Hà Nội: Lợn "khoả thân" đi trên đường, gà nguyên lông bán đầy chợ
Hà Nội: Lợn "khoả thân" đi trên đường, nhiều nơi bán gà nguyên lông, cấm mãi không ăn thua
Thiên Hương
Thứ tư, ngày 25/05/2022 12:02 PM (GMT+7)
Đó là thực trạng được ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội thẳng thắn chỉ ra tại Hội nghị "Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi", do Sở NNPTNT Hà Nội, phối hợp Hội Chăn nuôi Hà Nội tổ chức sáng 25/5.
Hà Nội vẫn còn lợn "khoả thân", nhiều nơi bán gà nguyên lông
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Hà Nội có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn vào top đầu cả nước. Theo ước tính, đến tháng 4/2022, Hà Nội có 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 6.515 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ; 190.608 hộ chăn nuôi. Trong đó, tổng đàn trâu bò là 169.586 con, tăng 3,1% so với năm 2021.
Tổng đàn lợn 1.341.244 con, giảm 14,9% so với năm 2021, tính riêng đàn lợn sinh sản tăng 19,3% so với cùng thời điểm năm 2021. Đàn gia cầm 38,6 triệu con, giảm 5,2% so với năm 2021. Đàn dê 15.507 con, tăng 7,9%; đàn chó, mèo 438.390 con, giảm 5% so với năm 2021.
Đáng chú ý tuy số đầu con giảm, nhưng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 4 tháng đầu năm 2022 đều tăng. Ví dụ sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước tính 630 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước tính 3.700 tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước tính 77.000 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ...
Việc áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi ngày càng được quan tâm. Trên địa bàn thành phố đã hình thành 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 39 mô hình chăn nuôi. Hiện có 9 doanh nghiệp đang tham gia đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như Japfa, CP, Dabaco, CJ Việt Nam, Minh Long, Công ty CP Giống gia súc Hà Nội…
Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố nhờ tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, mang lại thu nhập cao hơn so với sản xuất truyền thống.
Ông Sơn cho biết, điểm nổi bật nhất trong ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi của Hà Nội thời gian qua là sản xuất con giống. 100% số lợn giống tại các trang trại là lai ngoại (Landrace, Yorshire, Duroc..., được thụ tinh nhân tạo giống cao sản Duroc, Pietrain...); 100% trang trại gia cầm nuôi giống lai có năng suất cao, như: Isa, Sasso, Brown, Ai Cập, Ross 308, Hubbard lai gà Mía…
Các trang trại bò sữa, bò thịt cũng sử dụng 100% giống được lai tạo với các giống lai cao sản, như: Lai Sind, Brahman, Droughtmaster, BBB, Angus... Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo bò sữa đã đạt 100%, bò thịt đạt trên 80%. Một số trại đã sử dụng tinh phân ly giới tính giống HF thuần chủng, cấy truyền phôi, với 2 cơ sở sản xuất tinh đông lạnh trâu, bò… Nhờ đó, chất lượng con giống của Hà Nội gần như cao nhất cả nước.
"Đây là tiền đề quan trọng để ngành chăn nuôi Hà Nội có những bước đột phá về năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước đây, muốn ăn thịt bò Kobe thường phải nhập khẩu, giá rất đắt đỏ 6-7 triệu đồng/kg, thì nay Công ty CP giống gia súc Hà Nội đã nuôi được bò Kobe, giá chỉ khoảng 4 triệu đồng/kg" – ông Sơn nói.
Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, ngành chăn nuôi Thủ đô đã đạt được 5 điểm nhấn quan trọng, đó là xây dựng được 76 xã chăn nuôi trọng điểm; phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất giống, cung cấp giống cho các tỉnh, để các tỉnh cung cấp thương phẩm cho Hà Nội; đang hình thành nhiều cơ sở chăn nuôi hữu cơ; chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm tử A- Z (như HTX Hoàng Long); hình thành các cơ sở giết mổ tập trung (như Vạn Phúc công suất 2.000 con lợn/ngày, Chương Mỹ 800 con/ngày, Minh Hiền (Thanh Oai) khoảng 600 con/ngày...).
Tuy nhiên, ông Sơn cũng chỉ rõ những điểm yếu của ngành chăn nuôi Hà Nội.
"Trên địa bàn đã hình thành các cơ sở giết mổ tập trung, dù rất khó nhưng cũng đã có kết quả ban đầu. Tuy nhiên phải thừa nhận một điều, Thủ đô nhưng vẫn còn cảnh thịt lợn, thịt bò mổ trên sàn nhà, lợn "khoả thân" chở đi khắp nơi. Tình trạng bán gà nguyên lông còn rất phổ biến ở các chợ cóc, chợ truyền thống. Vấn đề này đã nói mãi, cấm mãi nhưng không ăn thua" – ông Sơn nói.
Dự và chỉ đạo hội nghị, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay chúng ta đã có Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi.
"Chính sách đúng và rất ý nghĩa, nhưng đúng là hiện nay việc triển khai thực tiễn vẫn còn hạn chế, khó khăn. Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn lực cả về con người và tài chính. Trong đó, vốn cho sản xuất công nghệ cao lớn hơn nhiều so với sản xuất truyền thống. Có chính sách mà không có tài chính thì làm gì cũng khó" - ông Chinh chia sẻ.
Bài toán của ngành chăn nuôi hiện nay vẫn là phát triển theo 2 con đường: Vừa phát triển chăn nuôi công nghệ cao, vừa phát triển chăn nuôi trang trại, hộ gia đình. Ngay cả các nước phát triển cũng vẫn phải áp dụng mô hình này.
"Trong tương lai, chăn nuôi công nghiệp sẽ ngày càng phát triển, phổ biến hơn, nhưng người nông dân thì rất khó áp dụng. Vì vậy, bà con phải chọn con đường khác. Một là từng bước chuyển chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gia cầm để sử dụng hiệu quả thức ăn hơn, xử lí môi trường dễ hơn. Hai là, chuyển từ chăn nuôi con ăn tinh bột sang chăn nuôi con ăn cỏ để tận dụng phụ phẩm ở nông thôn, thức ăn xanh như trâu bò, dê, ngựa... Còn nếu vẫn chăn nuôi lợn, gia cầm, thì nên chọn các giống vật nuôi đặc sản, bản địa, để ít phải cạnh tranh" - ông Chinh nhấn mạnh.
Ông Chinh nói thêm, nông dân muốn đi xa, bền vững phải đi thành "đoàn". Đó là tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi kiểu mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.