản và giảm giá. Thậm chí, mức giá sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu, sắt thép tăng", ông Quang nói.
Ngoài ra, về diễn biến thị trường, chuyên gia này phân tích thị trường BĐS sẽ khó khăn trong 3 tháng đầu tiên sau khi mở cửa, bởi vì sẽ có khoảng 10-20% nhà đầu tư muốn bán ra, và có khoảng 80% muốn tìm hiểu, có ý định mua vào BĐS. 2 đối tượng này sẽ giằng co với nhau, có những phân khúc có thể lên mà cũng có phân khúc sẽ giảm giá. Nghĩa là thị trường sẽ lình xình, không lên mà cũng chẳng xuống.
Giai đoạn thứ 2, từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6, thị trường sẽ nóng sốt nhẹ, sau khi ổn định thì giá BĐS sẽ tăng 15%-20% trong vòng 3 tháng. Sau đó, 6 tháng tiếp theo thị trường sẽ điều chỉnh và giảm nhẹ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.