Người dùng iPhone liên tục nhận tin nhắn lừa đảo tìm việc qua iMessage, thu nhập hơn 30 triệu
Người dùng iPhone liên tục nhận tin nhắn lừa đảo tìm việc qua iMessage, thu nhập hơn 30 triệu
Thanh Thanh
Thứ tư, ngày 23/02/2022 10:36 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây, người dùng iPhone liên tục phàn nàn về việc nhận được những tin nhắn lừa đảo tìm việc qua iMessage, với mức thu nhập lên đến hơn 30 triệu đồng.
Người dùng liên tục nhận tin nhắn lừa đảo tìm việc qua iMessage
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chị Thu Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, thời gian vừa qua, chị liên tục nhân được nhiều tin nhắn spam trên iMessage về việc giới thiệu công việc đa cấp, nhằm lợi dụng những người nhẹ dạ cả tin, hòng chiếm đoạt tài sản.
"Cứ vài ngày mình lại nhận được 1 tin nhắn qua iMessage, nội dung các tin nhắn đa phần đều giống nhau với việc đưa ra mức lương cao ngất ngưởng lên đến 36 triệu đồng. Thậm chí, trong tin nhắn, các đối tượng lừa đảo còn khẳng định việc đảm bảo mỗi ngày làm nhận được ít nhất 800.000 đồng", chị Trang chia sẻ.
Ngay cả phóng viên của Dân Việt khi dùng iPhone cũng thường xuyên nhận được các tin nhắn lừa đảo kiểu này. Trước đó, vào giữa năm 2020, người dùng iPhone tại Việt Nam cũng bị "tấn công" bởi hàng loạt quảng cáo cờ bạc, đánh bài trực tuyến thông qua iMessage.
Cac đối tượng lừa đảo chỉ cần đăng ký tài khoản Apple ID bằng số điện thoại rác hoặc email, sau đó có thể dễ dàng gửi tin nhắn kèm các tệp tin đa phương tiện đến hàng loạt người dùng iPhone.
Ngoài việc dùng các tin nhắn mời gọi việc làm, một số đối tượng còn mạo danh các sàn thương mại điện tử để nhắn tin tuyển dụng nhưng thực tế là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, trong tin nhắn gửi đến khách hàng, kẻ xấu giả danh là Giám đốc Marketing của Shopee hoặc Tiki, Lazada tuyển dụng số lượng lớn nhân viên, với mức thu nhập có thể lên đến 800.000 đồng/ngày.
Đối tượng lừa đảo sẽ dùng Zalo kết bạn với nạn nhân, hướng dẫn người tham gia làm việc online, sao chép link quảng cáo để kiếm tiền, nhưng yêu cầu phải đặt cọc trước 300.000 đồng giữ chỗ.
Tin nhắn mạo danh Giám đốc sàn thương mại điện tử. Ảnh: NVCC
Có trường hợp đối tượng yêu cầu người tham gia nhập thông tin qua một đường link, và yêu cầu nhập số tài khoản ngân hàng để trả tiền trong ngày. Khi nạn nhân phát hiện dấu hiệu bất thường, kẻ lừa đảo sẽ huỷ kết bạn.
Đại diện các sàn thương mại điện tử khẳng định những tin nhắn trên đều là mạo danh sàn để trục lợi. Sàn chỉ tuyển nhân viên thông qua trang tuyển dụng của công ty, hoặc các tài khoản Facebook, LinkedIn chính thức. Ngoài ra, họ cũng liên kết với đối tác uy tín để tuyển dụng, chứ không có hình thức gửi tin nhắn như vậy.
Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu làm việc, hoạt động trên mạng gia tăng nên nguy cơ tấn công mạng ngày càng lớn với quy mô phức tạp và khó lường. Trước đó, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT khuyến nghị người dùng cần nâng cao cảnh giác, thận trọng với tin nhắn spam mời gọi làm việc, đầu tư kiếm tiền để tránh "tiền mất tật mang".
Cách chặn tin nhắn lạ trên iPhone
Để chặn các tin nhắn spam trên iMessage, người dùng có thể sử dụng tính năng "Lọc người gửi không xác định" trên iPhone.
Bước 1: Vào phần Settings (Cài đặt), chọn Messages (Tin nhắn)
Bước 2: Kích hoạt ON ở tùy chọn Filter Unknown Senders (lọc người gửi không xác định).
Khi kích hoạt tính năng này, iMessage sẽ không hiển thị thông báo và chuyển tin nhắn của những người gửi không nằm trong danh bạ vào một thư mục riêng biệt. Điều này sẽ phần nào giúp người dùng giảm bớt phiền toái khi nhận những tin nhắn rác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.