Liên tiếp xảy ra sụt lún, vỡ đê: Rà soát lại các điểm đen

Thứ tư, ngày 12/09/2012 14:21 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mặc dù mùa mưa lũ mới bắt đầu, nhưng ở các tỉnh phía Bắc đã xuất hiện hàng loạt sự cố về sạt lở, nứt, sụt lún, thậm chí vỡ đê như ở Thanh Hóa đã gây không ít lo lắng cho người dân sinh sống ven đê.
Bình luận 0

Xung quanh vấn đề này, phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NNPTNT.

Được biết, ông vừa dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra tình hình mưa lũ ở Thanh Hóa. Xin ông đánh giá về tình hình lũ lụt và khả năng phòng chống lũ lụt của các tuyến đê ở khu vực này?

- Theo báo cáo của địa phương, từ ngày 1 đến 4.9 vừa qua đã có mưa liên tục, đặc biệt đến ngày 5.9, đã có lượng mưa rất lớn tập trung xuống khu vực này. Đây có thể là nguyên nhân làm nước lũ tràn qua đê. Mặc dù trên sông Chu, chúng ta đã có hồ Cửa Đạt, hồ Hủa Na có tác dụng cắt lũ rất tốt, song do trong những năm qua, khu vực này không có lũ lớn, nên đê sông Chu bị khô trong một quá trình dài, dẫn đến hiện tượng co ngót, vì thế khi có mưa lớn, có thể dẫn đến sụt trượt.

img
Người dân huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá) gia cố đê chống mưa lũ.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng đang xem xét, liệu hiện tượng hút cát trên sông Chu có ảnh hưởng đến đê hay không. Một điểm nữa cũng cần phải xem xét là, sau khi xây dựng xong hồ Cửa Đạt; hồ này đã ngăn phù sa xuống hạ du; khi nước không có phù sa về hạ du thì hiện tượng bồi lắng giảm, làm nước chảy mạnh, gây xói lở. Bản thân đê sông Chu có mái khá dốc cũng là một nguyên nhân.

Tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể của các sự cố này cần phải được làm rõ thêm, vì lũ trên sông Chu vừa qua là chưa lớn; nước sông Chu chảy qua hệ thống hồ Cửa Đạt rất nhỏ, chỉ ở mức 400-500m3/s.

Theo cảnh báo, nhiều tuyến đê ở Thanh Hóa hiện có khả năng xảy ra vỡ tiếp. Vậy sắp tới, Bộ NNPTNT sẽ đưa ra giải pháp gì để đối phó, thưa ông?

- Các nguyên nhân trên sẽ được nghiên cứu thêm. Về lâu dài, chúng ta phải quy hoạch lại hệ thống đê sông Chu, sông Mã. Hiện nay, chỉ mới bắt đầu mùa lũ, nên chúng ta phải tập trung các biện pháp ứng phó; trong đó, yếu tố quan trọng nhất là chuẩn bị tốt phương châm 4 tại chỗ. Một vấn đề nữa là, ở Thanh Hóa hiện nay có vùng rốn lũ ở huyện Nông Cống. Lũ tập trung về khu vực này gây úng ngập, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đã cho rà soát lại quy hoạch để giải quyết tiêu cho khu vực này.

52 điểm đê xung yếu ở cần giám sát

Theo Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hiện có 52 trọng điểm xung yếu về đê điều cấp tỉnh, thành phố cần tăng cường kiểm tra, xử lý, đề phòng trường hợp lũ lên cao bất thường. Trong đó, có 8 điểm đê xung yếu có cống đi qua, có khả năng gây mất an toàn khi lũ lên cao. Còn lại 44 điểm đê xung yếu do có dòng chảy áp sát đê hoặc đê đi qua vùng địa chất xung yếu, có cát chảy gây nguy cơ sạt lở.

Ngoài tỉnh Thanh Hóa, sự cố đê điều ở các tỉnh, thành phía Bắc thời gian qua là khá phổ biến làm người dân khó có thể yên tâm. Liệu hệ thống đê có chịu được những trận lũ lớn nếu có trong thời gian tới?

- Ngoài Thanh Hóa, tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… cũng đã xảy ra các sự cố. Các sự cố này đã được địa phương và các cơ quan của Bộ NNPTNT kiểm tra, khắc phục thường xuyên và trong thời gian tới sẽ kiểm soát, rà soát chặt hơn nữa các “điểm đen”. Đối với khu vực phía Bắc, hệ thống sông Hồng đã có nhiều hồ thượng nguồn, ngăn lũ tốt, nhưng chúng ta không thể chủ quan. Như tôi đã nói, do một thời gian dài không có lũ, nên đê có hiện tượng bị co ngót cộng với hiện tượng hút cát ở lòng sông, ven đê nên có thể xảy ra sự cố đê, dẫn đến lũ lụt.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong những năm qua, nhiều công trình thủy lợi lớn được xây dựng, nhưng việc duy tu bảo dưỡng các công trình cũ không được chú trọng đúng mức. Đây có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cố trong thời gian qua?

- Cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi lớn, trong những năm vừa qua, chúng ta cũng rất chú ý đến việc nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ. Ví dụ, ở khu vực sông Hồng, bằng các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, các trạm bơm, hệ thống tiêu nước, các cống lớn đã được bảo dưỡng, nâng cấp. Riêng về hồ chứa, chúng ta có đến 400-500 hồ đập quy mô lớn đã được nâng cấp.

Nhìn chung, các công trình xung yếu đã được chú trọng. Tuy nhiên, do hệ thống thủy lợi lớn, bị tác động bởi biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và do nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội nên phải tăng cường đầu tư hơn nữa. Vừa qua, Bộ NNPTNT đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng một đề án khoa học công nghệ kiểm soát lũ.

Xin cảm ơn ông !

Nhiều sự cố về đê tại phía Bắc

Từ đầu mùa mưa đến nay, mưa lũ đã làm nhiều hệ thống đê sông ở một số tỉnh đồng bằng trung du Bắc Bộ bị sạt lở. Tại tỉnh Bắc Giang, các biện pháp xử lý sự cố sạt lở đê tả Thương ở xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang và vỡ đê bao kênh Nham Biền, huyện Yên Dũng. Tại Hà Nội, đã xảy ra sự cố sạt lở mái thượng lưu đê tả Cà Lồ (Đông Anh) dài 50m. Mưa lũ cũng làm xuất hiện sự cố sạt lở mái thượng lưu đê tả sông Rạng (Hải Dương) dài 25m, lấn sâu vào mái đê thượng lưu 1,3m. Tại Nam Định cũng đã xảy ra sự cố sạt lở kè Quy Phú thuộc đê hữu Hồng, huyện Nam Trực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem