“Nhà bác vật” nổi trội cả đức, tài ở Nam bộ!

Nguyễn Hữu Hiệp (Tổng hợp) Thứ ba, ngày 17/03/2015 15:00 PM (GMT+7)
"Cụ Lưu Văn Lang tuy không phải là nhà hoạt động cách mạng, cũng không bằng lòng người ta gọi cụ là một nhà chí sĩ. Nhưng cụ thực tâm yêu nước và rất có cảm tình với những ai dám hi sinh cho nước. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp cụ tuyệt đối không hợp tác với kẻ xâm lăng, không nhận lãnh một chức vị gì trong chánh phủ bù nhìn do thực dân tạo dựng". Vì thế cụ được nhân dân thương mến, kính trọng, tôn vinh là "nhà bác vật".
Bình luận 0

1. Khi thực dân Pháp trở lại muốn tái chiếm Việt Nam, trước hết họ nghĩ ngay tới những người thượng lưu trí thức do họ đào tạo, trong số đó Lưu Văn Lang khi ấy là người số một được lưu ý tới. Báo Đuốc nhà Nam số ra ngày 8.8.1969 có bài viết của chủ nhiệm Trần Tấn Quốc:

Người Pháp cho rằng họ đã đào tạo được một nhân tài bản xứ, và họ có quyền đòi hỏi nhân tài đó một sự công tác cần thiết hơn: một công tác chính trị. Nhưng cụ Lưu Văn Lang đã khẳng khái từ chối. Cụ không phải là nhà hoạt động cách mạng. Cụ không bằng lòng người ta gọi cụ là một nhà chí sĩ. Nhưng cụ thực tâm yêu nước và rất có cảm tình với những ai dám hi sinh cho nước. Do đó mà trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp cụ tuyệt đối không hợp tác với kẻ xâm lăng, không nhận lãnh một chức vị gì trong chánh phủ bù nhìn do thực dân tạo dựng. Mỗi lần họ mời cụ là cụ từ chối với những câu trả lời trên”.

img
Kỹ sư Lưu Văn Lang. (Nguồn ảnh: Tư liệu)

Ở Nam bộ, khi những cuộc đấu trang chống thực dân ­ Pháp nổ ra, hàng trăm trí thức lớn ở Sài Gòn có đủ các ngành nghề: giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, chuyên gia, quản lý kinh doanh đã không hợp tác với Pháp trong việc tái xâm lăng. Họ nhiều lần ký tên vào những bản kiến nghị, yêu cầu chính phủ Pháp phải thương lượng với chính phủ Hồ Chí Minh, đặc biệt là hồi tháng 5.1947, tháng 6.1949. Mỗi lần như vậy người ta đều thấy "nhà bác vật" Lưu Văn Lang đứng đầu danh sách.

Sau thành công từ Hội nghị Genève, giới trí thức và nhân dân Sài Gòn khi ấy nhận thấy cần phải bảo vệ hòa bình, theo cách mạng, thống nhất đất nước. Vì vậy chỉ 10 ngày sau Hiệp định Genève, “Phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn ­ Chợ Lớn” được sáng lập và lãnh đạo bởi các nhà trí thức có uy tín. Lưu Văn Lang là chủ tịch danh dự. Phong trào nhanh chóng lan rộng ra lục tỉnh. Đại biểu của phong trào đi thăm tù binh, can thiệp với Ủy ban Quốc tế đòi các nhà chức trách liên hiệp Pháp phải thả những người mà họ cố giam giữ. Chính quyền Diệm đàn áp, bắt Lưu Văn Lang (và một số người khác) về “tội” lập hội không xin phép! Toà án Sài Gòn tuyên bố không xét xử được vì không có cơ sở. Diệm phải trả tự do. Ra tù, Lưu Văn Lang và Nguyễn Văn Vĩ - người đồng chí của ông, viết báo vạch trần sự gian trá của chính quyền bù nhìn. Bị chính quyền ngăn cấm không cho đăng trên báo ở Sài Gòn, các ông gửi thư tố cáo đến tổng thống, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội Pháp!

2. Theo tài liệu của Bảo tàng Bạc Liêu, ông Lang là con của thợ mộc Lê Văn Cứng. Nhà nghèo nhưng ham học nên ngay từ thuở nhỏ Lưu Văn Lang đã được cha dạy chữ nho, khi lên 10 được học chữ quốc ngữ và Pháp ngữ. Tư chất thông minh, học đâu biết đó lại do có một nhà giàu thương lượng thuê đi học thay cho con mình nên Lưu Văn Lang có điều kiện lên Sài Gòn theo đuổi việc học, trở thành học sinh giỏi trường Chasseloup Laubat (*). Đỗ tú tài, ông được chính phủ Pháp cấp học bỗng sang Pháp học tại trường École centrale de Paris, lúc mới 17 tuổi. Năm 1904 thi tốt nghiệp, ông  “vẹt thiên hạ” đậu hạng ưu, cụ thể là hạng 8/250 – toàn là học sinh người nước ngoài! Lưu Văn Lang trở thành kỹ sư đầu tiên của Đông Dương.

Về nước, ông được cử lên biên giới Việt ­ Trung khảo sát, thiết kế đường xe lửa nối liền Vân Nam với Việt Nam. Từ 1909 đến 1940 ông làm việc tại Sở Công chánh Đông Dương (Sài Gòn). Năm 1927, với ý chí phát triển kinh tế tài chính nước nhà và cũng nhằm cạnh tranh với một số “ngân hàng ngoại tịch”, Lưu Văn Lang đã cùng các ông Huỳnh Đình Khiêm (Gò Công) và Trần Trinh Trạch (cha của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy) phóng lời kêu gọi các nhà tư bản Việt Nam khắp 3 miền góp vốn thành lập “Hội nặc danh” theo luật định để hình thành một ngân hàng thương mại tư thuần túy Việt Nam. Thế là “Việt Nam ngân hàng” đầu tiên ra đời, có 2 hội sở chính tại Sài Gòn và 1 chi nhánh tại Cần Thơ. Do có đầy đủ đức độ, uy tín và tư cách (am tường luật lệ) Lưu Văn Lang được Đại hội cổ đông bầu vào Hội đồng danh dự và chức Cố vấn.

Với sở học cùng trí thông minh thiên phú của mình, kỹ sư Lưu Văn Lang - “người con ưu tú của vùng quê Sa Đéc”  đã “cứu nguy” được không ít công trình, chủ yếu là những cây cầu có vấn đề về kỹ thuật do người Pháp thời đó xây dựng. Thí dụ cây cầu ở Khánh Hội (nay thuộc quận 4 TP.HCM); cây cầu ở An Hữu nằm trên trục lộ Đông Dương (nay là quốc lộ 1, Sài Gòn – Miền Tây); cây cầu bắc ngang Tòa Bố ở Sa Đéc. Cũng tại Sa Đéc, khi đi ngang qua mũi Cần Dố (Passe Nord, chỗ bến tàu Lục tỉnh ngày xưa, – nay thuộc Phường III, thị xã Sa Đéc), Lưu Văn Lang nói với bà con địa phương: “Rồi đây khu vực này sẽ bị sụp lở sâu vô cả chục công đất”. Nghe, ai cũng ngờ ngợ, không tin. Nhưng sau đó một thời gian, chuyện gì đến đã đến!

Đặc biệt, ông còn là tác giả của chiếc đồng hồ đá cổ (duy nhất của Việt Nam) cùng làm kiến trúc những ngôi nhà phố tráng lệ của Trần Trinh Trạch và Trần Xuân Chương ở Bạc Liêu.
img

Qua quá trình hoạt động, và với lập trường tư tưởng của ông, giáo sư Préton, Hội trưởng Hội Nhân quyền Pháp đã thừa nhận “Ông là một điển hình của lòng yêu nước, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, đặc biệt của miền Nam Việt Nam”. Ông không thuộc loại "kẻ sĩ trùm chăn" mà luôn đấu tranh trước áp bức của kẻ thù, bênh vực quyền lợi chính đáng của nhân dân, của dân tộc. Chính vì thế mà nhân dân rất thương mến, kính trọng, tôn vinh ông là "nhà bác vật".

Hiện nay, với con đường mang tên Lưu Văn Lang ở TP.HCM (thời Pháp thuộc đường này mang tên Sabourain; ngày 22.3.1955 đổi là đường Tạ Thu Thâu; ngày 14.8.1975 đổi là đường Lưu Văn Lang) tọa lạc bên hông chợ Bến Thành, nối liền đường Phan Bội Châu và Nguyễn Trung Trực, dài 140m, lộ giới 12m. Và tại thị xã Sa Đéc quê ông (nằm trên địa bàn phường II thuộc khu vực cầu Rạch Rắn) cũng có một con đường mang tên ông. Những con đường đó không chỉ nhằm ghi nhận về một nhân vật đầy sĩ khí của lịch sử, nổi trội cả đức lẫn tài, mà còn hàm ý nhắc nhở tất cả chúng ta về tấm gương tu thân xử thế vậy.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem