|
Ngọc Lan (vai Thu Lê) và NSƯT Ái Như (vai bà Hai) trong vở “Nửa đời ngơ ngác” |
Dựng vở kịch như chơi dao hai lưỡi
Quyết định rời sân khấu kịch Idecaf vào cuối năm 2009 của NSƯT Thành Hội và NSƯT Ái Như đã một thời gian làm đồng nghiệp, khán giả thấy tiếc nuối. Nhưng họ không rời xa sàn diễn, tháng 2-1010, một sân khấu kịch mới toanh khai trương ở 36 Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM - sân khấu Hoàng Thái Thanh chính là nơi để Thành Hội và Ái Như tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ.
Lần lượt nhiều vở diễn của sân khấu Hoàng Thái Thanh ra mắt như “Trần gian phải có tình yêu”, “Mùa đông cuối cùng”, “Người trong cõi nhớ”... đã được khán giả nồng nhiệt đón nhận. Và từ 31-10 tới, đạo diễn, NSƯT Thành Hội sẽ công diễn vở mới nhất mà anh dàn dựng từ truyện ngắn “Chiều vắng” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư mang tên “Nửa đời ngơ ngác”.
Vở “Nửa đời ngơ ngác” được chuyển thể bởi tác giả Trần Mỹ Trang, Hoàng Thái Thanh; NSƯT Thành Hội đạo diễn, sẽ công diễn từ 31-10 tại sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (TP.HCM).
Vai bà Hai, một người mẹ vì quá thương con nên dẫn đến những hành động tàn ác, do nghệ sĩ Ái Như thủ diễn.
Các vai diễn khác gồm có Ngọc Lan (Lê), Quang Thảo (Hết), Như Phúc (Lan vẹo), Kim Phước (vợ Hết), Công Hiển (Lụm – con nuôi Tư Nhớ).
Dựng truyện ngắn của Ngọc Tư thành kịch không dễ, bởi văn của chị thường không nhiều xung đột hay nút thắt, cứ bàng bạc, mênh mang nhưng chứa đựng trong đó rất nhiều trải nghiệm và sự lắng đọng.
Thành Hội tâm sự: “Khi đã tìm được “chìa khóa” để mở cánh cửa vào “Chiều vắng”, chúng tôi hồ hởi như trẻ con. Ái Như đảm nhận vai bà Hai, còn tôi không diễn vai nào, toàn tâm cho công tác đạo diễn, vì dựng kịch dựa theo văn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là một con dao hai lưỡi. Khán giả đã đọc văn thì khó mà chấp nhận sự hư cấu nếu không hợp lý, hợp tình, còn khi chưa đọc, xem kịch thấy nhàn nhạt, thiếu chất văn thì đó là lỗi của đạo diễn”.
Thêm những thương yêu
“Chiều vắng” là câu chuyện về mối quan hệ của vài gia đình trong một xóm nhỏ, là mối hận thù tưởng như không bao giờ xóa nhòa của cậu Tư Nhớ với bà Hai - người mẹ của dì Ba Thu Lê, vợ cậu. Tư Nhớ và Thu Lê thương nhau nhưng bà Hai không chịu. Roi đòn không ngăn được trái tim người con gái 20 tuổi, Thu Lê trốn nhà theo Tư Nhớ rồi “khép nép đi bên cạnh chồng, mắt ráo lơ, ngó vô nhà như thể nước lã người dưng”.
Bà Hai vu cho cậu Tư Nhớ đưa người vượt biên, cậu bị bắt giam 40 ngày thì được giải oan, nhưng khi trở về, mái ấm với người vợ bắt đầu cấn thai đã không còn gì nữa. Dì Ba Thu Lê bị mẹ buộc phải phá thai, rồi gả cho người xứ khác, cậu Tư Nhớ khùng khùng, gặp bà Hai là tránh qua đường khác, cùng lắm chạm mặt thì hằn học, mỉa mai: “Thưa má!”.
Tác giả kịch bản và đạo diễn cũng đã quyết định thay đổi kết thúc khá mơ hồ, buồn bã trong truyện thành một cái kết có hậu hơn. Vở diễn đánh dấu sự trở lại xuất sắc của Hồng Ánh sau gần hai năm chuyên tâm cho việc học điện ảnh. Vai Út Lý của Hồng Ánh là sợi dây gắn kết câu chuyện trong vở diễn, tình cảm hồn nhiên mà sâu sắc của Lý đã cảm hoá trái tim hận thù của Tư Nhớ (Trí Quang).
Diễn viên Hồng Ánh cho biết: “Những khán giả đã từng khóc khi đọc truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chắc chắn sẽ dành nhiều tình cảm cho vở kịch này. Lòng thù hận của con người dù có cao như núi cũng không phải là không thể nào hóa giải, chỉ cần mỗi người chịu xích lại với nhau một chút, thương nhau nhiều hơn một chút, nghĩ đến nhau nhiều hơn”.
Hương Duyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.