Giảm khiếu kiện nhờ biết luật

Chủ nhật, ngày 12/12/2010 20:01 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là khẳng định của các đại biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 01/1999/NQLT giữa Bộ Tư pháp với Bộ VH-TT&DL, Bộ NN&PTNT, Uỷ ban Dân tộc và T.Ư Hội NDVN về phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tổ chức tại Hà Nội ngày 10-12.
Bình luận 0
img
Các luật sư của Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự tư vấn pháp lý cho nông dân tại trụ sở Báo NTNN.

Đưa luật về với nông dân

Bà Bế Thị Yến - Trưởng Ban Kiểm tra (T.Ư Hội NDVN) chia sẻ: “Một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả là các cấp Hội tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức sân khấu, với các tình huống trong cuộc sống hàng ngày, xây dựng CLB ND với pháp luật ở cơ sở, thôn, bản... Đến với hội thi, sinh hoạt CLB, ND vừa giải trí, vừa tiếp nhận kiến thức pháp luật”.

Một số cơ quan, đơn vị căn cứ vào điều kiện, đặc điểm của địa phương để xây dựng nội dung, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ND. “Một trong những tiêu chuẩn cán bộ công tác ở miền núi của Thanh Hoá là phải biết tiếng dân tộc. Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng các tài liệu tiếng Việt, cán bộ phải dùng tiếng dân tộc để giải thích, hướng dẫn cho người dân”- ông Phạm Văn Phượng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hoá cho biết.

img
 

Nếu các tỉnh miền núi phía Bắc lấy chợ phiên, thì tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chùa Khmer là địa điểm để tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Ông Kim Hồng Danh - Phó Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh chia sẻ: “Chùa là thiết chế không thể thiếu đối với phật tử Nam Tông. Sư sãi thường là người có học cao, hiểu rộng.

Tập huấn kiến thức luật cho sư sãi để họ phổ biến lại cho bà con phật tử là cách để luật đến với người dân nhanh nhất...”. Nhiều đơn vị, địa phương đã xây dựng nội dung tuyên truyền pháp luật phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường nơi người dân sinh sống.

Ông Y Rít Buông Yă - Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk cho biết: “Bảo vệ và phát triển rừng” là luật được ngành kiểm lâm tập trung tuyên truyền, phổ biến mạnh trong những năm qua. Tình trạng cháy rừng, diện tích rừng bị phá giảm theo từng năm cũng nhờ ND biết và hiểu luật, ký cam kết không vi phạm lâm luật...”.

Mỗi thôn, bản nên có tủ sách pháp luật

Theo báo cáo, đến nay, 63/63 tỉnh thành đã lập được Trung tâm trợ giúp pháp lý cấp tỉnh và 140 chi nhánh cấp huyện; xây dựng 4.000 CLB trợ giúp pháp lý cấp xã; trợ giúp pháp lý 1,3 triệu vụ việc cho 1,4 triệu lượt đối tượng; xây dựng được 11.390 tủ sách pháp luật cấp xã; hình thành hơn 115.400 tổ hoà giải với gần 612.900 hoà giải viên...

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả thực tế, việc thực hiện?nghị quyết liên tịch cũng còn một số hạn chế. Theo bà Bế Thị Yến, để khắc phục những hạn chế đó, thời gian tới, nhà nước cần tăng đầu tư cho hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý, nhất là tư vấn, trợ giúp pháp lý lưu động tại vùng cao, miền núi, vùng đồng bào DTTS; tập huấn kiến thức luật cho thành viên chủ chốt các CLB ND với pháp luật.

Ông Kim Hồng Danh - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, đề xuất: “Tài liệu tuyên truyền pháp luật phải được biên soạn cần dễ hiểu hơn, có hình ảnh minh hoạ và trình bày bằng các tiếng dân tộc.

Bà con Khmer nói, đọc được tiếng Việt, nhưng các khái niệm về pháp luật, chính trị, khoa học kỹ thuật không hiểu. Cần phải diễn giải bằng tiếng Khmer...”. Bà Vũ Thị Giang - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Ninh, đề nghị: “Nhà nước cần hoàn thiện tủ sách pháp luật ở xã, tiến tới xây dựng tủ sách pháp luật ở thôn, bản. Người dân càng tiếp cận với tài liệu pháp luật, nông thôn sẽ dân chủ...”.

Tuyên truyền pháp luật đến vùng cao còn hạn chế

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu ra những tồn tại, khó khăn như: Hoạt động phối hợp giữa 5 ngành ký Nghị quyết liên tịch số 01 ở một số địa phương tuy đã có chuyển biến nhưng chưa thường xuyên, chặt chẽ. Tổ công tác thực hiện kế hoạch liên tịch ở một số địa phương còn mang tính hình thức. Một số bộ, ngành được giao chủ trì các hoạt động trong nội dung của nghị quyết đã chưa chủ động, quan tâm tổ chức chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan hữu quan để triển khai. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mới chỉ thực hiện có kết quả ở cấp tỉnh, cấp huyện và một số xã, phường, thị trấn vùng thấp. Đối với các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa thì việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tuy có tiến bộ hơn nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, pháp luật chưa đến được với đông đảo người dân mà chủ yếu chỉ đến được tới cán bộ xã, một số trưởng thôn, bản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem