Trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, Quảng Trị đã đạt được nhiều thành công đáng kể. Vậy, theo ông đâu là dấu ấn đậm nét nhất của tỉnh nhà?
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế và triển khai Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp (NN) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của Thủ tướng Chính phủ, ngày 09.10.2013, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai Đề án. Sau ba năm thực hiện, Quảng Trị đã thu được kết quả khả quan.
Nhiều loại giống cây trồng mới được đưa vào sản xuất đã cho năng suất và hiệu quả cao cho người nông dân trên địa bàn Quảng Trị. Đ.H
Trong lĩnh vực trồng trọt, Quảng Trị xác định giống là khâu đột phá để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng trên địa bàn. Vì thế, ngành NN những năm qua đã liên tục khảo nghiệm, tìm chọn nhiều giống cây trồng mới để đưa vào sản xuất. Những giống cây trồng mới như: giống lúa Thiên ưu 8, RVT, Bồ đề 688X2, TL6, HN6, PC6, AC5, NA1, SV181…; giống ngô HN88, HN68, MX10, CP888, CP333; giống sắn mới KM140, SM937-26…; giống lạc L14, L23, L27... đã được khảo nghiệm và bổ sung vào bộ giống chủ lực của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh chú trọng phát triển một số cây trồng chủ lực có quy mô và giá trị kinh tế cao như: Cao su, cà phê, hồ tiêu, lạc, rau an toàn, … theo hướng thâm canh bền vững, tạo ra các loại nông sản chất lượng, có giá trị hàng hoá cao...
Tỉnh ứng dụng thành công nhiều loại cây lâm nghiệp trên cơ sở đa dạng cây trồng để ổn định và phát triển bền vững, như: các loại keo lai, tràm, phi lao… Hiện toàn tỉnh có 20.966ha diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC và là tỉnh đi đầu trong quản lý rừng bền vững. Bình quân thu nhập 130 - 150 triệu đồng/ha, trồng rừng đã thực sự giúp cho hàng ngàn người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Trong chăn nuôi, tỉnh chú trọng phát triển các con giống chủ lực như: bò, lợn, gia cầm; hình thành các mô hình chăn nuôi hộ với quy mô lớn. Hiện toàn tỉnh có 16 mô hình quy mô nuôi lợn thịt từ 600-1.000 con/mô hình. Chất lượng đàn bò ngày một nâng cao, đàn bò lai Zebu ước khoảng trên 22.500 con, chiếm 40,6% tổng đàn...
Đặc biệt, ngành thuỷ sản đang phát triển, trở thành ngành kinh tế mạnh của tỉnh; năng suất bình quân tăng khá qua các năm. Trong đó: cá nước ngọt 1,5-2 tấn/ha; tôm sú 2,5-3 tấn/ha; tôm thẻ chân trắng: 15-20 tấn/ha, nuôi trái vụ có hộ đạt năng suất 50 tấn/ha, lợi nhuận trên 4,5 tỷ đồng/ha... Toàn tỉnh có 205 tàu cá đánh bắt xa bờ; số lượng tàu đăng ký khai thác tại các vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ đến nay là 172 chiếc.
ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị.
Theo ông, sau hơn 5 năm xây dựng NTM, đâu là thành quả đáng ghi nhận của Quảng Trị? Khó khăn hiện nay của tỉnh là gì?
Trước hết, đó là sự thay đổi nhận thức của người dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị về xây dựng NTM. Tại các địa phương, người dân đã chủ động góp công, góp sức, hiến đất; xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong huy động nguồn lực.
Chương trình MTQG Xây dựng NTM trở thành phong trào rộng khắp, tạo thay đổi rõ nét trên toàn tỉnh. Có 18/117 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 15,4% số xã của tỉnh, đạt mục tiêu Nghị quyết đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2011-2015. Mức bình quân đạt 11,7 tiêu chí/xã, tăng 8,1 tiêu chí/xã so với cuối năm 2010, không còn xã dưới 5 tiêu chí, nhiều xã đạt được các tiêu chí khó như thu nhập, hộ nghèo, cơ sở hạ tầng...
Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng NTM ở Quảng Trị còn nhiều khó khăn, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Kết quả xây dựng NTM còn chưa đồng đều giữa các địa phương, đặc biệt là các xã khó khăn thuộc Chương trình 135, xã biên giới, xã thuộc huyện nghèo 30a (huyện Đakrông) và các xã bãi ngang ven. Nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng NTM của các địa phương, nguồn ngân sách trực tiếp cho Chương trình còn ít... Việc phát triển sản xuất NN còn nhỏ lẻ, phân tán. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào NN, nông thôn còn ít, nhất là các doanh nghiệp có đầu tư, liên kết với nông dân...
Trong giai đoạn mới 2016-2020, mục tiêu cụ thể của tỉnh là như thế nào, thưa ông?
Qua 5 năm, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM đạt gần 7.000 tỷ đồng. Trong đó huy động đóng góp của nhân dân (bao gồm tiền mặt và công sức, tài sản, hiến cây, hiến đất quy tiền) trên 1.100 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn tín dụng trong lĩnh vực NN, nông dân, nông thôn qua 5 năm huy động được 24.694 tỷ đồng...
|
Quảng Trị sẽ phấn đấu đến năm 2020 có trên 40% số xã đạt chuẩn NTM (tương đương trên 47 xã), 70 xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên và phấn đấu có 02 huyện đạt chuẩn. Để hoàn thành mục tiêu trên, Quảng Trị tiếp tục đề cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về xây dựng NTM, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên; tập trung phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn NT, trong đó cơ bản đáp ứng công trình thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, nhằm tạo sự đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh sẽ tập trung ưu tiên những tiêu chí cấp thiết, gắn với đời sống và thu nhập của người dân, không nôn nóng chạy theo thành tích.
Tiếp tục huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, huy động tối đa nguồn lực tại chỗ của địa phương và của người dân để đầu tư phát triển hạ tầng và kinh tế. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đỡ đầu, tài trợ xây dựng NTM. Kêu gọi sự hỗ trợ của con em xa quê, các tổ chức, cá nhân, tạo thêm nguồn lực cho xây dựng NTM...
Triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành NN, chuyển dịch cơ cấu kinh tế NT để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
Bên cạnh các giải pháp nêu trên, tỉnh xác định xây dựng NTM không để phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản; việc huy động sự đóng góp của người dân phải dựa trên tinh thần tự nguyện, dân chủ, công khai, không được huy động quá sức dân; phải xác định xây dựng NTM là hướng đến sự hài lòng của người dân. /.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.