Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã lên tiếng cảnh báo EU rằng trong các cuộc tấn công tiềm ẩn, bọn khủng bố có thể sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học. Người đứng đầu cơ quan cảnh sát của EU là Rob Wainwright cũng khẳng định, nguy cơ tấn công khủng bố mới ở các nước châu Âu là có thật.
Phần lớn các loại vũ khí truyền thống của IS đã được sản xuất trong giai đoạn những năm 1970 - 1990. Ảnh: Sputnik
Ngày 8.12, trang tin Sputnik dẫn báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) cho rằng, bọn IS đang sử dụng hàng loạt vũ khí đã được đưa vào Iraq không có kiểm soát trong những thập kỷ vừa qua. Theo Sputnik, kết quả phân tích hàng ngàn video và hình ảnh cho thấy các chiến binh sử dụng vũ khí của khoảng 25 quốc gia.
Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng số lượng lớn vũ khí của những kẻ khủng bố đã từng được Mỹ và các đồng minh, cũng như Nga và các nước khác thuộc Liên Xô (cũ) cung cấp đến khu vực vào thời gian nào đó. Trong báo cáo nêu phần lớn các loại vũ khí truyền thống của IS đã được sản xuất trong giai đoạn từ những năm 70 đến những năm 90 của thế kỷ trước.
Trong khi cuộc chiến chống khủng bố đang ngày một mở rộng, mặc dù các quốc gia EU vẫn tiến hành các hoạt động trao đổi thông tin một cách đều đặn nhưng chưa thực sự khai thác hiệu quả các diễn đàn an ninh chung, như Hệ thống thông tin Schengen (SIS), Cảnh sát châu Âu (Europol) hay Cảnh sát quốc tế (Interpol).
Một tài liệu mật của IS bị rò rỉ được đăng trên tờ Guardian ngày 8.12 cho thấy, IS đang có kế hoạch thành lập và quản lý quốc gia, theo đó mục tiêu đầu tiên là xây dựng các nhà máy sản xuất thực phẩm cho quân đội và người dân địa phương, lập các “vùng cách ly an toàn” để đáp ứng các nhu cầu ở địa phương.
|
Theo ông Gilles de Kerchove- Điều phối viên EU về chống khủng bố, liên minh này cần tiến hành các giải pháp toàn diện hơn nữa, trong đó có việc kiểm soát đồng bộ sự lưu thông tại các khu vực biên giới ngoài khối Schengen. Nhận định về tiềm lực của IS, ông Kerchove cho rằng, mặc dù IS vẫn tiếp tục cho thế giới thấy tổ chức này mới là kẻ chiến thắng nhưng vẫn không thể che lấp sự suy yếu thực tế trong thời gian qua. Khi IS càng yếu, xu hướng lên kế hoạch tấn công khủng bố ở các nước trong khối liên minh chống IS càng tăng.
Theo phân tích của ông Kerchove, IS đã có những dịch chuyển hành động tại Libya. Ông này cho rằng, đối với IS, Libya là một mối quan tâm lớn bởi đây là quốc gia gần với châu Âu hơn là Syria và Iraq. Vấn đề “chiến binh nước ngoài trở về” đặt ra nguy cơ đối với an ninh nội bộ của EU cũng như đối với các nước xung quanh Địa Trung Hải.
Theo ông Kerchove, bên cạnh khía cạnh thực thi pháp luật và các chính sách đối ngoại của EU, cuộc chiến chống khủng bố phải được thực hiện thông qua việc phòng ngừa, như chống hành động bài xích đạo Hồi, phát triển đạo Hồi châu Âu hoặc thông qua các chương trình như trao đổi sinh viên của EU nhằm gián tiếp chống cực đoan bạo lực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.