Góc Phạm Xuân Nguyên: Từ chuyện “đạo” tranh

Chủ nhật, ngày 18/12/2011 19:45 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đạo văn chương nghệ thuật tại sao? Câu hỏi nhức nhối này lại được đặt ra trước vụ việc bức tranh “Chờ xử lý” của tác giả Đỗ Trung Kiên bị kết luận là “đạo” lại bức tranh “Phượt 2” của họa sĩ Nguyễn Quang Hải và đã bị loại khỏi Festival Mỹ thuật Trẻ 2011.
Bình luận 0

Nói là “lại” vì đây không phải lần đầu tiên xảy ra chuyện này, và cũng không phải chỉ trong ngành mỹ thuật mới có. Chuyện đạo văn, đạo nhạc đã có lúc khiến dư luận bùng lên phẫn nộ, bức xúc. Tại sao lại có chuyện đạo trắng trợn và thản nhiên đến vậy trong một lĩnh vực hoạt động sáng tạo rất đề cao, coi trọng cái riêng, cái độc đáo, mới lạ...?

Phải nói ngay đó là tại các tác giả đạo văn, đạo nhạc, đạo tranh đã không có được phẩm chất nghệ sĩ đích thực. Phẩm chất nghệ sĩ bắt đầu từ tư cách của con người, từ nhân cách của một công dân, không thể cho phép mình dù là trong ý nghĩ chứ chưa nói thể hiện ra việc làm sự vay mượn ý tưởng của người khác một cách khuất tất, lấp liếm.

Một từ dùng lại, một câu trích dẫn, một nét nhạc, một bố cục tranh nếu chịu ảnh hưởng của ai, được gợi ý từ đâu, đều phải được dẫn giải, nói rõ. Cả một bức tranh bày trong nhà triển lãm, phơi ra trước con mắt của bao nhiêu người xem, mà sao chép, “nhái” lại một tác phẩm khác thì sao có thể nghĩ là không bị phát hiện, bị lật tẩy.

Phẩm chất nghệ sĩ buộc người sáng tạo phải trung thực tuyệt đối trước tác phẩm của mình. Hành động làm hàng giả, hàng nhái, “đạo” ý tưởng cả người khác thực chất là một sự ăn cắp. Và khi đã ăn cắp thì không còn là nghệ thuật và nghệ sĩ nữa. Đó là sự báo động cho phẩm chất nghệ sĩ của một số người.

Nhưng mặt khác, để xảy ra hiện tượng xấu này, để một số người sáng tạo giá trị tinh thần cam tâm làm hàng giả như vậy, còn là tại bởi môi trường nghệ thuật, rộng ra là môi trường văn hóa, của chúng ta hiện nay còn chưa được trong sáng, trong sạch, trong lành.

Ở một môi trường rất cần thiết và cần phải được bảo đảm cao nhất giá trị tinh khiết nghệ thuật nhưng vẫn còn những sự chấp nhận, dung túng cái giả, cái xấu, hoặc là những cái nhàn nhạt, tầm thường.

Hội đồng nghệ thuật của Festival Mỹ thuật Trẻ 2011 đã kịp thời đình chỉ bức tranh nhái, không cho treo trong triển lãm, nhưng đó chỉ mới bước đầu. Bởi vì không cho treo tranh ở triển lãm thì nó vẫn còn, không cho phát hành sách giả, sách đạo thì nó vẫn còn, và “để lâu cứt trâu hóa bùn”, cái giả thành cái thật và tồn tại ngang nhiên như cái thật.

Đó mới là hiểm họa lâu dài cho cả đời sống tinh thần của xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem