Tôi sung sướng đón nhận những phong bao lì xì của người lớn và háo hức chờ ông nội tôi - một ông giáo già mang nghiên mực ra để khai bút đầu xuân.
Cái khoảnh khắc sau giao thừa thiêng liêng, ông tôi trịnh trọng đóng áo the, khăn xếp, thắp lên bàn thờ gia tiên một nén trầm hương thơm nghi ngút. Rồi ông xếp bút, nghiên mực lên sập gụ giữa nhà, gọi con cháu lại và chuẩn bị khai bút.
Khai bút đầu xuân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Trước khi đặt bút viết, bao giờ ông tôi cũng giải thích cặn kẽ cho lũ trẻ con, cả những ông bố bà mẹ trẻ của chúng tôi ý nghĩa sâu đẹp của tục khai bút. Ông nói: “Đầu xuân năm mới: quan thì khai ấn, thương thì mở hàng, nông thì khai canh, sĩ thì khai bút. Nét chữ khởi đầu cho một năm thường mang theo sự cầu phúc an lành, may mắn”. Có năm, ông tôi chọn đôi câu đối để khai bút, có năm ông làm cả một bài thơ đọc cho con cháu nghe, rồi có năm ông chỉ viết một chữ đen trên nền giấy đỏ- chữ Tâm...
Sau này lớn lên theo nghề chữ nghĩa, tôi có đọc rất nhiều tài liệu liên quan đến tục khai bút đầu xuân. Người ta tin rằng, khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp...Việc khai bút như “ký gửi” vào thời khắc đầu tiên của một năm lời nhắc nhủ mình và mọi người với những mong muốn hy vọng về tương lai tốt đẹp.
Ngày nay, việc khai bút đã khác xưa nhiều lắm. Hình ảnh những cụ đồ khăn xếp áo the với mực tàu và giấy đỏ chỉ bắt gặp đâu đó trên một vài con phố cũ chốn Hà Thành. Người ta đi xin chữ nhiều hơn viết chữ. Cách khai bút đầu xuân tuy không còn trịnh trọng và nghiêm trang nhưng vẫn được rất nhiều người trẻ coi đó là một việc nên làm, cần làm vào thời khắc quan trọng của một năm.
Tôi đã bắt gặp những dòng khai bút viết vội trên một vài blog cá nhân, mạng xã hội. Những người làm kinh doanh hy vọng một năm “buôn may bán đắt”; những bà mẹ trẻ khoe bận rộn với mâm cơm ngày tết cũng viết một vài dòng sau khi làm lễ giao thừa. Họ cầu mong cho gia đình hạnh phúc, con cái khoẻ mạnh. Những sinh viên, học sinh thì... viết dài hơn bình thường, những lời mong mỏi của lòng họ trong năm mới.
Tại nhiều vùng “đất học” nổi tiếng như Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An... tục khai bút đầu xuân không chỉ là của riêng một nhà, một người... nó còn trở thành phong tục truyền thống của cả một miền quê hiếu học. Lễ khai bút đầu xuân của vùng đất Kinh Dương (Kiến Thụy, Hải Phòng); hay Lễ Khai ấn đền Trần (Nam Định)... luôn được rất nhiều người quan tâm tìm đến.
Tuy thời thế có sinh nhiều... biến tướng nhưng tục khai bút đầu xuân vẫn như một nét đẹp tâm linh, thiêng liêng và giàu giá trị thẩm mỹ của người Việt.
Tùng Anh (Tùng Anh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.