Mượn tên đi máy bay bị phạt đến 10 triệu đồng

Thứ hai, ngày 04/11/2013 13:55 PM (GMT+7)
Từ ngày 15.12 tới đây sẽ tăng mức xử phạt nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng không, ông Nguyễn Trọng Thắng - Chánh Thanh tra Cục Hàng không VN cho biết.
Bình luận 0
Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không vừa được Chính phủ ban hành có điểm gì mới cần lưu ý, thưa ông?

- Nghị định 147/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng vừa được ban hành so với Nghị định 60 đã quy định chi tiết hơn một số hành vi vi phạm, sửa đổi nhiều hành vi để tăng tính khả thi và tránh lạm dụng khi xử phạt.

Kiểm tra chứng minh thư hành khách tại cửa kiểm soát an ninh
Kiểm tra chứng minh thư hành khách tại cửa kiểm soát an ninh

Đáng chú ý là việc tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm cho phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của vi phạm và bảo đảm tính răn đe. Ví dụ như mức phạt vào khu vực cách ly, lên tàu bay bằng giấy tờ tùy thân, thẻ lên tàu bay của người khác tăng lên từ 5 - 10 triệu đồng; hút thuốc trên tàu bay tăng lên 3 - 5 triệu đồng…

Nhiều mức phạt tăng tới 5 lần so với trước đây, theo ông, điều này có giúp giảm bớt những hành vi uy hiếp an toàn bay không?

- Cá nhân tôi cho rằng, để hạn chế tối đa các hành vi uy hiếp an toàn bay, bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, phổ biến và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xảy ra trong lĩnh vực hàng không dân dụng thì việc tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm là một trong những biện pháp góp phần vào việc phòng ngừa, ngăn chặn để giảm bớt các hành vi vi phạm.

Theo thống kê của Thanh tra Cục Hàng không VN, từ đầu năm đến nay, các vi phạm phổ biến nhất của hành khách là sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác để đi tàu bay (sử dụng giấy xác nhận nhân thân đứng tên người khác để đi tàu bay), hút thuốc trên tàu bay, sử dụng điện thoại...

Nhiều người cho rằng, tăng mức phạt quá cao mà không có chế tài yêu cầu hãng hàng không phổ biến, tuyên truyền các quy định an toàn với hành khách khi bán vé là không thỏa đáng?

- Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp. Theo đó, các cơ quan, doanh nghiệp phải đưa ra các biện pháp tuyên truyền, phổ biến phù hợp, như: In tờ rơi phát cho hành khách; xây dựng video clip phát tại nhà ga, trên tàu bay; tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, báo chí...); phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể tuyên truyền, phổ biến cho người dân về an toàn, an ninh hàng không… Những biện pháp đó, Cục Hàng không VN đã và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện.

Vì sao nghị định lần này phải bổ sung thẩm quyền xử phạt cho một số chức danh, thưa ông?

- Việc bổ sung thẩm quyền sẽ giúp cho việc xử phạt vi phạm hành chính được nhanh chóng, kịp thời. Ví dụ, theo quy định trước đây, nếu hành khách không tuân theo hướng dẫn của nhân viên an ninh tại cảng hàng không, bị lập biên bản thì chỉ có giám đốc cảng vụ hàng không có quyền ra quyết định xử phạt. Điều này đòi hỏi nhiều thời gian, gây chậm trễ trong xử lý.

Theo quy định mới thì trưởng đại diện cảng vụ hàng không tại cảng hàng không xem xét, có thể ra quyết định xử phạt ngay và người bị xử phạt không phải chờ đợi hoặc đi lại nhiều lần mà có thể nộp tiền xử phạt cho đại diện cảng vụ nếu đã làm xong thủ tục check-in.

Cảm ơn ông!
GTVT (Theo GTVT)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem