Miễu thờ Thầy Ba Đức

Lê Minh Hà Thứ tư, ngày 09/09/2020 08:00 AM (GMT+7)
Gần đây, tôi ngờ ngợ, miễu này không thờ thổ thần như bao miễu khác, mà thờ một nhân vật huyền thoại vùng này: Ông Thầy Ba Đức.
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Miễu thờ Thầy Ba Đức  - Ảnh 1.

Miễu thờ Thầy Ba Đức nhìn từ đường vào

Mỗi năm theo lệ, nhà tôi có sáu cái giỗ. Mỗi lần giỗ, phải có một mâm cúng miễu, tuy đơn giản hơn, nhưng phải có.

Tôi áng chừng, miễu này lập khoảng sau năm 1968 - năm Mậu Thân, lúc ông tôi còn sống. Trước, miễu tọa lạc ở doi đất, nhìn xéo qua lòng Rạch Chàng Hãng, người qua đường phải đi sau lưng miễu. Sau này, bồi mé mở đường rộng ra, miễu lọt vào trong rào. Miễu được làm bằng xi măng, cốt sắt. Mấy lần thay xác, nhưng khói nhang vẫn giữ.

Trong ký ức, Thầy Ba Đức là người đàn ông cao, to, vạm vỡ, quanh năm mặc độc một quần đùi lỡ dài tới gối, lưng và ngực xăm hình, nách lúc nào cũng cặp chai rượu đế. Ông thường về xóm Tắc Cát lúc trời chiều hoặc xẩm tối, nơi có nhà ông tôi. Dáng ông khệnh khạng, miệng nói lảm nhảm điều gì đó, không ai hiểu được. Ông hay ghé ông tôi, hai người đàm đạo tới khuya. Có khi ông ngủ lại, nơi ông ngủ là chuồng trâu có gác. Thấy có khách lạ, lại thêm mùi rượu, đàn trâu chục con khịt mũi liên tục, cọ sừng vào cột nghe sột soạt.

Ông tôi có năm người con, hai gái, ba trai, riêng ba tôi và chú út thì biết võ. Có lần tôi chứng kiến chú út múa quyền và đánh trường côn trước sân nhà, hôm ấy có ông tôi và Thầy Ba Đức đứng xem. Mục đánh trường côn là ấn tượng hơn cả. Trường côn là cây tầm vông dài hơn hai mét, người sử dụng thật linh hoạt, dũng mãnh, thoắt tiến, thoắt lùi, đỡ, đập, song phi… Tiếng gió nghe vút bên tai, những nhánh sa pô chê de ra trước sân lá rơi lả tả. Từ ngày đó tôi luôn nhìn chú mình bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Sau chú thoát ly theo bộ đội rồi hy sinh ở chiến trường Campuchia sau một trận bom bừa B52. Bà nội tôi thương chú nhất, ngày nghe tin chú mất, bà thất thần, tuyệt vọng. Hai con trai bà đã mất, bây giờ lại đứa thứ ba… Những năm bà ngoài chín mươi, tâm trí thoắt tỉnh thoắt mê, có lúc nhìn tôi nói: "Con đi đâu mà bỏ má bao nhiêu năm trời vậy!". Tôi chưng hửng, rồi hiểu ra, bà tưởng tôi là chú út. Nghẹn ngào, xót lòng, xót dạ. Má tôi thường nói với con dâu - là vợ tôi: "Má mất chồng nhưng không khổ bằng bà nội, bà mất tới ba đứa con!". Sau giải phóng, bà tôi được phong "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" đợt đầu.

Còn lớp chúng tôi tiếc thương chú vì mất đi người bảo vệ, trụ cột trong họ, phải chi còn chú chúng tôi cũng được luyện võ.

Từ khi biết chú út thụ giáo Thầy Ba Đức, tôi bắt đầu quan tâm đến những mẩu chuyện liên quan đến ông.

Kể chuyện làng: Miễu thờ Thầy Ba Đức  - Ảnh 2.

Miễu thờ nhìn từ mặt trước.

Về lai lịch Thầy Ba Đức chẳng mấy ai rõ. Nghe đâu gốc gác ông ở làng Phước Hậu, có thể là Long Phước thuộc huyện Long Hồ bây giờ. Ngoài việc biết võ thuật, nghe nói, ông còn biết luyện bùa chú. Vì việc luyện bùa chú mà ông phải ly hương, không thể ở gần vợ con, nếu không, họ sẽ chết.

Không rõ ông đến làng An Bình từ bao giờ. Theo tôi nhớ, những năm 60 thế kỷ trước, người làng đã quen mặt ông. Ông lang thang nhưng không vạ vật, dơ bẩn. Ông kết giao với người đứng đắn, dạy võ chọn mặt học trò biết điều hiếu nghĩa. Ông dạy người làm thuốc chứ không chữa bệnh.

Ông tôi có nghề làm thuốc trị tiêu chảy. Mỗi năm một lần, ông sang tiệm thuốc bắc bổ các vị, tán nhuyễn, thêm sái thuốc phiện, vo viên, phơi khô, xong đóng vào lọ thủy tinh. Người trong xóm thường đến xin thuốc, tôi biết ông chưa bao giờ từ chối ai.

Lúc còn nhỏ, tôi vẫn nhớ, đất xung quanh bàn ông thiên trước nhà ông tôi lúc nào cũng có vạt cây lá thấp xanh um. Sau này tôi mới biết là ngãi. Có nhiều loại ngãi, trong đó có giống do Thầy Ba Đức cho. Đàn bà đau vú, trâu trặc chân, hoặc bị thối mũi, ông dùng ngãi để trị. Ông tôi được biết như một ông lang vườn, có lẽ một phần vì kết giao với thầy Ba Đức. Người làng kể rằng, do ông không ở một nơi cố định nên ông tôi hỏi: "Nếu có chuyện cần gặp ông thì làm sao?" - " Chỉ cần đốt nhang khấn tên Thân Công Đức thì tôi về!".

Nghe chuyện này tôi bán tín bán nghi, nhưng nhớ ông chu du đây đó vài tháng thì trở về xóm Tắc Cát.

Khoảng năm 1966 hay 1967 gì đó, trong lần về xóm Tắc Cát, ông cứ dáo dác nhìn trời rồi nói với người trong xóm: "Sắp có chuyện lớn!" Hỏi chuyện gì, ông không nói, hai tay vòng lại trước bụng, miệng lẩm bẩm: "Cỡ vầy nè!". Lời nói ông khó hiểu, cho qua. Mấy hôm sau, một chiếc máy bay ném bom vàm Tắc Cát, thổi bay một căn nhà làm chết con gái chú Ba Sài, lúc ấy khoảng mười tuổi. Bấy giờ người ta mới ngộ ra lời ông nói. Gặp ông, ông bảo: "Chưa đâu! Còn nữa!". Độ ba hôm, thêm một quả nữa, cách nơi cũ không xa. Từ đó, người làng tin rằng Thầy Ba Đức nói gì có nấy.

Chuyện bùa chú của Thầy Ba Đức tôi không tin, nhưng tôi từng được xem một "bí phổ". Gọi là bí phổ, vì nó là một tập giấy pơ luya mỏng, ngả màu vàng 3cm x 5cm, cỡ hai ngón tay, bên trong chỉ cách luyện bùa Thiên Linh Cái, làm dầu thơm để quyến rũ phụ nữ, phán bùa trị quai bị, cách làm mồi câu cá trê bắt đến con cuối cùng… Tôi như bị choáng ngợp với cách "luyện công" và những phương thuốc kỳ bí được ghi trong bí phổ. Cân nhắc, cuối cùng tôi xếp lại và quên đi theo thời gian. Tôi ước đoán, người ghi bí phổ có thể đã thụ giáo Thầy Ba Đức, sách được giấu kỹ trong chiếc đồng hồ quả lắc kiểu Pháp. Chiếc đồng hồ ấy được lưu giữ sau khi căn nhà cổ bị phá dỡ. Người mà tôi nghi là chủ nhân của bí phổ kia cả một đời hào hoa nhưng thất bại, cô đơn lúc về già.

Kể chuyện làng: Miễu thờ Thầy Ba Đức  - Ảnh 3.

Miễu thờ loang lổ với thời gian nhưng thâm trầm.

Làng An Bình năm 1968 là vùng tranh chấp, ngày trắng đêm đen. Đồn Tắc Cát chắn ngã ba sông, lộ thì rào dây thép gai, ai đi ngang qua cũng bị chặn lại xét hỏi. Duy nhất chỉ có Thầy Ba Đức là không bị làm khó. Có lẽ lính nhìn thấy ông trùi trũi, một chiếc quần đùi, một chai rượu nên không có gì phải ngại. Nhưng ông là người nắm và biết nhiều thông tin về thời gian, tuyến đường  hành quân của lính nhất. Gặp người tin cậy, ông nói trống không: "Nó tới!". Y như lời, ít phút sau lính xuất hiện, còn ông nép qua một ngõ khác tiếp tục lang thang trong đêm.

Ngày ông mất cũng khá ly kỳ. Từ Đồn Tắc Cát xuống đến Bờ Sầu Riêng khoảng hai cây số, có cây cầu đúc bắc qua con rạch nhỏ, ngang khoảng sáu mét. Đêm ấy, lính đi tuần. Vừa tới cầu, tốp lính phát hiện có bóng đen trên cầu nên giương súng. Sau mấy phát súng nổ, bóng đen bất động. Tiến sát, đèn pin bật lên, nghe tiếng rên hư hử, tiếng la lớn: "Trời ơi! Thầy Ba Đức! Mau cấp cứu!". Máu loang khắp mặt cầu, đạn xuyên từ hậu môn lên. Tiếng thều thào của ông: "Tôi biết số tôi đã tới, đừng làm gì hết!". Người ta đứng nghẹt cầu chứng kiến phút lâm chung của ông, người buồn thương tiếc, người thì lo sợ bị quả báo. Người ta tháo dây lòi tói do ông tự cột khỏi tay. Chờ trời sáng.

Trước miễu bây giờ có cây dừa rất sai trái, mỗi trái cho hơn lít nước. Tôi thường dùng sào có móc giựt trái để uống giải cơn khát mỗi khi về làm vườn.

Trời tiết đông, sương sớm đẫm trên lá nhãn, xuân đang ủ mầm. Chợt tự nhủ: "Tết này phải thay mới bát nhang…".

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem