Khám, chữa bệnh miễn phí cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo để trả ơn đời

Hữu Ký (Dòng đời) Thứ tư, ngày 05/11/2014 15:53 PM (GMT+7)
Không có một đồng lương, không có trợ cấp hay các khoản phí dịch vụ khám, chữa bệnh nhưng vị lương y 61 tuổi vẫn đều đặn 1 tuần 3 ngày đến cơ sở khám, chữa bệnh để giúp người nghèo. Công việc thầm lặng đó không chỉ là niềm vui mà còn là trách nhiệm của ông đối với xã hội và đối với món nợ mà ông đã trót mang ở thời thanh niên. 
Bình luận 0
Ông là lương y Phùng Văn Cưng (61 tuổi), Trưởng phòng khám đông y miễn phí đình Xuân Thới Thượng (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn). Những năm qua tên của ông không còn xa lạ bởi ông đã khám, chữa bệnh cho hàng ngàn lượt bệnh nhân nghèo mà không lấy đồng tiền công nào. 

Làm để “trả nợ” đời

Vào một ngày cuối tháng 10, ghé thăm phòng khám đông y miễn phí đình Xuân Thới Thượng, chúng tôi được lương y Phùng Văn Cưng (còn gọi thầy Bảy) tiếp đón nồng hậu dù ông rất bận. Biết chúng tôi là nhà báo ông e ngại nói: “Tôi và anh em ở đây ngại lên báo lắm. Trước đây cũng có mấy lần có đài truyền hình, phát thanh xuống phỏng vấn. Sau mỗi lần như vậy thì lượng bệnh nhân đến càng lúc càng đông hơn, phòng khám đang quá tải. Anh em không sợ vất vả nhưng áy náy nhất là người đến đông, không đủ thuốc phát”. 
img Lương y Phùng Văn Cưng đang khám bệnh cho người nghèo. (Ảnh: Hữu Ký)

Thầy Bảy cho biết phòng khám làm việc vào các ngày thứ 3, thứ 6 và Chủ nhật hàng tuần. Bệnh nhân ngoài người dân địa phương còn có ở nhiều nơi khác đến khám, chữa bệnh. Vì vậy vào những ngày ít khách thì phòng khám này cũng có từ 30 – 40 lượt người đến khám, châm cứu và lấy thuốc. Còn những ngày đông khách thì lượng khách đến hơn 70 người. Do đó mọi người trong phòng khám dường như hoạt động liên tục, thỉnh thoảng chỉ được nghỉ vài phút rồi lại tiếp tục công việc. Quả thật đúng như ông nói trong thời gian tiếp chúng tôi ngoài 1 giờ đồng hồ, phòng khám đã tiếp nhận hơn 20 lượt bệnh nhân. Câu chuyện trao đổi giữa chúng tôi và ông thường xuyên bị gián đoạn bởi cứ 5 – 10 phút, ông lại chạy đi khám cho bệnh nhân. 

Chia sẻ về nghề, thầy Bảy cho biết đối với nghề lương y thường thì cha truyền con nối còn với ông thì lại khác. Ông đến với nghề khi gia đình không có ai làm nghề này mà do một cơ duyên. Đó là vào khoảng những năm 1970, ông đang tuổi thanh niên nhưng thường xuyên bị bệnh. Ông phải nằm điều trị thường xuyên và uống đủ loại thuốc tây tại Bệnh viện Sài Gòn mà vẫn không hết bệnh. Tình trạng này kéo dài cho đến khi ông được giới thiệu đến trị bệnh bằng phương pháp đông y tại một ngôi chùa nhỏ ở Nhà Bè (nay thuộc Q.7). Tại đây sau một thời gian uống thuốc nam và điều trị ông đã hết bệnh. 

Từ đó ông luôn suy nghĩ phải trả “món nợ” này bằng cách khám, chữa bệnh cho người khác. Thay vì về nhà ông lại theo vị lương y ở chùa phụ việc hàng ngày như cắt thuốc, bốc thuốc. Từ công việc đó ông cảm thấy yêu nghề đông y đến kỳ lạ rồi quyết tâm theo học nghề. Vốn đã có căn bản là biết nhiều loại thuốc trong lúc phụ việc ở chùa nên ông học rất nhanh. Mặc dù vậy phải mất đến 7 năm ông mới hoàn thành được các chứng chỉ về đông y. Sau đó ông về hành nghề đông y tại quận 12 (hiện ông cũng là Chủ tịch Hội Đông y quận). 

Đến tháng 9.2006 do thấy nhu cầu khám chữa, bệnh của người dân nghèo cao ông cùng một số lương y có tâm xin thành lập phòng khám đông y miễn phí đình Xuân Thới Thượng tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn và cũng chính là quê nhà của ông. Cũng từ đây ông bắt đầu hành trình khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. “Đến với cái nghề này cũng là cái duyên. Nhờ có đông y mà tôi được hết bệnh nên tôi đến với nghề và làm công việc khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo cũng xem như trả lại món nợ đời. Có làm như vậy tôi mới cảm thấy cuộc sống nó thanh thản, có ý nghĩa” - ông nói. 

Nhiều người nghèo quá nên không đành tâm bỏ cuộc

Theo thầy Bảy trong suốt 8 năm hoạt động, phòng khám không lấy một đồng phí của bệnh nhân. Hoạt động của phòng khám là do các lương y tự đóng góp tâm huyết, công sức và tiền của. Tại đình có thùng công đức, Ban quản lý đình quyết định lấy một phần tiền công đức ít ỏi đói để nấu bữa cơm trưa cho các lương y và nhân viên phòng khám trong những ngày khám bệnh. 
img Đường vào phòng khám chữa bệnh miễn phí của ông Cưng. (Ảnh: Hữu Ký)

Thầy Bảy cho biết các lương y và Ban quản lý đình đã cố gắng xây dựng từ 1 phòng khám bệnh ban đầu bằng tường gạch, mái tôn đến nay nâng lên thành 4 phòng khám với hàng chục giường bệnh để khám. Tính trung bình mỗi tháng phòng khám này khám và chữa bệnh miễn phí cho hơn 500 lượt bệnh nhân nghèo. Như vậy một năm ước tính phòng khám cũng có hơn 6.000 lượt bệnh nhân. 

Tuy nhiên do bệnh nhân càng ngày càng đông nên hiện nay phòng khám đang quá tải, nhất là thiếu thuốc men. Theo thầy Bảy mỗi bệnh nhân đến phòng khám đều được phát thuốc miễn phí mang về dùng trong 6 ngày. Để có thuốc phòng khám phải thường xuyên huy động nguồn đóng góp của người dân. Những lúc chuẩn bị hết loại cây thuốc nào thì nhân viên phòng khám đều ghi lên bảng thông báo cần loại cây đó để người dân thu gom đóng góp giúp phòng khám. “Tại khu vực còn nhiều loại cây thuốc để trị bệnh, nhiều người không biết nên bỏ đi. Chúng tôi thấy vậy nên ghi thông báo để người dân thu gom về để bào chế thành thuốc trị bệnh. Người dân biết phòng khám khó khăn nên nhiệt tình tìm giúp cây thuốc. Nhờ vậy mà có nguồn thuốc để duy trì” - ông nói. 
Nói về hoạt động của phòng khám, ông Trương Văn Suối, thành viên Ban chủ nhiệm đình Xuân Thới Thượng cho biết phòng khám đang ngày càng quá tải và thiếu thuốc. Theo ông thành viên phòng khám người thì ở Bình Tân, Q.12, Phú Nhuận, Củ Chi…nhưng vẫn đều đặn đến làm công việc của mình. Dù đang khó khăn nhưng mọi người cũng cố gắng duy trì phòng khám để người dân nghèo còn có nơi tìm đến khám, chữa bệnh.  

Nhưng đây chỉ là một số loại đơn giản, nhiều loại thuốc ông và các lương y phải tìm mua về để phát miễn phí như đỗ trọng, huyết rồng, dây gấm, dây gùi, thiên nhiên kiện,… Bởi vậy ông nói ngoài có tâm, có chuyên môn, thì các lương y của phòng khám phải có kinh tế thì mới làm được: “Chúng tôi cũng phải gom góp từng đồng để mua thuốc về phát cho người bệnh. Do hoạt động khó khăn, nhiều lần anh em nản định bỏ cuộc nhưng thấy nhiều người nghèo quá, khổ quá anh em lại không đành. Chúng tôi lại tự động viên nhau tiếp tục công việc. Không biết phòng khám duy trì đến bao giờ nhưng khi còn có sức, còn khả năng thì vẫn cố để duy trì.”.

Cũng theo ông, người thân của ông rất ủng hộ công việc này. Đặc biệt ông có hai người con đều theo nghề đông y, có khả năng nối nghiệp ông nên đó là một nguồn động viên lớn để ông tiếp tục công việc làm từ thiện của mình.  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem