Khó vẫn phải làm vì quyền lợi của hội viên

Trương Hồng (thực hiện) Thứ bảy, ngày 12/12/2015 08:55 AM (GMT+7)
“Việc giám sát, thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp (VTNN) mới triển khai trên địa bàn Quảng Nam 2 năm, nhưng Hội Nông dân (ND) tỉnh quyết tâm thực hiện để nông dân (ND) không còn lo mua phải phân bón rởm nữa…” - ông Trần Thanh Liên - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam chia sẻ với NTNN.
Bình luận 0

Thời gian qua, các cấp Hội ND trong tỉnh đã triển khai việc giám sát, thực hiện chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN như thế nào, thưa ông?

img

Đoàn giám sát do Hội ND tỉnh Quảng Nam chủ trì thực hiện giám sát VTNN tại 1 đại lý phân bón trên địa bàn huyện Núi Thành.  Ảnh: T.H

- Qua 2 năm triển khai có sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của cấp trên về chuyên môn, sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan, ban ngành ở tỉnh, tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN, nhất là phân bón vô cơ trên địa bàn tỉnh bước đầu có chuyển biến tích cực. Bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế như công tác quản lý các hộ kinh doanh phân bón chưa chặt chẽ, vẫn còn hộ không đăng ký mà vẫn kinh doanh VTNN...

Kinh nghiệm được rút ra trong thực hiện giám sát VTNN do Hội ND tỉnh chủ trì trong 2 năm qua là gì?

- Kết quả đạt được chưa nhiều, nhưng cũng rút ra được kinh nghiệm bổ ích là trước hết phải làm thay đổi 1 bước về nhận thức của cấp ủy và chính quyền địa phương về công tác quản lý kinh doanh VTNN. Giám sát phân bón ở  2 huyện ban đầu rất lúng túng vì hiện ngành công thương quản lý phân bón vô cơ, còn cán bộ hướng dẫn thì lại là người của ngành nông nghiệp, do đó, khi giám sát chính quyền địa phương gặp khó trong phân công người theo dõi báo cáo…

"   Khi các hộ kinh doanh vi phạm, ngoài việc bị xử phạt thì phải bị đưa thông tin vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng . T.Ư Hội NDVN cần tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác giám sát; ban hành quy trình, biểu mẫu trong giám sát để các cấp Hội thực hiện đạt kết quả tốt hơn.
Ông Trần Thanh Liên

Thông qua giám sát, Hội ND tỉnh chỉ kiến nghị đến các cơ quan chức năng, còn việc giải quyết xử lý, tùy thuộc vào trách nhiệm của các cơ quan đó. Cái khó là thành viên giám sát không có đủ điều kiện để lấy mẫu phân bón vô cơ, thêm nữa cũng không có kinh phí để đưa đi phân tích kiểm nghiệm xem phân đạt chất lượng hay chưa... 

Để nâng cao hiệu quả giám sát, Hội ND tỉnh có kiến nghị, đề xuất gì?

- Theo tôi, UBND tỉnh cần có văn bản chỉ đạo các Sở, ngành liên quan thực hiện Nghị định 202 của Chính phủ về quản lý phân bón và Thông tư 29 của Bộ Công Thương về quản lý phân bón vô cơ...; phân công cụ thể cho ngành nông nghiệp và công thương để tránh chồng chéo bất cập trong việc quản lý. UBND tỉnh cũng nên chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát VTNN từ tỉnh đến cơ sở; bố trí kinh phí lấy mẫu, gửi đi phân tích đánh giá chất lượng phân bón khi có dấu hiệu vi phạm.

Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh VTNN, Hội ND tỉnh cho đây là việc làm mới, gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dù thế nào vẫn phải quyết tâm thực hiện vì quyền, lợi ích của hội viên, ND...”.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem