Kỳ lạ điệu hát hoá giải mâu thuẫn

Mỵ Nương Thứ năm, ngày 27/08/2015 07:43 AM (GMT+7)
Hát lý, nói lý là hình thức văn hoá độc đáo mà người Cơ Tu ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) dùng để giãi bày với nhau. Qua những giai điệu nói lý, hát lý, dân ca, thế hệ trẻ của dân tộc Cơ Tu hiểu được truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc mình và học cách ứng xử văn hóa lan tỏa tình làng, tình người ấm áp…
Bình luận 0

Hát lý để nói tránh, nói giảm

Những làn điệu dân ca, nói lý, hát lý đều là những loại hình văn hóa dân gian độc đáo của dân tộc Cơ Tu. Già làng Alăng Sơn cho hay: “Nói lý, hát lý là loại hình ứng khẩu của người Cơ Tu. Về ý nghĩa câu nói gần như giống nhau đều nói về cái lý. Người Cơ Tu dùng những hình tượng ẩn dụ, nhân hóa giúp người nghe hiểu sâu vấn đề một cách cặn kẽ, chí tình. Ví dụ khi khen người con gái đẹp sẽ nhắc đến hoa, nói đến con trâu mộng sẽ là hình ảnh cây cổ thụ to lớn,… Mỗi người có cách hình dung để mô tả về sự vật, hiện tượng nào đó theo cách của mình mà không theo bài có sẵn”.

img

Hát lý được thế hệ người già Cơ Tu gìn giữ để lưu truyền lại cho thế hệ trẻ. Ảnh: Lê San

Thông thường nói lý truyền thống được dùng vào những dịp có khách quý tới thăm khi làng đang có lễ hội hoặc đám cưới hay trong lễ hỏi cưới vợ cho con. Người dân Cơ Tu còn dùng nói lý, hát lý như một biện pháp hữu hiệu để giải quyết mâu thuẫn trong xã hội mà có khi dùng lời lẽ, thậm chí pháp luật khó có thể hóa giải được. Nghệ nhân Palăng Rưng trầm ngâm: “Bây giờ người đông, đất đai không đẻ được thêm khiến nhiều vụ tranh chấp đất xảy ra tại buôn làng. Nếu đùng đùng đưa ra pháp luật giải quyết sẽ không có hiệu quả. Vì người Cơ Tu rất ngại nói thẳng, nói ngay. Ví như khi hắn sai cũng không được nói thẳng là -Mày không được làm thế này- hoặc bắt hắn phải làm thế kia. Nói như vậy gây ra bực tức, mâu thuẫn rồi có khi khiến hắn chạy sang làng khác sinh sống.”

Hay trong trường hợp hai vợ chồng trẻ muốn bỏ nhau. Người Cơ Tu sẽ nói lý, hát lý với nội dung đề cập đến chuyện bố mẹ già không làm được việc. Nếu họ bỏ nhau nương rẫy sẽ không ai chăm nom. Vợ chồng đã cưới phải cùng nhau làm ăn vun vén gia đình. Ở đời người khi gặp khó khăn phải biết thông cảm cho nhau. “Người lớn trong gia đình sẽ có nhiệm vụ nói ý, hát lý cho con cái hiểu. Nếu con vẫn không hiểu, vấn đề không được giải quyết, họ sẽ đi sang làng khác mướn nghệ nhân, già làng giỏi về nói lý, hát lý. Công cán của người hòa giải chỉ bằng chai rượu cần và con gà là chuyện đổ vỡ trong gia đình được hóa giải ổn thỏa”- ông Palăng Rưng cho biết.

Tâm huyết lưu truyền vốn cổ

"   Văn hóa dân tộc như đã thấm sâu vào máu thịt mỗi con người. Nó cuốn hút tôi phải gấp gáp công tác lưu trữ giữ gìn kẻo đến lúc các cụ nghệ nhân lớn tuổi qua đời rồi, sau này có muốn cũng chẳng có mà bảo tồn vốn quý của dân tộc được”.
Già làng Alăng Sơn

Đến nay, hình thức truyền dạy hát nói, hát lý của người Cơ Tu vẫn mang tính truyền miệng do gia đình giáo dục là chủ yếu. Họ dạy con cách nói lý, hát lý thông qua những sự vật, hiện tượng diễn ra trong cuộc sống sinh hoạt đời thường. Nghệ nhân Palăng Rưng chia sẻ: “Từ một việc rất nhỏ là bắt thú rừng đãi khách đến chơi nhà, người cha sẽ không nói thẳng với con mà sẽ nói: “Con hãy đi vào rừng thăm cho ba cái bẫy” để từ đó dạy cho con suy luận. Cũng có những trường hợp xảy ra nói lý xa vời khiến con không hiểu, không đoán ra được ẩn ý”.

Theo ông Alăng ARấy-Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Tây Giang, Quảng Nam cho biết: “Việc mở lớp truyền bá giảng dạy hát lý, nói lý, dân ca cho đồng bào Cơ Tu được xem là một biện pháp hữu hiệu để truyền dạy vốn cổ của dân tộc, cần phải được đưa vào áp dụng sớm nhằm góp phần gìn giữ các làn điệu hát cổ nói chung của đồng bào Cơ Tu có từ xa xưa đang dần bị thất truyền theo năm tháng.” 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem