Kiếm triệu USD từ đồ gia dụng, cà phê, bột nghệ Việt Nam trên Amazon
Kiếm triệu USD từ đồ gia dụng, cà phê, bột nghệ Việt Nam trên Amazon
Hồng Phúc
Chủ nhật, ngày 26/05/2024 12:50 PM (GMT+7)
Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam đạt doanh thu 1 triệu USD/năm trên Amazon tăng gần 10 lần so với năm 2019. Nhiều tên tuổi là doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp đồ gia dụng, cà phê, bột nghệ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe…
Tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội bán hàng trên Amazon. Đây là sàn thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu hiện nay. Việc đưa hàng lên Amazon giúp tăng khả năng tiếp cận khách hàng quốc tế.
Theo thống kê mới nhất của Amazon, số lượng sản phẩm do các đối tác bán hàng Việt Nam bán ra trên sàn đã tăng hơn 300% trong vòng 5 năm qua.
Ông Gijae Seong - Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, đánh giá Việt Nam có nhiều lợi thế về xuất khẩu truyền thống. Tuy nhiên, về xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, cơ cấu các mặt hàng có phần thay đổi.
“Nổi bật nhất trên Amazon hiện nay là ngành hàng liên quan gỗ, bao gồm nhà cửa và sản phẩm đồ gia dụng, bếp núc. Có một xu hướng gần đây là khách hàng chuyển dịch thay vì sử dụng các sản phẩm gỗ phục vụ trong nhà (nội thất) thì giờ đây là phục vụ ngoài trời với các sản phẩm có kích thước lớn hơn”, ông Gijae Seong nói và cho biết nếu tận dụng tốt nhu cầu này, doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận được nhiều khách hàng quốc tế.
Đồ gia dụng, cà phê, nông sản chế biến Việt Nam trên Amazon có nhiều cơ hội kiếm tiền triệu USD. Ảnh: Hồng Phúc
Một nhóm sản phẩm nữa được ghi nhận bán chạy trên Amazon là sản phẩm sử dụng nguyên liệu tự nhiên từ Việt Nam như nghệ, trà thảo mộc, cà phê, trái cây sấy để làm thực phẩm tiêu dùng, hoặc ứng dụng làm sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sưc khỏe được chiết xuất từ nghệ, nha đam, cà phê…
Theo ông Gijae Seong, dư địa từ hai ngành hàng này rất lớn và Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong việc cung cấp.
Amazon ghi nhận 5 ngành hàng made in Vietnam bán chạy nhất trên Amazon 5 năm qua là sức khỏe và chăm sóc cá nhân; nhà cửa; nhà bếp; may mặc; làm đẹp. Năm 2023, số lượng đối tác bán hàng Việt Nam đạt doanh thu 1 triệu USD/năm trên Amazon tăng gần 10 lần so với năm 2019. Trong số này, nhiều tên tuổi là doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp 5 ngành hàng bán chạy nói trên.
Nguyên liệu địa phương thôi chưa đủ
Theo báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu 2022: Cơ hội xuất khẩu trực qua thương mại điện tử tại Việt Nam” của Access Partnership, xuất khẩu TMĐT bán lẻ của Việt Nam ước đạt 296.300 tỷ đồng vào năm 2027.
Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng Việt Nam sở hữu kinh nghiệm sản xuất, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, và nhiều ngành hàng xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, liên tục mang đến những sản phẩm chất lượng, độc đáo, góp phần mở rộng lựa chọn sản phẩm cho khách hàng Amazon trên khắp thế giới.
Tuy vậy, nếu nhà cung câp chỉ cậy vào yếu tố này thôi thì chưa đủ, mà phải dựa vào thế kiềng 3 chân: Nguyên liệu địa phương - Kỹ năng online vận hành trên môi trường thương mại điện tử quốc tế - Thương hiệu.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xuất khẩu xuyên biên giới, đơn vị sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng hơn cùng Amazon Global Selling để phát triển các nguồn tài nguyên đào tạo, cập nhật các xu hướng thị trường, từ đó trang bị cho doanh nghiệp các kỹ năng thực tế để vượt qua các rào cản khi mở rộng hoạt động kinh doanh.
“Bằng việc hợp tác này, chúng tôi hướng đến mục tiêu chung nhằm tăng cường sự hiện diện của các thương hiệu Việt Nam trên toàn cầu”, bà Huyền nói.
Các mục tiêu của dự án hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng xuyên biên giới gồm tăng cường các chương trình nâng cao kỹ năng kỹ thuật số để phát triển đội ngũ nhân lực; thúc đẩy nhà cung cấp dịch vụ ; kết nối và tăng cường nội lực cho sản xuất trong nước; quảng bá thương hiệu Việt trên toàn cầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.