“Người hùng” đất chè

Mè Quang Thắng Thứ hai, ngày 08/09/2014 06:59 AM (GMT+7)
Mỗi khi nói về sự đổi thay trên quê hương mình, người dân bản Coong Lẹng, xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) không quên nhắc tới những đóng góp của anh Ôn Văn Hai, người dân tộc Sán Dìu, Chi hội trưởng Chi hội Cựu Chiến binh bản Coong Lẹng.
Bình luận 0

Khoan giếng tưới chè...

Chúng tôi tới bản Coong Lẹng khi người dân nơi đây bắt đầu vào vụ thu hoạch chè. Đoạn đường bê tông đầu bản bên bãi đá trắng mọi người xếp những bao tải chè tươi thành hàng dài cao ngất.

Từ đây bà con vận chuyển thành từng đợt tới bán cho nhà máy chế biến chè thương phẩm của huyện. Để chè cho năng suất cao như hiện nay, người dân nơi đây luôn nhắc đến công lao của anh Ôn Văn Hai. Và tôi đã bị cuốn vào câu chuyện “người hùng” đất chè.

Lấy vợ năm 1988 thì năm 1989 chàng thanh niên Ôn Văn Hai lên đường nhập ngũ tại Đại đội 17, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng. Tiễn chồng lên đường, vợ anh nước mắt lưng tròng dúi vào tay người chiến sĩ trẻ 3 củ sắn luộc được gói cẩn thận trong lá dong, nghẹn ngào: Anh đi đường ăn cho đỡ đói!

Vì ngày đó bản anh nghèo lắm, nhà nào cũng phải ăn độn khoai, sắn. Năm 1993 hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương anh quyết định thay đổi phương pháp trồng và chăm sóc cây chè, với quan điểm, muốn thoát nghèo phải phát huy được cây thế mạnh của địa phương.

Anh đi tham khảo và học tập kỹ thuật trồng chè ở khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và quyết định đốn trẻ lại toàn bộ nương chè rộng gần 1ha đã hơn 20 năm tuổi. Điều này khiến bà con trong bản hết sức ngạc nhiên vì từ trước tới nay người dân chỉ quen đốn phớt, đốn lửng.

Nhìn nương chè chỉ trơ lại toàn gốc cách mặt đất chưa đến 20cm, nhiều người đã gặp riêng anh tỏ ý phê phán, họ cho rằng đầu óc anh có vấn đề nên mới đốn chè cụt lủn, biết bao giờ cây mới lớn lên được như cũ. Anh khuyên mọi người làm theo mình thì họ đều lắc đầu.

Anh động viên vợ, thôi thì lấy ngắn nuôi dài, làm ruộng thu lương thực phục vụ cho việc cải tạo lại đồi chè. Cây đốn xong anh cuốc rãnh bỏ phân xanh, phân chuồng và rắc vôi bột tạo sự màu mỡ, giảm độ chua cho đất, qua đó kích thích cây chè sinh trưởng nhanh.

Sau 2 năm, những cây chè trơ gốc ngày nào đã cho thu hoạch với chất lượng chè rất cao: Tôm búp to, thân nõn dẻo, cánh lá dày. Và để cây cho búp quanh năm, hạn chế sâu bệnh, anh đã vay tiền anh em họ hàng khoan giếng tưới chè.

Khi tới nơi này, được tham quan hệ thống tưới chè của anh Hai, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, vì toàn bộ giếng và ống dẫn nước đều xuất phát từ đỉnh đồi cao. Giải thích điều này anh Hai cho hay, cái quan trọng khi khoan giếng là phải tìm được nguồn nước ngầm trong lòng đất.

Để có 3 chiếc giếng sâu chưa tới 20m mà bơm liên tục không hết nước anh đã học hỏi kinh nghiệm của một người bà con ở xã Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang). Đó là cuốc 1 cái hố nhỏ và lấy lá cây ngái đặt úp dưới hố qua đêm, sáng mai ra nếu mặt dưới của lá ngái đọng nước thì nơi ấy có mạch nước ngầm.

Theo anh Hai, một chiếc giếng khoan chi phí khoảng 6 triệu đồng (gồm công khoan, máy bơm, đường ống, dây dẫn) có thể tưới cho 5 sào chè. Với diện tích đó chỉ sau một vụ người trồng chè có thể hoàn lại vốn ban đầu bỏ ra để khoan giếng. Vì được tưới đủ nước nên nương chè nhà anh Hai rất ít sâu bệnh, sinh trưởng nhanh, năng suất tăng cao.

Nếu như năm 1995, một lứa chè là 2 tháng, năng suất đạt 4-5kg chè khô/sào, thì tới năm 2012 một lứa chè được rút ngắn xuống còn 20 ngày, năng suất tăng gần 7 lần, tới 26 -30kg chè khô/sào, bởi vậy gia đình anh Hai đã có của ăn của để. Từ thành công của việc khoan giếng tưới chè, anh tiếp tục đầu tư khoan giếng tưới cho lúa và hoa màu để thâm canh, tăng vụ.

Khi đã có thu nhập từ nương chè và ruộng vườn, vợ chồng anh đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh máy xay xát kết hợp với trồng rừng. Lúc chúng tôi tới đây gia đình anh đang nuôi 4 con trâu, 20 con lợn sắp xuất chuồng và có gần 1ha keo lai chuẩn bị cho thu hoạch...

Nhờ có phương pháp tăng gia, phát triển kinh tế phù hợp nên từ năm 2009 đến nay thu nhập hàng năm của gia đình anh Hai đạt gần 300 triệu đồng. Từ một hộ nghèo năm 2000, tới nay gia đình anh đã trở thành hộ giàu của xã.

Từ kinh nghiệm trong thực hiện mô hình phát triển kinh tế của mình mà anh Ôn Văn Hai luôn nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn nhiều hộ trong bản, trong xã và các địa phương lân cận phương pháp đốn, chăm sóc chè và tìm nguồn nước ngầm. Trong đó điển hình là 2 gia đình hội viên cựu chiến binh (gia đình ông Ôn Văn Thái, ông Ôn Văn Vượng) và 2 gia đình hội nông dân của bản (gia đình ông Nguyễn Dũng Cường, ông Nguyễn Xuân Hải) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được anh giúp đỡ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Bác sĩ” của bản

Ông Đoàn Công Mấu (70 tuổi), ở bản Coong Lẹng, khẳng định với chúng tôi: Nếu không có anh Hai thì giờ này tôi đã nằm “dưới cỏ” rồi.

Chuyện là, vào đầu năm 2009, nghe tin ông Mấu bị ốm, anh Hai tới hỏi thăm. Anh rất ngạc nhiên vì ông gầy đi rất nhiều so với thời điểm cuối năm 2008. Tìm hiểu anh Hai được biết ông có biểu hiện đau ngực, khó thở, sốt cao về chiều và đêm, ra mồ hôi trộm, chán ăn. Anh “chẩn đoán” ông bị bệnh lao phổi và khuyên ông đi khám tại trạm y tế xã. Được điều trị kịp thời nên ông Mấu đã khỏi bệnh.

Anh Hai bảo, muốn vươn lên làm giàu ngoài tinh thần quyết tâm, phải có sức khỏe, mà muốn chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh được tốt cần có sự hiểu biết nhất định về y học.

Như việc anh phát hiện ra bệnh lao của ông Mấu, hay khi anh đến các hộ gia đình trong bản vận động, hướng dẫn nhân dân phương pháp ăn ở vệ sinh khoa học, chăm sóc sức khỏe bản thân, trồng và sử dụng các cây thuốc Nam tại gia đình để phòng và chữa một số bệnh thông thường như bệnh về đường tiêu hóa, đường hô hấp, điều trị cảm lạnh, say nắng, sốt cao… là do anh đọc tài liệu mà nắm được.

Sự hiểu biết về y học và lòng nhiệt tình của anh được bà con nơi đây hào hứng đón nhận nên từ năm 2010 đến nay bản Coong Lẹng không có dịch bệnh ở người và gia súc, gia cầm, không có trẻ suy dinh dưỡng; 100% gia đình trong bản đã làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Điều này được ông Ôn Đức Lâm - Trưởng bản Coong Lẹng khẳng định: “Bà con luôn coi anh Hai như là “bác sĩ” của bản”.

Chúng tôi rời Coong Lẹng khi trời đã về chiều, anh Ôn Văn Hai lại tất bật lên đường. Anh khoác trên vai chiếc ba lô người lính đã nhuốm màu đất vàng quạch đi về phía cuối bản, đến giúp ông Ôn Văn Sơn tìm vị trí khoan giếng. Bóng của anh nhỏ dần rồi khuất sau nương chè xanh ngát.

Tôi biết những bước chân vội vàng của anh đã góp phần không nhỏ cho sự đổi thay trên quê hương mình. Nhờ anh mà bản Coong Lẹng (bản có hơn 90% người dân tộc thiểu số) đã không còn hộ nghèo. Anh Ôn Văn Hai được bà con tín nhiệm bầu là người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số nhiều năm liền.

   Ông Ôn Văn Huân - Phó Bí thư Đảng ủy xã Phúc Thuận khẳng định: Anh Ôn Văn Hai là tấm gương nông dân tiêu biểu của xã  trong thực hiện mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình từ cây trồng thế mạnh của địa phương. Áp dụng mô hình của anh mà bà con các xóm, bản đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem