Ném vợ xuống sông Đuống để... giúp vợ được chết(?!)

Thứ hai, ngày 20/01/2014 19:24 PM (GMT+7)
“Vụ án diễn ra trong không khí đau thương, đẫm nước mắt, bởi nạn nhân là vợ, bị hại là con, còn người cha thì đứng trước vành móng ngựa” - vị đại diện Viện KSND TP.Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đã thốt lên như vậy.
Bình luận 0

Bị cáo giúp vợ được chết!

Chiều 20.1, trời lạnh. Khi bị cáo Nguyễn Kim Đức (SN 1965, ở Long Biên, Hà Nội) lập cập bước theo các chiến sĩ dẫn giải vào phòng xử án, 2 người con bị cáo chực nhào đến để hỏi thăm người cha ốm yếu sau nhiều tháng xa cách. Chỉ một lát nữa họ sẽ phải đối diện nhau tại tòa trên 2 phương diện đối lập, nhưng quy định không được thăm hỏi trong phòng xử.

img
Bị cáo Nguyễn Kim Đức.

Ngay phần làm thủ tục phiên tòa không khí đau thương đã hiện rõ. Anh N.K.H (SN 1989, con bị cáo) tham gia phiên tòa với tư cách vừa là bị hại, vừa là đại diện cho người em trai N.K.B mới 15 tuổi. Khi vị đại diện VKS đọc bản cáo trạng truy tố Nguyễn Kim Đức phạm tội giết người, em N.K.B đã không cầm được nước mắt. Cậu học trò lớp 9 này cố quay mặt vào trong tường nhưng không giấu được những tiếng nấc. Anh H ngồi sát bà nội thì cố gắng giữ chặt cảm xúc để nước mắt khỏi trào ra. Hành vi phạm tội giết vợ của bị cáo Đức đã gây một cú sốc lớn cho dư luận xã hội.

Khi nghe tòa yêu cầu khai lại sự việc bị cáo Đức đã nói tường tận: “Do Nguyễn Thị Hiền (SN 1963, vợ bị cáo) ốm, liệt nửa người 2 năm nay, cuộc sống gia đình khó khăn. Sáng ngày 1.6.2013, sau khi ngủ dậy, bị cáo sắc thuốc cho vợ, rồi ngồi ăn sáng. Lúc này vợ bị cáo cứ kêu khổ, cô ấy cầm đinh cắm vào ổ điện để quyên sinh nhưng bị cáo ngăn lại. Cô ấy lại tiếp tục cầm que cắm vào ổ điện, thấy vậy bị cáo dừng ăn sáng và nói "bà thích chết thì lên xe, bà đừng trách tôi nhé". Khi chở vợ ra đến cầu Đuống, bị cáo hỏi "muốn sống hay xuống kia đi cho mát?". Vợ tôi không nói gì, tôi liền bế ra sát thành cầu quẳng qua lan can. Bị cáo muốn giúp cho vợ vì cô ấy muốn chết!”.

"Dừng lại!", tiếng vị chủ tọa, thẩm phán Mai Văn Quang cắt ngang lời khai của Nguyễn Kim Đức, "Bị cáo lý giải sao khi bị vứt, vợ bị cáo đã bấu tay vào lan can cầu kêu cứu, việc này có người trông thấy". “Đấy là do phản ứng tự nhiên của người sắp chết” - bị cáo Đức lí nhí.

Để bào chữa cho việc làm của mình, bị cáo Đức còn viện dẫn vợ mình khi bị bệnh, chán đời, sợ ảnh hưởng gia đình nên đã tự tử mấy lần. Lần sử dụng điện, lần uống thuốc trừ sâu, lần uống thuốc ngủ, những lần tự tử này do phát hiện kịp nên được cứu chữa.

Xin tha tội cho bố


“Nếu bị cáo không thực hiện hành vi thì người bị liệt như chị Hiền có thể tự mình vượt qua thành cầu xuống sông được không. Là người ốm, việc người ta buồn đời, hay nghĩ tiêu cực là thường. Lẽ ra bị cáo phải động viên an ủi, đằng này vợ nói muốn chết là bị cáo cho chết luôn. Hành vi này không chỉ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng mà còn trái với đạo lý” - vị hội thẩm nhân dân nói.

Nghe HĐXX phân tích, bị cáo Đức chỉ biết cúi đầu. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, anh H cho rằng, khả năng dẫn đến hành vi của bố một phần do rượu. “Việc đã xảy ra rồi, mong tòa giảm nhẹ hình phạt cho bố tôi để gia đình bớt đi nỗi đau” - anh H nói.

Dáng vẻ tiều tụy sau nhiều tháng nằm viện ở trại giam, khi được nói lời sau cùng, bị cáo Đức lập cập quay lại nhìn 2 con và người thân đang ngồi phía sau: “Con xin lỗi mẹ. Bố xin lỗi 2 con. Xin lỗi anh em trong gia đình, đặc biệt với bên ngoại. Mong 2 con khôn lớn, phải giữ gìn không để bước chân vào nhà lao” - tiếng bị cáo Đức nấc lên.

Sau khi nghe HĐXX tuyên phạt tù chung thân về tội giết người, bị cáo Đức được dẫn ra xe để về nơi giam giữ. Như sực nhớ ra điều còn chưa nói, bị cáo vội quay lại nhìn người thân dặn: “Em không về được nữa rồi, 2 con em đến khi xây dựng gia đình nhờ các bác lo giúp. Với sức khỏe hiện nay, chỉ còn 46kg, nếu được hưởng án tù có thời hạn thì tuổi này cũng chẳng có cơ hội quay về...”.
Lương Kết (Lương Kết )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem